Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Cái Thời Lãng Mạn của tác giả Nguyễn Khải

Là xong chứ, xong đẹp đẽ, chu tất, không thể nói là tạm được. Lần đầu tiên đến cái nhà này, cách đây đã hai chục năm, tôi nghĩ về anh có khác.

Năm ấy anh chỉ hơn tôi khoảng vài tuổi mà đã rất chững chạc, chững chạc và đắn đo và thăm dò. Như lấy làm khó hiểu và có phần nào hãi sợ tất cả những gì đang diễn ra xung quanh anh.

Gia đình anh vào hợp tác xã nông nghiệp ngay từ đợt đầu, hai đứa em thứ ba và thứ tư lần lượt đi bộ đội (người em thứ hai đi bộ đội từ năm chống Pháp), anh ở trong tổ nuôi cá giống vốn là nghề cũ của làng.

Ba đứa em nhỏ ngoài giờ học thì làm ruộng, làm gạch, chăn trâu lấy điểm. Làm ruộng có vụ, những tháng rảnh rỗi vợ anh lại chạy chợ, gặp gì buôn nấy, còn anh vẫn có nghề may, may lối cũ cũng được mà lối mới cũng được.

Là một gia đình rất nền nếp, có gia phong, dầu bố mẹ chết sớm, từ năm anh Phúc mới mười bảy tuổi. Nhưng anh luôn luôn giữ một khoảng cách nhất định với mọi cuộc vận động của xã.

Cũng tham gia như mọi người nhưng không gắn bó. Là nghĩa vụ chứ không là niềm vui. Tin có ít mà ngờ thì nhiều. Anh cùng một trà tuổi với tôi, là người lao động, người kháng chiến mà cách nhìn nhận thế sự giữa chúng tôi lại còn nhiều khác biệt.

Ngày ấy ở xã có chuyện bí thư chi bộ gả chồng cho con gái theo kiểu bán, giá tiền là từng ấy, thuận mua thì đem nhau đi, bất kể cái đứa chồng tiền là thằng nào.

Tất cả mọi người đều lấy làm lạ, riêng anh Phúc thì bình luận thản nhiên: “Cái họ nhà ấy tôi biết, xưa nay vẫn coi đồng tiền lớn hơn mả tổ, có lạ là người như thế lại được bầu làm bí thư chi bộ”.

Tôi rất mê anh Biền là chủ nhiệm hợp tác xã lúc bấy giờ. Là người có quyền mà không tham là hiếm lắm. Anh Phúc cũng đồng ý như thế nhưng lại bảo: “Lúc này cậu ta đang tham cái lớn hơn nên biết bỏ qua những cái nhỏ”.

Tôi hỏi: “Cái lớn hơn là cái gì?” Vẫn cái giọng dửng dưng: “Trẻ hám danh, già hám lợi, cái lý là như thế!”. “Thế còn ông Tuy Kiền?” Anh Phúc mủm mỉm cười: “Ông này thì hám lợi đứt đuôi rồi, nhưng có đáng là bao, ai chả thế.

Có tức là tức cái đứa không làm gì mà lại ăn rất bẫm kia”.

Khi tôi hỏi anh vì sao nhiều gia đình không dốc hết sức mình vào sản xuất nông nghiệp, lại chạy ngang chạy dọc như một thứ tiểu thương ở nông thôn thì anh đáp: “Không làm thế có mà đói to, anh cứ nhìn mấy thằng em tôi ngồi ăn thì biết”.

Tôi nói: “Dốc hết sức vào cây lúa tự khắc sẽ đủ ăn. Người trồng lúa không đủ ăn còn ai đủ”. Lại cười, cái cười lấp lửng đến là nhiều ý nghĩa: “Cái lý chung là như thế, nhưng trong thực tế chưa hẳn đã là thế”

– “Vậy cái thực tế ấy là thế nào?”. Anh đắn đo phải một lúc mới trả lời, là do đã tin tôi lắm, đã thân với tôi lắm nên mới trả lời, còn ngồi chỗ khác với người khác dễ gì dám nói.

Mà nói làm gì, nói xuôi thì không thể, nói ngược chỉ hại đến thân thôi. Đại để, theo ý anh Phúc, nơi nào ruộng đất có ít, người phải nuôi lại nhiều thì nên để nông dân tự lo lấy miếng ăn của họ.

Một nhà người, già trẻ lớn bé, xúm quanh một mảnh ruộng, bóp từng hòn đất, nhổ từ cọng cỏ, mài đến nhẵn bóng mọi góc bờ làm gì mà không đủ ăn. Có mấy thước vườn còn nuôi sống được người huống hồ những mấy sào ruộng!

Đất đã ít lại tập thể, lại họp hành, lại đấu tranh, rồi biểu đồ này thống kê nọ, rồi tính rồi toán, cứ rối như canh hẹ, rút lại có cái cốt tử là miếng ruộng thì để nó đứng trơ một mình như con côi con ghẻ.

Anh nói: “Cái của ngọc thực vốn bện hơi người, mà phải là hơi người quen chứ không nên là hơi người lạ, mới ra hoa ra quả được. Anh cứ ngẫm mà xem…”.

Năm ấy, tôi biết mấy ông xã không thích tôi đi lại quá nhiều với gia đình ông Phúc. Có thể vì nhà ấy đông anh em quá, họ hàng thân sơ của một chi cũng đã chiếm đến góc làng.

Lại cũng không phải là những người ngu hoặc quá hiền, việc gì cũng biết, chuyện gì cũng tường, không nói thì thôi, đã nói rất khó bắt bẻ.

Lại cũng có thể anh em nhà họ là gia đình kháng chiến, thực hiện các chính sách rất nghiêm chỉnh, nhất là chính sách nghĩa vụ quân sự, đời cha đời ông không làm điều gì phi nhân thất đức, nên họ có quyền chỉ trích, có quyền phản đối, có quyền phát đơn kiện tụng nếu họ muốn mà không một ai dám ngăn trở hoặc đe nẹt.

Nên mấy ông làm việc ở xã mới ngại, mới ghét, không muốn một anh nhà văn nhà báo lui tới chơi bời với anh em họ, sợ sinh biến.

Tôi thích lai vãng tới gia đình này chỉ vì một lý do rất đơn giản: Tôi đang mê say người em thứ tư của anh Phúc mới ở bộ đội về, tên là Khang, sẽ là một mẫu người lý tưởng của tôi trong một truyện nào đó, sắp tới.

Đã tính thế. Thêm nữa, đến với anh em họ rất vui, những đàn ông là đàn ông, ra vào nguềnh ngoàng, ngồi đâu cũng có người, đứng đâu cũng gặp người, toàn là người thích nói vui nên mình cũng vui lây.

Chỉ nói vui thôi chứ không nói xấu một ai, châm chọc một ai, hoặc bàn luận việc này việc nọ của xã mà họ không bằng lòng.

Tôi biết là anh em họ không bằng lòng nhiều chuyện nhưng họ chỉ nói nhỏ với nhau thôi, chắc vậy, chứ không để lọt vào tai người ngoài. Chẳng phải vì sợ mà chỉ vì họ không thích thế.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x