Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Chiếc Áo Khoác của tác giả N. Gogol mời bạn thưởng thức.

Vào quãng chín giờ sáng, đúng lúc đường phố đông nghịt những công chức đi đến sở làm việc, thì khí lạnh bắt đầu phả như búng mạnh vào tất cả những cái mũi, không phân biệt, mạnh đến nỗi các vị công chức tội nghiệp thật không còn biết giấu chúng vào đâu. Vào cái giờ gió buốt như cấu xé mặt mũi ấy, ngay những viên chức cao cấp cũng phải giàn giụa nước mắt, thì các thầy ký, thầy thông khốn khổ kia, thực đôi khi không biết chống rét làm sao. Lối thoát duy nhất của họ là khoác những chiếc áo khoác mỏng dính, ù chạy cho nhanh qua năm hay sáu phố, và khi đến Vụ thì dẫm chân thình thịch cho ấm người lên, kỳ cho đến lúc những giác quan cần thiết làm tròn những chức vụ hành chính của mình được hồi phục.

Được một lúc thì bác Acaki Acakievitr cảm thấy như có cái gì cắn xé hết sức đau đớn ở vai và lưng, mặc dầu bác đã cố chạy hết sức nhanh để vượt qua cái chặng đường đã quen. Sau bác mới nghĩ ra hẳn áo bị rách ở chỗ nào đó? Về nhà sau khi đã xem đi xét lại, bác khám phá thấy có hai ba chỗ, đúng ở lưng và vai, chỉ còn như thứ vải mỏng vậy: vải đã sờn đến nom thấy rõ cả bên kia và lần vải lót, cứ động đến là xơ ra.

Phải nói rằng chiếc áo khoác của bác Acaki Acakievitr cũng là đối tượng cho đám viên chức chế giễu; thậm chí họ không công nhận cái tên cao quý áo khoác của nó mà chỉ gọi nó là áo bạt. Mà thật, trông nó đến kỳ dị: cổ áo thì cứ mỗi năm một hẹp dần vì dùng để sửa chữa lại những bộ phận khác của chiếc áo. Những chỗ sửa chữa chẳng đem lại vinh dự gì lắm cho tài nghệ của bác thợ may mà thực tế trông lại vụng về xấu xí.

Nhận thấy cơ sự đã ra như vậy, bác Acaki Acakievitr quyết định mang áo lại nhà Petrovitr, một lão thợ may ở đâu đấy, tận tầng gác thứ năm mà muốn vào phải leo cái cầu thang đằng sau. Mặc dầu chột mắt và mặt rỗ, Petrovitr vẫn khá thạo việc vá víu những quần, những áo đuôi én kiểu viên chức hay những kiểu khác cố nhiên là vào lúc lão không say và đầu óc lão không ấp ủ những kế hoạch nào khác. Tất nhiên, cũng có thể không cần lan man dài dòng về lão thợ may này, nhưng vì trong những chuyện kể, được phép nói rõ cái tính cách của mỗi nhân vật, thì đành phải giới thiệu với các bạn lão Petrovitr vậy.

Đã có một thời, người ta chỉ gọi lão là Grigori: hồi đó lão còn là một nông nô của một viên quý tộc nào đó. Lão bắt đầu được gọi là Petrovitr* chỉ từ ngày được giải phóng, từ ngày gặp hội hè là lão uống rượu. Thoạt tiên, lão chỉ uống say vào những dịp hội lớn, rồi sau đó, chẳng còn phân biệt nữa, tất cả những ngày lễ của giáo hội, ngày nào có đánh dấu thập ở trên lịch lão cũng say. Về phương diện ấy, quả là lão tôn trọng những tục lệ của tổ tiên, và lúc tranh cãi với vợ về vấn đề đó, lão gọi mụ là “con mẹ Đức” và đồ “bỏ đạo”.

Vì đã nói đến mụ vợ, chúng ta cũng phải có vài lời về mụ. Nhưng tiếc là người ta biết về mụ chẳng được nhiều nhặn gì, ngoài việc Petrovitr có một mụ vợ, mụ ta đội mũ trùm chứ không bịt khăn choàng; nhưng hình như mụ ta chẳng có thể khoe xinh, khoe giòn được với ai; dù sao cũng chỉ có những chú lính gác lúc gặp mụ ngoài phố là đưa mắt liếc nhìn phía dưới mũ trùm của mụ, ria mép rung rinh, và miệng thốt ra một cái giọng thật đặc biệt.

Bác Acaki Acakievitr vừa leo cầu thang dẫn tới buồng Petrovitr – một chiếc cầu thang phải nói rõ là ngập ngụa những vũng nước, những thứ rác rưởi; không khí thì nồng nặc cái thứ mùi hắc khó chịu khiến mắt phải cay xè, và như ai nấy đều biết, tràn ngập trong tất cả những cầu thang sau các ngôi nhà ở Peterburg – vừa nghĩ đến số tiền công lão Petrovitr sẽ đòi; bác định bụng nhất định sẽ chỉ trả hai rúp.

Cửa vẫn mở vì mụ vợ Petrovitr chả biết là đang rán cá hay làm gì, để khói bốc um lên, dày đặc không còn nom thấy rõ cả lũ gián nữa. Bác Acaki Acakievitr tạt qua nhà bếp, chẳng ai nom thấy, và cuối cùng, bước vào căn buồng của lão Petrovitr, thấy lão ta đang ngồi trên một cái bàn gỗ rộng không sơn, chân xếp bằng, theo kiểu những Pasa* Thổ Nhĩ Kỳ. Theo tập quán của thợ may khi làm việc lão không đi tất, do đó người ta để ý trước tiên đến ngón chân cái của lão, vốn rất quen thuộc đối với bác Acaki Acakievitr, có một cái móng méo mó, cứng và dày như cái mai rùa vậy. Lão Petrovitr đeo ở cổ một cuộn tơ và có một chiếc áo cũ trải trên đầu gối. Lão cố xỏ kim đã ba phút rồi nhưng mãi không xong, vì thế lão rất bực mình với bóng tối, với cả cuộn chỉ nữa, lão khẽ lầu bầu: “Đồ khốn nạn, không chịu vào cho! Mày làm ông toát mồ hôi ra rồi đấy!”.

Bác Acaki Acakievitr lấy làm bực mình vì đã đến đúng vào lúc lão Petrovitr đang cáu kỉnh. Bác muốn nói chuyện với Petrovitr vào lúc lão ta hơi ngà ngà say, lúc mà như mụ vợ lão vẫn nói: “Đồ quỷ sứ chột mắt, ních rượu mạnh say mèm ra”. Những lúc như vậy thì thường thường ai bảo gì lão cũng sẵn sàng gật ngay, ưng tuốt mà lại còn cúi rạp xuống cảm ơn khách. Sau đó, quả có đôi khi, mụ vợ lão đến mếu máo kêu ca với khách rằng vì say nên chồng mụ mới lấy giá hạ quá thế. Nhưng chỉ cần giúi cho mụ mười copec là câu chuyện êm thấm.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x