Các Triều Đại Trung Hoa – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Vua Bàn Canh vào giữa thời Thương đã có công bài trừ nạn xa xỉ tham nhũng. Bàn Canh dời đô đến đất Ân và từ đó nhà Thương gọi là nhà Ân, hay là Thương Ân. Cuối thời Ân lại gọi tên nước là Thương. Vua cuối nhà Thương là vua Trụ. Trụ là vua hung bạo nhất thời Thương. Trụ bị Võ Vương nhà Chu đánh lấy mất nước. Nhà Thương có 17 đời, 30 vua, trong đó có 14 vua là em nối ngôi anh.
Trong thời Thương, chế độ chiếm hữu nô lệ chiếm địa vị chủ yếu. Chữ “giáp cốt” (chữ viết trên mai rùa) được phát minh từ đây.
Thời Thương, nghề chăn nuôi phát triển. Nhiều loại gia súc mà sau này dân Trung Hoa nuôi dưỡng thì thời Thương đều có. Quân lính đã biết dùng voi để đánh trận và vận chuyển.
Số sinh vật bị giết cho việc cúng tế cũng khá nhiều. Các sản phẩm nông nghiệp: lúa tẻ, lúa nếp, lúa theo các vụ đã phát triển.
Trung Hoa là nước đầu tiên phát minh ra việc “đào giếng” lấy nước ăn, dùng để rửa. Theo truyền thuyết, Ích là người đầu tiên biết đào giếng. Tuy chưa xác thực, nhưng chắc chắn thời Thương có giếng, do đó dân chúng ít ở ven sông. Việc này có ý nghĩa rất lớn đối với việc mở rộng diện tích ruộng đồng và tăng thêm dân số.
Thời này, nhân dân được gọi là “tiểu nhân”, có thể xem là tầng lớp bình dân.
Phương thức sản xuất thời Thương tiếp theo chế độ Cộng sản nguyên thủy là phương thức sản xuất của chế độ nô lệ. Nô lệ làm việc cho chủ nô chính là làm nông nghiệp. Thủ công nghiệp có rất nhiều nghề và sự phân công cũng đã khá tỉ mỉ. Ở An Dương, nền cung điện xưa kia của các vua chúa người ta đã đào được di tích công trường thợ đá, thợ ngọc, thợ làm đồ bằng xương thú, thợ làm đồ đồng. Trong bốn loại thợ trên, thợ làm đồ đồng chủ yếu làm các bình, các lọ để cúng tế. Các đồ dùng bằng xương nhẵn bóng, chắc đã qua nhiều tay người dùng. Đó cũng chính là những thứ đồ mỹ nghệ. Ngoài ra các nghề như: Làm đồ da, nấu rượu, thợ đất, thợ mộc, nuôi tằm, dệt lụa, làm áo lông cừu đều có chép trong văn tự giáp cốt.
Thời đại này tiền tệ đã xuất hiện. Tiền bằng vỏ trai, vỏ hến là sản vật vùng ven biển. Thiếc để chế thành đồng thau thì từ phương Nam đưa lên. Miền tây sản xuất ngọc. Thời Bàn Canh đã gọi ngọc là “bảo hóa” (của quý). Có loại tiền làm bằng xương.
Thời Thương cho dân chở hàng hóa trên các xe trâu bò đi bán ở các nơi. Điều đó chứng tỏ thời Thương, thương nghiệp phát đạt.
Về hình pháp: Tuân Tử có viết: “Tên gọi các hình phạt có từ thời Thương”. Hàn Phi Tử thì viết: “Pháp luật thời Thương quy định ai đổ tro bẩn ra đường phố thì bị chặt tay”. Giai cấp thống trị đương thời đã lợi dụng hình phạt để ép bình dân làm nô lệ và cũng để đàn áp sự phản kháng của nô lệ. Thời đó rất nhiều nô lệ bị chôn theo người chủ hoặc bị dùng làm vật cúng tế. Mãi đến thời Đông Hán (khoảng năm 300 sau Công nguyên), dân tộc thiểu số miền Tây Nam vẫn còn giữ lối phục sức có cái đuôi dài như người nô lệ thời Thương.
Tổ chức quốc gia của Trung Hoa bắt đầu thành lập từ thời Thương. Thời kỳ toàn thịnh của thời Thương đã có các thuộc quốc. Phía đông có Tề, phía tây có Chu, phía nam có Quang, phía bắc có Thao.
Địa bàn chính trị nhà Thương gồm toàn tỉnh Hà Nam, mấy tỉnh nữa là Sơn Đông, Hà Bắc, Sơn Tây, Thiểm Tây và An Huy ngày nay.
Thời Thương đã có các giai cấp đối lập. Có người giàu, người nghèo, có người bóc lột và bị bóc lột.
Sử có chép: Bình dân phải nộp tô thuế. Có người hưởng nhiều quyền lợi, có người không được hưởng chút nào (nô lệ). Có thống trị, có bị trị, nên hình phạt cũng rất nặng, đã có nhà giam, chứng tỏ giai cấp thống trị áp bức nhân dân khá tàn ác. Quốc vương tổ chức quân đội sai các “Tể” tướng cầm quân đi đánh nơi này nơi khác. Các thuộc quốc không được chế tạo và tàng trữ binh khí.
Vua tự xưng là “Thiên tử” (con trời). Việc hôn nhân của vua được quy định. Vua có một vợ là hoàng hậu. Ngoài ra còn có rất nhiều cung phi, tỳ thiếp. Con của hoàng hậu được nối ngôi vua cha, chẳng may con của Hoàng hậu chết, những người em khác mới được thay thế. Chế độ thế tập từ đó phát triển lên một bước.
Thời Thương, thần quyền có địa vị quan trọng.
Bàn Canh dạy bảo dân chúng. “Nếu các con không nghe theo lời ta, thì các “tiên vương” ở trên trời sẽ giận đấy! Tại sao các con không nghe lời ta? Tổ tiên các con sẽ kêu oan với các tiên vương, xin phạt các con thật nặng, giết hết các con không để sót giống lại”.
Tế lễ thời Thương có nhiều hình thức khác nhau, thứ bậc nhiều, đồ cúng rất phiền phức. Người chết đã thế thì người sống cực kỳ xa xỉ.
Chuyển sang thời Chu, xã hội Trung Hoa bắt đầu chuyển sang chế độ Phong kiến.
Sách liên quan
Đứa Con Muộn – Đọc sách online ebook pdf
Anatoly Alexin
Trân Châu Cảng – Đọc sách online ebook pdf
Randall Wallace
Nietzsche – Cuộc Đời Và Triết Lý – Đọc sách online ebook pdf
Felicien Challaye
Mái Tây ( Tây Sương Ký) – Đọc sách online ebook pdf
Vương Thực Phủ
Đạo Phật Ngày Nay – Đọc sách online ebook pdf
Nikkyo Niwano