
Chân Dung và Đối Thoại – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Chân Dung và Đối Thoại của tác giả Trần Đăng Khoa mời bạn thưởng thức.
Xuân Diệu
Những năm cuối đời, Xuân Diệu hay nghĩ đến thời gian. Ông chợt hỏi tôi:
– Này, năm nay, Khoa bao nhiêu rồi nhỉ?
Câu hỏi như một thoáng thảng thốt, chứ Xuân Diệu còn lạ gì ngày sinh, tháng đẻ của tôi nữa. Và khi tôi nói tuổi mình thì ông nhìn tôi, thẫn thờ.
– Cậu còn trẻ quá. Còn mênh mông thời gian ở trên đầu. Muốn làm gì mà chẳng được. Khoa còn đến nửa thế kỷ nữa để sáng tạo, để vượt lên…
Quả là tôi còn nhiều thời gian. Đó là một may mắn, nhưng biết đâu đấy chẳng là bi kịch? Người bộ hành bé nhỏ đứng trước một con đường ngút ngát, phải lăn lội nửa thế kỷ nữa. Vượt như thế nào đây. Tôi ngẩng lên nhìn người đồng hành gần gụi nhưng cũng thật xa vợi. Bởi ông đã xuất hành trước tôi đến gần nửa thế kỷ.
– Quỹ thời gian của mình còn ít quá. Cứ theo cái thước Đặng Thai Mai thì mình còn vài nấc nữa. Mà theo cái thước Xuân Thuỷ, Nguyên Hồng thì mình đã quá mấy tấc rồi.
Nguyên Hồng mất đột ngột ở tuổi 65. Xuân Diệu đã ở cái tuổi 69. Ông như người chạy việt dã, đua với thời gian. Xuân Diệu tiết kiệm từng tích tắc. Nếu đi đâu về, thường thì ông treo áo lên mắc luôn chứ không vắt ở ghế, để khỏi phải mất một khoảng thời gian treo nó lên mắc áo. Có lần, Xuân Diệu mời tôi đến nhà để chuẩn bị cho cuộc hội thảo thơ ở trường Nguyễn Du. Ông hẹn chính xác tới từng phút. Tôi đến trước hẹn chừng nửa tiếng, Xuân Diệu kéo cái ghế mây mời tôi ngồi, rồi đưa cho tôi mấy tập bản thảo thơ tình chép tay của ông, để tôi đọc. Còn ông lại tiếp tục làm việc nửa tiếng nữa trên cái bàn cũ kỹ có lót một tấm kính cũng rất cũ kỹ. Dưới tấm kính là những bức ảnh ông chụp ở nước ngoài. Ông quên béng nhà đang có khách, quên cả cái nóng ngun ngút của Hà Nội mất điện và tiếng ồn ào náo động của đường phố tan tầm. Xuân Diệu như bò xoài trên trang giấy. Có lẽ bố tôi cày ải, chạy bão cũng không cực nhọc, khốn khổ như Xuân Diệu cày trên cánh đồng giấy của mình.
– Có lẽ mình đến đứt mạch máu não mất. Buốt óc quá!
– Chú mệt thế thì cứ nghỉ cho khoẻ. – Tôi thành thực thương ông.
– Nhưng các báo yêu cầu mình. Xã hội còn com măng mình. Thế nghĩa là mình vẫn còn có ích. Sợ nhất là thành gái già . Chả ai còn ỏ ê đến nữa. Vả lại cứ phải viết, viết nhiều. Nhà văn tồn tại ở tác phẩm. Không có tác phẩm thì nhà văn ấy coi như đã chết. Thế nên cứ phải viết. Viết hàng ngày. Nhiều khi phải có người thúc mới ra được tác phẩm. Mình nhận bài và yêu cầu người đặt cứ phải thúc mình. ấy thế rồi có sách đấy. Còn cứ chờ cảm xúc đến mới viết, thì muôn năm cảm xúc cũng chẳng đến cho. Nhà văn là ngồi vào bàn làm việc. Cứ làm việc, rồi sẽ tạo được cảm xúc.
Rồi như thể tiện tay, Xuân Diệu với tờ báo nước ngoài, giới thiệu cho tôi hai bài thơ rất hay của một nữ thi sĩ mà ông vừa đọc được. Cả hai bài thơ viết bằng một giọng điệu. Đó là sự chiêm nghiệm của con người trước thời gian. ở một bài, nữ thi sĩ nói rằng bà đang làm việc hết mình, có chút sinh lực gì, bà trao tặng hết độc giả để đến lúc thần chết gõ cửa, bà sẽ đi theo hắn với hai bàn tay không. Còn bài khác là lời tâm sự của bà: Bạn bè ơi, ngày mai nếu phải giã từ cõi đời này, tôi sẽ yêu các bạn thắm thiết, tôi vẫn quay quanh các bạn như một vệ tinh, tôi vẫn nhìn thấy các bạn. Nhưng các bạn thì chẳng bao giờ còn thấy tôi đâu. Xuân Diệu bùi ngùi:
– Đấy, hay không? Sâu sắc không? Nghĩ được đến thế là xuất sáo(*) lắm. Đôi lúc mình cũng có ý nghĩ như thế. Hỡi các ông trẻ, hãy đến với tôi. Tôi còn nhiều kho báu lắm. Tôi sẽ trao hết cho các ông trẻ, để đến lúc cái chết gõ cửa, kéo đi, tôi chỉ là một cái vỏ cam đã vắt hết, là thằng kiết xác chỉ có hai bàn tay không…
– Ôi, chú cứ lo xa. Chứ chú khoẻ lắm. Cháu trông chú đang vượng đấy!
Tôi cười xuề xoà. Không ngờ câu nói đùa ấy lại làm Xuân Diệu rất vui! Ông đứng dậy pha trà, rồi mở tủ lấy ra một cái kẹo đưa cho tôi. Kẹo sôcôla Pháp, Huy Cận mang từ Paris về…
– Cái tuổi của mình cũng không biết thế nào đâu. Nhưng dù thế nào mình cũng phải viết chục cuốn sách nữa, mình mới đi Văn Điển.
Lần đầu tiên tôi gặp Xuân Diệu vào quãng cách đây hơn ba mươi năm. Dạo ấy, Xuân Diệu còn trẻ, mà tôi cũng chỉ là chú bé lên chín, lên mười, vừa lẫm chẫm bước chân vào làng thơ. Nói thế cho sang, cho oai, chứ thực tình lúc ấy, tôi chẳng có ý thức gì hết.
Tôi đến với thơ hồn nhiên như em bé đến với trò chơi. Nhưng khi gặp Xuân Diệu, thì tôi hiểu được rằng, thơ ca không bao giờ là trò chơi cả. Nó là một công việc sáng tạo cực nhọc. Có thể nói may mắn cho đời tôi là tôi đã sớm gặp Xuân Diệu. Không phải tôi đến với ông mà chính ông tìm đến với tôi. Trong quan hệ, ông đối xử với tôi rất bình đẳng. Nhưng trong sáng tác, ông coi tôi như một người bạn đồng nghiệp. Còn tôi thì luôn biết mình là một người học trò nhỏ bé của ông.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.