Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Cành Rong Biển Chưa Khô của tác giả Võ Thị Điềm Đạm

Từ hai tháng nay, Ba Má không cho Loan đạp xe lên xuống Sài Gòn nữa, đường xa nguy hiểm. Thân con gái một mình, mang theo thuốc men, tiền bạc, đi về giờ giấc tương đối nhất định, dể là con mồi cho tụi cướp dọc đường xa lộ Sài Gòn ngày càng tung hoành. Loan đón xe đò Thủ Đức – Lê Hồng Phong mỗi ngày từ đó. Tốn tiền xe đò vừa cho cái xe đạp để trên mui, vừa vé, vòng đi vòng về. Loan tiết kiệm, nhưng Ba má bắt buộc, đành phải theo cho Ba Má yên tâm.

Hôm nay trời gần tối, Loan đứng đón xe đò ngã tư Lê Văn Duyệt – Hồng Thập Tự, trước bệnh viện Từ Dủ. Xe ngừng vì chú tài trẻ quen mặt Loan đón xe mỗi ngày. Đưa được xe đạp lên mui, chuyến xe chiều đông người, người đứng cũng chật như nêm. Loan len từ từ đến giữa xe, tìm chỗ đứng, chỗ vịn tay cho vững.

Tay xách cái giỏ đựng ít bánh tây cho Má và cà phê con chồn cho Ba mặc dù Ba kêu mắc, không chịu uống, má kêu mắc để dành không chịu ăn hết. Vai đeo cái giỏ tiền và một ít thuốc tây chưa tiêu thụ hết trong ngày, nét mệt mõi hiện rõ trên gương mặt càng thêm rám nắng vì cả ngày này qua ngày kia bương bả ngoài đường.

Mắt nhìn đăm đăm phía trước, cánh tay mảnh mai, cổ tay nhỏ cố gồng những ngón tay mảnh dẻ để níu chặc cây sắc kế bên, người ngã chúi mỗi khi xe thắng ngừng đón đưa khách lên xuống, đã làm yếu lòng một người đàn ông ăn mặc khá chải chuốt so với những người đa số là dân buôn bán trên chuyến này, đang ngồi hàng ghế nơi Loan đứng. Ông nói nhỏ, giọng Bắc pha tám mươi phần trăm giọng Nam:

– Cô mệt, cô ngồi đây đi, tôi đứng được.

Không chờ phản ứng của Loan , ông đứng dậy, nhường chỗ cho Loan ngồi. Ngay lúc đó người hàng khách ngồi kế bên cũng đứng dậy, để len ra phía trước chờ xuống trạm tới.

Người đàn ông nhường Loan len vô ngồi ghế gần cửa sổ. Thường ngày gặp những trường hợp như thế này, Loan chỉ nhỏ nhẹ cảm ơn, không buồn nói thêm một câu, chỉ muốn được ngồi, nghỉ ngơi cho quãng đường còn lại đúng ra chỉ cần 30 phút nhưng vì phải ngừng để cho khách xuống khách lên liên tục nên mất ít nhất 1 giờ. Hôm nay cũng nổi mệt mỏi thường lệ, Loan vừa tìm thế ngồi , không cám ơn, nhưng lại vừa chịu khó đùa:

– Bộ tôi coi già nua như một cụ già hay sau mà ông áp dụng bài học công dân giáo dục ? Bây giờ đâu có trường nào dạy môn này nữa.

Ông ta cười:

– Tôi học môn này lâu lắm rồi, dễ gì quên.

– Nhưng trong sách Công Dân Giáo Dục không dạy nhường chỗ cho người trẻ, tôi còn trẻ chớ hả?

Người đàn ông xoay người, làm bộ ngắm Loan , làm bộ suy nghĩ.

– Chắc còn trẻ…

– Trời ơi! ông nói “chắc”…sao ông không có chữ nào khá hơn sao? “Chắc” có nghĩa là không trẻ lắm. Bài Công Dân Giáo Dục không dạy “lăng gà” sao?

