Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

SỰ XUẤT PHÁT CỦA GIÁO DỤC HIỆN ĐẠI

I. Giáo dục trong quá trình khai sáng văn minh

Cuộc sống hàng ngày của trẻ em

Bằng cuộc cải cách Minh Trị, thể chế Mạc Phủ ước chừng kéo dài 260 năm đã sụp đổ. Và rồi dưới tác động của một loạt các chính sách được thực thi bởi chính phủ Duy tân, chế độ phân chia địa vị xã hội hà khắc và rất nhiều quy định khác mang tính tiền cận đại đã bị giải trừ một cách từ từ hoặc nhanh chóng. Tự do sở hữu, tự do đi lại, tự do lựa chọn nghề nghiệp, những quy chế xoay quanh cá nhân đã được cải cách rộng lớn và trẻ em giờ đây xét ở phương diện hệ thống trước hết thuộc về “con người” với tư cách là cá thể tự do hơn là sự phụ thuộc vào địa vị xã hội hay gia đình và được coi là những người đi học.

Tuy nhiên, hiện thực xã hội không hề thay đổi nhanh như sự biến cách của chế độ. Đặc biệt ở vào thời kì trước khi có lệnh bãi bỏ các phiên (han) chuyển thành các tỉnh (ken) vào tháng 8 năm 1871, sự thống trị của chính phủ Duy tân chỉ mới giới hạn ở những vùng đất trực trị cho nên sự thay đổi diễn ra rất chậm chạp. Cuộc sống thường ngày của trẻ em (về độ tuổi thì tùy theo địa vị xã hội, giai cấp hay khu vực mà có sự thay đổi nhưng nói chung thông thường thời bấy giờ người ta coi trẻ em là những người có độ tuổi từ 6 đến 16) không có gì thay đổi lớn và nhanh chóng trước và ngay sau cuộc Duy tân.

Con cái của tầng lớp cựu võ sĩ vốn là giai cấp đặc quyền, nếu là con trai thì khoảng 10 tuổi sẽ tham gia vào tổ chức gọi là “những người bạn của trẻ em”. Ở đây, các bé trai sẽ được huấn luyện về võ nghệ và giáo dục về văn hóa trong môi trường với những quy định khắc nghiệt. Các bé trai sẽ nằm trong tổ chức này cho tới khi 15, 16 tuổi. Và như vậy mối quan hệ hình thành ở đây có mối liên hệ thông suốt với mối quan hệ con người với con người sau này khi các bé trai đã trở thành người lớn. Các bé trai này cũng theo học ở các trường của các phiên (han) ở các địa phương và trang bị vốn văn hóa cho mình với nội dung chủ yếu là Nho học. Sau khi đã làm lễ trưởng, thành phần đông vẫn đến các trường tư mở tại nhà riêng của thầy hoặc các võ đường để học tập. Đối với các bé gái thì về cơ bản được giáo dục tại gia đình với nội dung trọng tâm là các đức tính và kĩ năng thuộc về phái nữ như: đạo làm vợ, may vá thêu thùa, trà đạo, nghệ thuật cắm hoa… Cũng có ngoại lệ khi các bé gái đến ở với gia đình khác học theo thầy để nâng cao văn hóa nhưng phần đông mối quan hệ xã hội bị hạn chế.

Con cái những gia đình thương nhân cũng vậy, nếu là con trai thì sau khi tiếp nhận nền giáo dục tại nhà khoảng 10 tuổi sẽ được tổ chức vào các “Hội trẻ em”. Ở đây thông qua cuộc sống tập thể, các em sẽ học được ý thức cộng đồng hay luật lệ, đồng thời khi 6, 7 tuổi các em này cũng đi học ở các lớp học mở trong chùa. Thông thường, trẻ em sẽ học ở đây cho đến lúc 11, 12 tuổi. Nội dung học tập là đọc, viết, tính toán, lấy việc học viết làm trung tâm. Ngoài ra thông qua các cuốn sách giáo khoa Ourai(1), trẻ em cũng học được các tri thức thực dụng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày và học được cách ghi chép, tính toán sổ sách. Khi tròn 13, 14 tuổi, các em ra khỏi gia đình và trở thành những đứa trẻ học việc, đến 17, 18 tuổi thì làm lễ chính thức trở thành người lao động thực thụ. Đối với trường hợp là thợ thủ công thì khi 21, 22 tuổi, vào lúc thời kì học việc chấm dứt, sẽ chính thức trở thành người thợ thủ công thực thụ. Đối với các bé gái thì sau khi tiếp nhận giáo dục văn hóa tại nhà ở độ tuổi 14,15, nếu là con cái của những gia đình thương nhân khá giả sẽ được gửi tớilàm người học việc trong các gia đình hào thương hay võ sĩ. Những gia đình nghèo cũng thường gửi con cái đến làm người giúp việc trong các gia đình thương nhân giàu có. Cho dù là ở trường hợp nào đi nữa thì trẻ em ngay từ nhỏ đã phải đến sống ở gia đình khác và phải lao động, tiếp nhận sự giáo dục, huấn luyện và nếm trải cuộc sống khá khắc nghiệt và điều này được coi là cần thiết để trở thành người lớn.

Ở các gia đình nông dân, cũng giống như trẻ em ở các gia đình thương nhân, sau khi tiếp nhận giáo dục văn hóa thì vừa lao động vừa trưởng thành. Các bé trai khi 6, 7 tuổi sẽ được tổ chức vào “Hội trẻ em” trong quãng thời gian trước khi bước vào tuổi 15, 16 để trở thành thành viên của “Hội thanh niên”. Trong môi trường giáo dục tập thể, các em sẽ học đọc, học viết, học về luật lệ, tập tục của làng và đồng thời cũng trở thành những người đảm nhận các hoạt động liên quan đến các nghi lễ của làng trong năm. Trẻ em trong các gia đình nông dân khá giả từ lúc 6, 7 tuổi sẽ đến học tại các lớp học trong chùa trang bị vốn văn hóa cho mình với trọng tâm là Nho học, những trẻ em ham học sau đó tiếp tục theo học tại các trường tư tại gia để nâng cao trình độ văn hóa. Các bé gái thì vừa được giáo dục tại nhà đồng thời cũng là thành viên của “Hội thêu thùa” giống như hội, nhóm của các bé trai, tiếp nhận giáo dục văn hóa mang tính cộng đồng và khi 15, 16 tuổi thì trở thành thành viên của “Hội thiếu nữ”. Con gái của các gia đình nông dân khá giả thì khi 6, 7 tuổi có thể đến học tại các lớp học trong chùa và khoảng 15 tuổi thì ra khỏi nhà để trở thành người học việc.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x