Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

VŨ LINH VƯƠNG MUỐN BẬN HỒ PHỤC
(Vũ Linh Vương bình trú nhàn cư)

Vũ Linh Vương gặp lúc ban ngày ngồi không. Phì Nghĩa ngồi hầu, tâu:

– Đại vương có nghĩ đến việc đời biến hoá, đến việc sử dụng vũ khí binh lính, hay nhớ đến sự nghiệp của Giản Tử, Tương Tử[724] để lại, tính đến cái lợi về phía Hồ, Địch[725] không?

Vũ Linh Vương đáp:

– Một ông vua nối nghiệp không quên công đức của tiên vương, đó là cái đạo của người làm vua; trao đổi ý tưởng và chứng minh để làm sáng tỏ cái sở trường của vua mình, đó là phép bàn luận của người làm tôi. Vì vậy mà bậc minh quân khi ngồi không thì có bổn phận dạy dân để dắt dẫn dân cho công việc trị nước được tiện lợi, khi hành động thì có bổn phận làm sáng tỏ một phần trong trăm phần sự nghiệp của các tiên vương đời trước. Làm bề tôi, lúc khốn cùng thì giữ cái lễ từ nhượng với người trên, lúc hiển đạt thì lập cái công cứu dân giúp chúa. Vua tôi khác nhau ở hai chỗ đó.

Nay ta muốn kế tục sự nghiệp của Tương Vương, mở mang đất đai của rợ Hồ, rợ Địch mà trọn đời không thành công. Địch quốc yếu thì ta dùng ít binh lực mà công được nhiều, có thể không bắt dân chúng hết sức lao khổ mà hưởng được công lao của cổ nhân. Hễ có cái công lao xuất thế thì tất chịu cái tai tiếng là không theo thế tục; hễ có những tư tưởng độc đáo, sáng suốt thì tất làm cho người đời lo ngại. Nay ta muốn bận y phục của người Hồ, dùng cách cỡi ngựa bắn tên của họ để dạy dân, nhưng như vậy tất bị người đời dị nghị.

Phì Nghĩa đáp:

– Tôi nghe nói: “Sự tình mà còn nghi hoặc thì không thành công, hành động mà còn nghi hoặc thì không thành danh”. Đại vương nếu muốn có những tư tưởng khác đời thì xin đừng chú ý tới lời dị nghị của thiên hạ. “Người nào bàn đến cái đức cực cao siêu thì không hợp với thế tục; người nào lập được công lớn thì không mưu tính với thường nhân”. Xưa vua Thuấn múa mà Hữu Miêu đầu hàng[726]; vua Vũ loã lồ vào một nước có tục khoả thân[727], hai vị đó đâu phải là túng dục cầu vui, mà là muốn luận đức và lập công vậy. “Kẻ ngu, việc thành rồi mà vẫn còn tối tăm chưa thấy; người khôn thì đã thấy trước từ khi việc chưa manh nha”. Xin đại vương cứ thi hành ý của mình.

Vũ Linh Vương nói:

– Quả nhân không chê y phục người Hồ, chỉ sợ thiên hạ cười chê thôi. Thấy kẻ cuồng vui nhộn, bậc trí giả thương cho họ; thấy kẻ ngu cười giỡn bậc hiền giả buồn cho họ. Nếu có người theo ta thì sự bận Hồ phục có kết quả tốt, chưa biết tới đâu. Dù người đời đều chê cười ta thì ta cũng không thể vì vậy mà bỏ đất Trung Sơn của rợ Hồ.

Vũ Linh Vương bèn bận Hồ phục, sai Vương Tôn Tiết bảo công tử Thành:

– Quả nhân bận Hồ phục sắp lâm triều đây, muốn chú cũng bận Hồ phục như ta. Ở trong nhà nghe lời cha mẹ, ở triều đình nghe lời vua, đó là cái đạo từ xưa đến nay; con không trái ý cha mẹ, bề tôi không trái ý vua, đó là cái phép chung của các tiên vương. Nay quả nhân đã ra lệnh đổi y phục, nếu chú không tin thì sợ thiên hạ dị nghị. Trị nước có phép thường, là lấy lợi dân làm gốc, trị dân có phép nhất định, là trước hết lệnh ban ra phải thi hành.

Cho nên muốn làm sáng cái đức thì phải giảng sao cho bọn ti tiểu đều hiểu rõ, muốn thi hành chính sách thì phải làm sao cho bọn quyền quí đều tin theo. Ta có cái ý bận Hồ phục không phải là để túng dục cầu vui; lý do là ta muốn làm nên sự nghiệp; việc nên công thành rồi thì sau mới thấy được cái đức của ta. Ta sợ chú không tuân lệnh, cho nên phải nói rõ để chú biết mà phán đoán. Ta nghe nói rằng việc nào có lợi cho nước thì không phải là việc bậy, mà nhân danh quí thích mà làm thì không bị mang tiếng, cho nên ta muốn mượn cái tiếng tăm đạo nghĩa của chú để lập cái công nghiệp do Hồ phục gây nên, và sai Tiết lại yết kiến chú, xin chú bận Hồ phục.

Công tử Thành lại hai lạy, đáp:

– Tôi đã được nghe nói nhà vua bận Hồ phục, nhưng vì đau, không đi được, nên không tới sớm được, nay nhà vua ra lệnh, tôi xin đem hết lòng trung thành ngu muội ra bày tỏ. Tôi nghe nói Trung Quốc là nước của những người thông minh tài trí, chỗ tụ họp của tài sản vật dụng, là đất được các vị hiền, thánh giáo hoá, chỗ thi hành điều nhân nghĩa, chỗ mà Thi, Thư, Lễ, Nhạc được dùng, các kỹ nghệ mới mẻ được thí nghiệm, là nơi mà các người phương xa quan chiêm, các rợ man di noi gương mà hành động. Nay nhà vua bỏ cả mà bận theo y phục của người phương xa, biến đổi giáo hoá cùng đạo lý cổ thời, làm trái lòng người, ngược với hạng trí thức, ly khai với văn hóa Trung Quốc. Tôi xin đại vương xét kỹ cho.

Sứ giả về tâu lại với Vũ Linh Vương. Vua đáp:

– Ta biết trước rằng chú không tán thành.

Rồi tới nhà Công Thúc Thành, đích thân giảng giải:

– Y phục cốt sao tiện cho việc sử dụng; lễ pháp cốt sao tiện cho việc thi hành. Vì vậy mà thánh nhân xem xét dân tình trong miền để hợp với phong tục, tuỳ sự tình mà đặt lễ pháp, cốt lợi cho dân mà ích cho nước. Cắt tóc, xâm mình, vẽ lên cánh tay, vạt áo lớn ở bên tả, đó là phong tục dân Âu Việt[728]; nhuộm răng, sơn đầu, dùng da cá niêm lớn làm nón, may vá cực xấu xí, đó là phong tục dân Đại Ngô, lễ phục tuy khác nhau mà đều là tiện lợi cả. Vì vậy mà khác miền thì cách dùng cũng đổi, khác sự tình thì lễ pháp cũng biến. Cho nên thánh nhân chỉ cầu lợi dân, cách dùng bất tất phải nhất luật; chỉ cần tiện việc, bất tất lễ pháp phải giống nhau. Những người học nho cùng học một thầy mà lễ chế khác nhau.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x