– “Lăng gà” có nghĩa là gì vậy?

– Giọng ông không phải giọng “bắc bảy mươi lăm”, sao không hiểu chữ “lăng gà”, không phải “chuyện vui bộ đội” chứ?

– Cô chưa giải thích chữ “lăng gà” rồi còn cho thêm chữ “bắc bảy mươi lăm”, thêm chữ “chuyện vui bộ đội”, còn chữ nào nữa không, nói luôn đi.

– Giọng ông là giọng “bắc năm mươi tư”

– Cha… cái này là tôi phải về nhà tra tự điển mấy cái chữ lạ lùng này đây.

– Ông tra tự điển Bách khoa cho tới khi tóc bạc răng long cũng không tìm ra. Tiếng lóng mà, đâu có nằm trong tự điển. Thôi để tôi giải thích cho nếu thực sự ông là “con nhà dòng”. “Lăng gà” là một trong những “chuyện vui bộ đội”, chuyện khá dài, nhưng ông cứ biết “lăng gà” là “ga lăng”, nói hay làm gì đó cho vui lòng, đẹp lòng con gái đàn bà, nịnh đầm đó. “Bắc năm mươi tư” là những người Bắc trốn cộng sản di cư vào Nam năm 1954, giọng pha Nam, nghe nhẹ nhàng, ấm lòng người. Còn “bắc bảy mươi lăm”…

– Thôi… tôi hiểu rồi. Vậy tôi không phải “bắc năm tư”.

– Ô!

– “Bắc bốn mươi mốt”, cô nghe chữ này chưa? Gốc tôi là “bắc 41” nhưng tôi là người Nam. Còn “bắc bảy mươi lăm” là những người Bắc vào Nam từ năm 1975, đúng không?

– Thông minh nhưng thiếu.

– Thiếu?

– Ừ, thiếu. Là giọng Bắc oang oang, không coi ai ra gì. Là những người cộng sản tràn vô Nam chứ không phải di cư trốn cộng sản?

– Cái chữ “tràn” này để bàn sau. Còn chữ”chuyện vui bộ đội”?

– Không biết chữ này nữa sao? Hồi đó giờ ông sống ở thiên đường chắc? Nhà dòng bị đóng cửa hơn bốn năm nay rồi mà.

– À, tôi đi du học lâu rồi.

Người đàn ông thật thà. Ông không hiểu rằng khi mới quen biết tình cờ một người trên xe đò mà đã “khoe” là du học mới về tức là khoe khoang, trịch thượng, nhất là khoe với thiếu nữ. Ông đâu biết cái mã “du học” đang được nhiều cô ngắm nghé, một cách tìm đường ra nước ngoài công khai, tránh hiểm nguy. Loan không ưa lối khoe khoang đó. Loan hỏi chọc mỉa mai:

– Ông du học ờ Kampuchea hay Laos?

Người đàn ông không hiểu ý mỉa mai trong câu hỏi đó, vội vàng trả lời:

– Không không, tôi du học ở Đức, 8 năm rồi.

– À há!

Nhìn nét mặt vội vàng đính chính, không một mảy may khó chịu hay cười theo lối hỏi mỉa mai của mình, Loan hiểu nhanh là người đàn ông này không có ý khoe mà chỉ vì thật tình.

Tiệm kem Bặch Đằng nằm trên Lê Lợi càng về chiều càng đông người, ngắm dáng Loan đi nhanh, nhẹ, từ bên kia đường, mái tóc lưng chừng đong đưa theo bước chân, dáng dong dỏng cao, vai đeo túi vải jeans, quần jeans, áo thun trắng, giày bata trắng, kiếng mát, Hưng thầm nghĩ : “Hôm nào cũng thế, cô nàng đúng là dân Sài Gòn, thật trẻ trung, thật thể thao”. Loan cười nhìn Hưng, nhận ánh mắt chiêm ngưỡng từ Hưng, tự nhiên ngồi xuống cái ghế Hưng kéo cho mình.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x