Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Cha Tôi, Đặng Tiểu Bình – Những Năm Tháng “Cách Mạng Văn Hóa” của tác giả Mao Mao mời bạn thưởng thức.

Nã pháo vào Bộ Tư lệnh

Từ ngày 1 đến ngày 12/8/1966, Đảng Cộng sản Trung Quốc họp phiên toàn thể lần thứ 11 khóa VIII. Ở Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng, họp trong những ngày đầu của Hội nghị toàn thể, Mao Trạch Đông chỉ trích nặng nề hơn đối với việc cử các tổ công tác, ông ta nói “là đàn áp, là khủng bố, cuộc khủng bố này là từ Trung ương mà ra”, và mập mờ nói thêm: “bọn đầu trâu mặt ngựa hiện đang ngồi ở đây”. Mao Trạch Đông còn dùng phương thức điển hình của Cách mạng Văn hóa viết ra bài báo trứ danh: “Bài báo chữ to của tôi – Nã pháo vào Bộ Tư lệnh”, trong đó chỉ trích một số đồng chí cán bộ lãnh đạo từ Trung ương tới các địa phương đã đứng trên lập trường giai cấp tư sản phản động, thực hiện chuyên chính của giai cấp tư sản. Bài báo chữ to đó tuy không đích xác chỉ vào ai, nhưng mũi giáo chỉ vào đâu thì đã hai năm rõ mười.

Từ đó, đại hội bắt đầu vạch vòi và phê phán những “sai lầm” của Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình. Các ông kễnh Cách mạng Văn hóa từ “các lộ” bắt đầu bằng việc cử các tổ công tác đàn áp phong trào học sinh, rồi mới ngược các loại “sai lầm”, từng điểm một, từ năm 1962 tới lúc đó của cán bộ lãnh đạo tuyến một Trung ương, buộc tội Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình.

Bài nói chuyện trong hội nghị của Mao Trạch Đông cũng chỉ trích Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình đàn áp phong trào học sinh là vấn đề phương hướng, là vấn đề đường lối, là đường lối sai lầm. Hội nghị phê phán đó đã đi đến được một kết luận, ngoài Trung ương Đảng do Mao Trạch Đông dẫn đầu, còn có thêm một Bộ Tư lệnh của giai cấp tư sản do Lưu Thiếu Kỳ làm đầu đảng.

Cuối cùng, theo đề nghị của Mao Trạch Đông, đại hội tăng thêm một nghị trình, xét tuyển lại Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Lưu Thiếu Kỳ đang đứng ở hàng thứ hai, nay tụt xuống hàng thứ tám. Còn Lâm Bưu thì lên lách leo lên, được xếp vào hàng thứ hai, trở thành Phó Chủ tịch duy nhất của Trung ương Đảng, được cất nhắc, thay thế cho Lưu Thiếu Kỳ, ở vào địa vị người kế cận.

Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình vốn là những người chủ trì công tác ở tuyến một Trung ương, kể từ sau hội nghị này, trên thực tế là đã rút khỏi công tác lãnh đạo ở Trung ương rồi. Đồng thời với việc tiếp thu phê phán ở hội nghị, cha tôi có lúc vẫn phải đi tham gia phong trào, tham gia các cuộc mít tinh của quần chúng, và giải đáp các vấn đề ở một số trường học. Đối với Cách mạng Văn hóa, cha tôi đã từng nói: “Lão thành cách mạng gặp vấn đề mới” để biểu thị sự không hiểu nổi của mình. Sau khi bị phê phán, sự không hiểu nổi lại càng sâu đậm hơn. Ông là người trầm lặng, ít nói, nhưng đối với phong trào này, đặc biệt là đối với sự điên cuồng của lũ người trong Ban Cách mạng Văn hóa Trung ương và sự ngu muội của lũ tạo phản thì nỗi căm ghét càng chất chứa trong lòng. Có khi, đứng trước quần chúng, ông đã mặc xác cái nghịch cảnh của mình, chứng minh sự chính nghĩa của mình và của cả người khác.

Ngày 2/8/1966, ông được thông báo phải đến tham gia tại hội công nhân viên chức của thầy trò trường Đại học nhân dân, có học sinh gửi tới ông một mẩu giấy, hỏi về sự kiện “binh biến tháng 2”. Ông biết rõ rằng đây là một âm mưu có người xúc xiểm, vu cáo, buộc tội thêm Nguyên soái Hạ Long, biết rõ ràng ở hội trường có Trần Bá Đạt v.v… và cả những ông kễnh của Ban Cách mạng Văn hóa Trung ương, nhưng ông vẫn thẳng thắn trả lời:

– Đã kiểm tra đầy đủ, không hề có chuyện này.

Và nói thêm:

– Xin nói để các bạn biết, quân đội của ta, Bành Chân không điều động nổi, tôi cũng không điều động được!

Chỉ từ mấy câu giải đáp trên đây, đã có thể hoàn toàn hiểu được sự bực bội, tức tối trong lòng ông ra sao. Ông muốn giải đáp bênh vực những đồng chí cũ, những chiến hữu cũ, nhưng ông, trong lúc đó, đã là người thấp cổ bé họng, có miệng mà chẳng cất được lên lời.

Sau khi đã kết thúc hội nghị toàn thể lần thứ 11, Mao Trạch Đông quyết định, Lâm Bưu đứng ra triệu tập một cuộc họp Ban Thường vụ Bộ Chính trị mở rộng. Hội nghị vốn định là tiếp tục phê phán Lưu Thiếu Kỳ, nhưng Lâm Bưu, Giang Thanh và một số người khác lại nhận định rằng: về thực tế, Lưu Thiếu Kỳ đã bị đánh đổ rồi. Trước mắt, Đặng Tiểu Bình mới là mối nguy cơ chủ yếu, và là sự trở ngại lớn nhất, bởi thế mà mũi dùi phê phán của hội nghị bèn quay về phía Đặng Tiểu Bình. Bọn họ không những tổ chức chặt chẽ người phê phán Đặng Tiểu Bình, mà Lâm Bưu còn đích thân xuất tướng, biến vấn đề Đặng Tiểu Bình thành mâu thuẫn địch ta.

Ở hội nghị, cha tôi còn bị phê phán không chính đáng, thậm chí còn bị vu cáo. Tâm lý nhất định là mất bình tĩnh rồi. Về nhà tuy ông chẳng nói năng gì, nhưng trằn trọc không ngủ được. Mẹ tôi thấy ánh đèn trong phòng ngủ của ông suốt đêm không tắt, liền đi vào nói:

– Ba giờ hơn rồi đấy, làm sao ông vẫn chưa ngủ?

Cha tôi nói với mẹ:

– Trong cuộc họp tối hôm nay, việc phê phán Lưu Thiếu Kỳ đã chuyển hướng sang tôi rồi.

Mẹ tôi hỏi:

– Ai phê phán ông?

Cha tôi chỉ nói một câu:

– Anh Bộ đội.

Cha tôi không nói thêm một câu nào nữa, mẹ tôi cũng không dám hỏi nhiều hơn, chỉ an ủi ông:

– Ông ngủ đi thôi, nếu không, sáng mai lại không dậy đi họp được.

Cha tôi biết rằng, sau lần phê phán này, những “cái sai” của ông, không còn dừng ở chuyện cử tổ công tác đi “đàn áp” quần chúng nữa, mà tất cả các món nợ cũ, nợ mới trong lịch sử đều được đem ra thanh toán hết.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x