Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Chế Độ Thực Dân Pháp Trên Đất Nam Kỳ 1859-1954 của tác giả Nguyễn Đình Tú mời bạn thưởng thức.

II. Mối quan hệ Việt – Pháp trong những năm 1802-1858

Gặp bước đường cùng, Nguyễn Ánh phải buộc lòng nhờ đến sự giúp đỡ của Bá Đa Lộc nói riêng, người Pháp nói chung, dù trong thâm tâm ông vẫn hiểu được tham vọng thực dân của người Pháp. Cho nên trước khi nhắm mắt, ông đã để lại cho Minh Mạng lời trăng trối sau đây: “Con hãy thương yêu người Pháp, phải biết ơn những gì họ đã làm cho chúng ta. Nhưng không bao giờ để cho họ đặt chân lên đất nước chúng ta”

Vì thái độ đối với người Pháp đã được khẳng định như thế nên từ sau khi dứt được nhà Tây Sơn đến khi Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế niên hiệu Gia Long cho đến gần mãn đời của ông, giữa người Pháp và triều đình Huế không có sự liên lạc gì. Mãi đến tháng 11 năm Gia Long thứ 16 Mậu Dần (1817) mới có chiếc tàu của Pháp hiệu La Cybèle đến đậu ở cửa biển Đà Nẵng, do De Kergariou làm trưởng đoàn đưa thư cho Nguyễn Văn Thắng tức Chaigneau, nhờ tâu lên nhà vua rằng nước ấy đã lấy lại được vương quyền* sai treo cờ ở thuyền đi tới khắp các cửa biển để loan báo cho các nước láng giềng biết, xin được đến kinh đô dâng sản vật địa phương và chiêm yết, chỉ với mục đích là yêu cầu thi hành Hiệp ước Versailles năm 1787, theo đó triều Nguyễn cắt nhượng cho Pháp cửa biển Đà Nẵng và Côn Lôn. Nhà vua lấy cớ không có quốc thư để khước từ, ra lệnh cho dinh thần Quảng Nam khoản đãi thật hậu rồi bảo đi. Lại sắc cho Tấn thủ Đà Nẵng rằng nếu thuyền Phú Lang Sa có treo cờ bắn súng 21 phát chào mừng, thì trên đài Điện Hải cũng bắn trả lời cùng số ấy. Nhưng về sau có thuyền buôn nước ngoài vào cửa biển, dẫu họ bắn bao nhiêu phát súng, trên đài cũng chỉ bắn đáp 3 phát làm hiệu.

Chính sách đó xuyên suốt qua triều Minh Mạng. Năm thứ hai tháng 4 năm Tân Tỵ (1821) có người Phú Lang Sa đáp thuyền tới Đà Nẵng, cùng đi với Nguyễn Văn Chấn tức Vannier dâng quốc thư và sản vật địa phương là một cái gương to. Bức thư được dịch ra thì ý là muốn thông thương. Vua giao đình thần bàn, rồi hạ lệnh cho Ty Thương bạc đưa thư trả lời ưng cho và biếu nhiều phẩm vật gồm 100 cân da voi, 30 cân da tê, 10 tấm da hổ, 100 tấm da trâu, 500 tấm da hươu, 200 tấm sa nam, 200 tấm the nam, 100 tấm lụa Cao bộ, đường phèn đường phổi mỗi thứ 1.000 cân, 10.000 cân đường cát, 2 cây ngà voi, 2 cỗ sừng tê giác giao cho người ấy mang về nước. Như vậy vua Minh Mạng đã chấp nhận cho người Pháp thông thương và tặng vua nước Pháp quà hậu. Không hiểu vì sao về sau sự giao thương không thực hiện được và mối quan hệ Việt – Pháp lại kết thúc bằng một thảm cảnh?

