Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Cấu Trúc Thơ của tác giả Thụy Khuê mời bạn thưởng thức.

II. Những điều đã viết

Bài tiểu luận bằng quốc ngữ đầu tiên phân tích bản chất thơ có lẽ là bài “Thơ ta và thơ tây” của Phạm Quỳnh, xuất hiện năm 1917 trên Nam Phong Tạp Chí. Phạm Quỳnh đưa ra một định nghĩa rất đơn giản về thơ: “Ta coi thơ tức là vẽ, và vẽ tức là thơ; thơ là vẽ bằng lời, bằng thanh âm, vẽ là thơ bằng hình, bằng màu sắc […].

Muốn làm bài thơ, trong trí phải tưởng tượng ra một cái cảnh, hoặc là cảnh thiên nhiên, hoặc là cảnh trong tâm giới, rồi dùng những âm hưởng thích đáng mà gọi, mà kêu nó lên, khiến cho người nghe cũng phải tưởng tượng như thế. Hai đàng cùng là vẽ cả, một đàng là vẽ cách trực tiếp, một đàng là vẽ cách gián tiếp, nhưng đều là muốn khêu gợi ra một mối tư tưởng cảm tình trong tâm trí người ta vậy.”

Khó mà tìm một định nghĩa rõ ràng và ngắn gọn hơn,vừa nói lên mối tương quan giữa thi và họa, vừa xác định những yếu tính của thơ: dùng ngôn ngữ làm chất liệu để tạo hình (thiên nhiên hoặc tâm cảnh), khêu gợi cảm tình trong tâm trí người đọc.

Những điều ấy, Phạm Quỳnh viết chơi “nhân đọc sách “Cổ xúy nguyên âm” của ông Nguyễn Ðông Châu(1) mà chạnh nghĩ ra những ý kiến ngổn ngang như thế, nghĩ làm sao viết ra làm vậy, đâu dám tự phụ xướng ra một lý thuyết mới về thơ tây với thơ ta”.

Năm 1917, Phạm Quỳnh 25 tuổi.

Trong Nhà Văn Hiện Ðại (1942), Vũ Ngọc Phan có giới thiệu cuốn Chương Dân Thi Thoại của Phan Khôi, in năm 1936 tại Huế. Theo nhận định của Vũ Ngọc Phan thì đây là cuốn sách biên tập và bình thơ có giá trị. Hoàng Văn Chí trong Trăm Hoa Ðua Nởû Trên Ðất Bắc (1959) cho rằng Chương Dân Thi Thoại còn có tên là Nam Âm Thi Thoại, in khoảng 1930 tại Hà Nội, đến năm 1936 in lại, đổi tên là Chương Dân Thị Thoại. Chương Dân là bút hiệu khác của Phan Khôi. Vậy Nam Âm Thi Thoại có thể xem như là cuốn sách bình thơ đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ.

Hàn Mặc Tử trong thư viết cho Hoàng Trọng Miên tháng 6 năm 1939 (in lại trong tập Chơi giữa mùa trăng) đề ra quan niệm về thơ dựa trên thánh chúa: “Ðức Chúa Trời đã tạo ra trăng, hoa, nhạc, hương, để cho người đời hưởng thụ, nhưng người đời u mê phần nhiều không biết tận hưởng một cách say sưa (…). Vì thế, trừ hai loài trọng vọng là “thiên thần và loài người” ra, Ðức Chúa Trời phải cho ra đời một loài thứ ba nữa: loài Thi Sĩ (…). Thi sĩ rơi xuống cõi đời, bơ vơ, bỡ ngỡ và lạ lùng, không có lấy một người hiểu mình (…).

Thơ là một tiếng kêu rên thảm thiết của một linh hồn thương nhớ, ước ao trở lại trời, là nơi đã sống ngàn kiếp vô thỉ, vô chung, với những hạnh phúc bất tuyệt (…). Thơ là sự ham muốn vô biên những nguồn khoái lạc trong trắng của một cõi trời cách biệt (…).

