Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Chiếc Áo của tác giả Thích Nhất Hạnh mời bạn thưởng thức.

“Như ý chỉ của Tổ Đạo Nhất, thuần nhất và không tạp loạn như thế, mà cả ba trăm năm mươi người tới học cũng không nắm bắt được”. Câu này tiết lộ rằng; trong tu viện của thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất có 350 người xuất gia được nghe khai thị, và trong 350 người đó không có ai nắm được ý chỉ của Tổ. Bây giờ nếu trong pháp hội của thầy Nhất Hạnh mà không có vị đệ tử nào nắm được ý thầy thì đó cũng là chuyện thường thôi! Mã Tổ Đạo Nhất là một thiền sư lớn, thiền sư cự phách vào bậc nhất, nổi tiếng vô cùng. Đạo phong rất lẫm liệt, năng lượng rất vĩ đại, đó là sư cố của thiền sư Lâm Tế, thầy của tổ Bách Trượng Hoài Hải, Sư Ông của tổ Lâm Tế và là thầy của tổ Hoàng Bích Hy Vận, bổn sư của tổ. Ngày xưa ở chùa Bát Nhã, thiền sư Đạo Nhất rất siêng ngồi thiền. Ngồi thiền sáng, trưa, chiều, mười mấy giờ một ngày, có khi không ngủ. Hồi đó, thiền sư Nam Nhạc nghe tiếng đồn có một thầy chuyên ngồi thiền ở chùa Bát Nhã mới tìm tới để gặp. Khi gặp Mã Tổ và thấy người ngồi thiền siêng năng như vậy, thì thiền sư Nam Nhạc mới lượm một viên ngói ở ngoài vỉa hè và bắt đầu ngồi xuống để mài. Mài một hồi lâu không biết để làm gì. Lúc ấy thiền sư Mã Tổ mới hỏi: “Hòa thượng làm gì vậy?” Thiền sư Nam Nhạc: “Tôi đang mài viên ngói.” Mã Tổ hỏi: “Mài ngói để làm gì mà tốn công như vậy?”

Nam Nhạc: “Tôi mài ngói để làm tấm gương soi mặt.” Mã Tổ: “Hòa thượng, sao ngài kỳ cục vậy! Làm sao mà có thể mài ngói thành ra tấm gương soi mặt cho được?” Nam Nhạc mới nhìn Mã Tổ nói rằng: “Vậy thì ngồi thiền làm sao mà thành Phật được?” Mã Tổ giật mình. Tổ Nam Nhạc nói: “Khi mà chiếc xe bò ngừng lại không đi, thì mình nên đánh chiếc xe hay là đánh con bò? Đánh con bò chứ đâu có thể đánh cái xe.” Thiền không phải là vấn đề ngồi hay không ngồi. Nói rằng ngồi mới là thiền còn không ngồi không phải là thiền là sai trái. Ý của hòa thượng là thiền không nằm trong tư thế. Khi thiền thì ăn cơm, uống trà, gánh nước, bổ củi, đi, đứng, nằm, ngồi, tất cả đều là thiền. Cứ nghĩ rằng chỉ có ngồi mới là thiền thì sai. Vì vậy hòa thượng nói thêm: “Thiền không phải là ngồi hay là không ngồi. Không ngồi cũng không phải là thiền, mà ngồi cũng không phải là thiền.” Ban đầu thì trong số 350 người Tổ không có đệ tử giỏi, nhưng sau này nhờ kiên nhẫn nên từ từ Tổ đã có những người đệ tử giỏi, trong đó có Tổ Bách Trượng.

Thiền sư Bách Trượng là người đã sáng chế ra một thanh quy nổi tiếng gọi là Thanh Quy Bách Trượng. Ngài là đệ tử của thiền sư Mã Tổ. Thiền sư Bách Trượng là Sư Ông của Tổ Lâm Tế. Thiền sư Bách Trượng nổi tiếng một phần cũng nhờ ở lời tuyên bố “Bất tác bất thực”, tức là không làm thì không ăn. Thấy Tổ đã lớn tuổi mà khi nào cũng vác cuốc ra làm việc chung với chúng, chúng thương nên một hôm đi chấp tác, chúng dấu cuốc của Tổ đi. Bữa đó Tổ Bách Trượng không ra ăn cơm trưa. Chúng mới hỏi hòa thượng tại sao không ăn cơm trưa. Hòa thượng nói: “Ai đã dấu cái cuốc của tôi ở đâu mất rồi, hôm nay vì tôi không làm việc nên tôi không ăn. Có làm mới có ăn.” Vì vậy thiền viện ngày xưa, đạo tràng nào cũng có vườn rau. Chùa Tổ Từ Hiếu có trồng sắn, trồng khoai, trồng rau, nuôi bò để lấy phân trồng rau. Các thầy, các sư cô làm việc ở ngoài vườn, trồng cây, trồng sắn, trồng rau rất đẹp. Có những thiền viện căn cứ trên sự canh tác mà sống, được gọi là những Nông Thiền (Farming Zen Institute). Trong khi làm việc ta vẫn thiền quán được như thường. Không có nghĩa là khi tưới rau, tưới cây, gánh nước, hay gieo hạt ta không tu thiền. Tất cả các chùa thuộc Mai Thôn đạo tràng đều có vườn rau: chùa Cam Lộ, chùa Pháp Vân, chùa Sơn Hạ, chùa Từ Nghiêm cũng vậy.

Tổ Đạo Nhất là người sáng tạo ra tiếng hét đầu tiên. Có một bữa Tổ hét quá lớn đến nỗi Tổ Nam Nhạc Hoài Nhượng điếc tai đến ba ngày. Trong ba ngày đó Tổ không nghe được gì. Nhưng chính Tổ Lâm Tế mới là người chuyên sử dụng tiếng hét. Tiếng hét trở thành một pháp môn. Tiếng hét của sư cố truyền lại tới đời của sư chít mới thành ra pháp khí. “Như ý chỉ của Tổ Đạo Nhất”. “Ý chỉ” là đường lối, là tông chỉ. “Như ý chỉ của Tổ Đạo Nhất, thuần nhất và không tạp loạn như thế, mà cả 350 người tới học cũng không nắm bắt được. Tổ Lô Sơn thảnh thơi và chính chân như thế, nắm vững được cả hai chiều thuận nghịch như thế, mà đệ tử cũng còn hoang mang không thăm dò được bờ mé của trí tuệ ngài”. Lô Sơn là một cảnh núi rất đẹp, nhiều người ao ước tới thăm, ngày xưa có thiền sư Huệ Viễn cư trú trên đó. Tổ Lô Sơn tên là Quy Tông Trí Thường. Trí Thường cũng là đệ tử của Mã Tổ thiền sư, ngang hàng với Tổ Bách Trượng. Tổ Lô Sơn có một người đệ tử tên là Đại Ngu. Đại Ngu không có nghĩa là rất ngu đâu nhé. Chính nhờ Tổ Đại Ngu này mà Tổ Lâm Tế bừng tỉnh và giác ngộ. Hồi Tổ Lâm Tế tới học với tổ Hoàng Bích, thì vị thủ tọa nhắc Tổ: “Chú ở đây lâu rồi tại sao không lên thỉnh thầy để hỏi đạo?” Thầy Lâm Tế mới lên Tổ Hoàng Bích hỏi về đại ý Phật pháp.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x