Đến tháng 12 năm Giáp Thân (1824) Minh Mạng năm thứ 4, nước Phú Lang Sa lại cho người mang quốc thư và phẩm vật đáp tàu đến Đà Nẵng, nhờ dinh thần Quảng Nam tâu lên xin thông hiếu. Vua bảo rằng: “Nước Phú Lang Sa cùng nước Anh Cát Lợi thù nhau. Năm trước nước Anh Cát Lợi nhiều lần dâng lễ, trẫm đều từ chối không nhận, nay chẳng lẽ lại cho Phú Lang Sa thông hiếu? Song nghĩ lúc Hoàng khảo ta bước đầu bôn ba từng sai Anh Duệ thái tử sang nước họ, cũng có ơn cũ, nếu vội cự tuyệt thì chẳng phải là ý mến người xa”. Liền sai làm thư của Ty Thương bạc trả lời cho qua và thưởng quà cho người đưa thư mà khiến về. Quốc thư và lễ vật thì trả lại không cho trình dâng.

Tháng 12 năm Minh Mạng thứ 11 Canh Dần (1830) lại có binh thuyền của nước Phú Lang Sa đến đậu ở cửa biển Đà Nẵng, nói là vâng mệnh vua nước họ, muốn được một viên quan ở Nha Thương bạc đến nói chuyện. Vua sai sung biện Nội các Thị giảng học sĩ Nguyễn Tri Phương đến để dò hỏi, thuyền trưởng Pháp nhất định không chịu nói chuyện. Vua lại sai Thị lang Trương Đăng Quế quyền chức quan thương bạc đến, viên thuyền trưởng mới chịu tiếp chuyện, nói rằng vua nước ấy muốn cùng nước ta giao hiếu, nhưng xa cách biển khơi không đạo đạt được. Nay nghe tin nước Hồng Mao (Anh Cát Lợi) mưu đồ xâm lấn đất Quảng Đông nước Trung Hoa, thế tất rồi cũng lan đến nước ta, nên vua nước ấy sai đến báo tin dặn ta đừng giúp Quảng Đông.

Trương Đăng Quế về tâu lại, vua cười nói rằng: “Nước ấy muốn mượn việc ấy làm ơn với ta để mong đạt kế muốn giao hiếu đó thôi. Nước Hồng Mao mưu lấn nước Thanh, có can thiệp gì đến ta”. Lại sai Nguyễn Tri Phương đến bảo cho họ biết. Sau khi Nguyễn Tri Phương về rồi, tàu Phú Lang Sa vẫn dùng dằng chưa chịu nhổ neo, các thuyền viên lại còn tự tiện kéo nhau lên núi Tam Thai (Non Nước) để xem xét, lại nói muốn được một người hoa tiêu cùng đi ra các hạt Bắc Thành để vẽ bản đồ. Viên Tấn thủ báo về Bộ Binh để tâu lên. Vua nói: “Vào nước người ta tất phải hỏi những điều cấm. Vượt qua hải phận còn có điều lệ nghiêm cấm, huống chi muốn vào nước người vẽ bản đồ và mang về, sao họ vô lý đến thế. Tấn thủ không biết lấy lời lẽ nghiêm nghị mà cự tuyệt, động một tý là tâu báo, sao lại không có định kiến như thế!”. Lại sai Nguyễn Tri Phương đến giải thích, tàu ấy mới đi.

Viên Thành thủ úy án thủ hai đài thành An Hải, Điện Hải là Lê Văn Tường, viên Thủ ngữ Đà Nẵng là Nguyễn Văn Ngữ, Hiệp thủ là Trương Văn Loan vì không ngăn cản được việc họ lên núi, đều bị cách chức. Lấy Phó vệ úy vệ Ban trực hậu dinh Thần cơ là Lê Sách đến quản lãnh biền binh trú phòng, quyền chức Án thủ hai đài An Hải, Điện Hải kiêm quản pháo đài Định Hải, Phó đội Vũ lâm là Trần Văn Duyên, Chủ sự Bộ Hộ là Nguyễn Tiến Trung quyền chức Thủ ngữ và chức Tấn thủ Đà Nẵng.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x