Tôi làm thơ?

Nghĩa là tôi nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng.”

Quan niệm huyền diệu về thơ trên đây của Hàn Mặc Tử tuy không chủ xướng một lý thuyết về thơ, nhưng đã phản ảnh chân thành tâm hồn và động cơ sáng tác của thi sĩ, đồng thời nói lên mối tương quan giữa thi nhân và trời đất, giữa thơ và nhạc, thơ và các ngành nghệ thuật khác.

Trong Nhà Văn Hiện Ðại, tập III (1942), Vũ Ngọc Phan dành riêng phần VI để viết về một số nhà thơ trong phong trào Thơ Mới.

Trong Thi nhân Việt Nam (1941) Hoài Thanh và Hoài Chân làm ba công việc: lựa chọn các nhà thơ đưa vào tuyển tập, bình thơ và viết tổng quan tình hình thi ca những năm 40: thuật lại những trào lưu và biến chuyển tư tưởng cùng ảnh hưởng thi ca Tây phương trong thơ mới. Tác phẩm của Hoài Thanh – Hoài Chân có giá trị văn học sử, phê bình và tuyển chọn giúp người đọc biết rõ tình hình thơ ca những năm 40 và cảm nhận cái hay trong mỗi tác giả.

Năm 1941, nhóm Xuân Thu Nhã Tập(2) -Nguyễn Ðỗ Cung, Phạm văn Hạnh, Nguyễn Xuân Sanh, Ðoàn Phú Tứ, Nguyễn Lương Ngọc và Nguyễn Xuân Khoát- dưới lối trình bầy đôi khi bí hiểm, đưa ra một số lý thuyết mới mẻ về thơ, họa và nhạc, tìm mối tương quan mật thiết giữa ba ngành nghệ thuật và xác định một triết lý thi ca nằm trong tinh thần chữ Ðạo của Ðông phương.

Bằng lập luận có hệ thống, phát xuất từ nền tảng tư tưởng Tây phương: tự do hưởng thụ, đề cao vai trò của giác quan (trước khi dùng những phương thức lý trí, có ý thức, có hệ thống để phán đoán (…) chúng ta đã chịu sức quyến rũ của mùi thơm), và cá nhân chủ nghĩa: (thơ chỉ là một sự nhớ lại, một cuộc trở về của thi sĩ trong cái tôi của mình nằm trong sự vật); nhóm Xuân Thu Nhã Tập phủ nhận tư tưởng Tây phương để quay về với triết lý Ðông phương. Ðoàn Phú Tứ từ bỏ cái “tôi” hẹp hòi của Tây phương để bước sang cái “ta” Ðông phương, với hy vọng tìm ra chân lý trong cái “ta” vô cùng vô tận:

“Tôi đã thu trọn trong kén, như con tằm tự vương mãi dây oan”, “Ta là tất cả, vì tất cả đã bừng sáng trong ta”, “Thoát cái tôi dày đặc, tối tăm, ta đã sáng suốt vươn tới cõi vô cùng bằng Tình Yêu, bằng Thơ, bằng Tin Tưởng”. Cái “ta” của Ðoàn Phú Tứ, nhìn một cách nào đó, là tính cách đa ngã và vô ngã trong thơ hiện đại (chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này).

Theo lập luận đó, từ cái “ta” lồng lộng đẹp vô cùng ấy nẩy sinh “Cái Ðẹp” và “Sự Thật”, hai yếu tố căn bản cấu tạo nên Thơ. “Thơ là một cái gì không giải thích được … Nó tràn sóng sang người đọc, được rung động theo nhịp điệu của Tuyệt Ðối … Ta là chiếc đàn muôn dây, rung theo nhịp điệu của vô cùng, và trên cánh nhạc, ta cảm thông với sự thật của Trời Ðất, sự thật tuyệt đối”.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x