Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Chiến Tranh Đông Dương 3 của tác giả Hoàng Dung mời bạn đọc thưởng thức.

Lịch sử tranh chấp Việt Miên trước 1975

Trong lịch sử thế giới, hầu như hai quốc gia lân bang nào cũng có nhiều lần xảy ra tranh chấp. Biên giới mỗi quốc gia cũng nhiều lần thay đổi, lãnh thổ mỗi quốc gia có lúc được mở rộng, có lúc bị thu hẹp.

Có những quốc gia bị biến mất, có những quốc gia mới được tạo dựng nên. Mỗi quốc gia đều có những thời kỳ hưng thịnh hay suy tàn và nguyên tắc mạnh được yếu thua không những áp dụng cho con người mà còn được áp dụng cho mỗi quốc gia, dân tộc.

Những nguyên nhân chính để xảy ra xích mích thường là vấn đề kinh tế hay an ninh quốc phòng. Quốc gia nào cũng mong muốn có một quốc gia láng giềng thân hữu với mình hay tốt hơn, chịu ảnh hưởng của mình. Nhưng hoàn cảnh khách quan như thế cũng chưa đủ cho một mối bang giao tốt đẹp giữa hai dân tộc.

Nó còn cần có những điều kiện chủ quan nội bộ. Một khi mà đường lối kinh tế hay cai trị trong nước thất bại, gây chia rẽ và bất mãn, những nhà cầm quyền thường đổ thừa cho những yếu tố bên ngoài để bào chữa, và yếu tố bên ngoài dễ dàng nhất là do quốc gia bên cạnh.

Lịch sử bang giao giữa hai dân tộc Việt Miên trải qua hơn một ngàn năm là lịch sử những tranh chấp, và những nguyên nhân sâu xa thường là nhu cầu bành trướng lãnh thổ của Việt nam và sự chia rẽ nội bộ của Campuchia. Từ hơn một ngàn năm trước, vào thế kỷ thứ ba, khi Việt nam lúc đó có tên Giao Châu, đang bị Trung hoa đô hộ thì vương quốc Phù Nam đang ở trong một giai đoạn cực thịnh. Họ đã liên kết với quân Lâm ấp đánh phá đất Giao Châu (thời Khúc Thừa Dụ), nhưng bị quân Trung hoa đánh bại.

Sau đó vì những mâu thuẫn nội bộ, và vì ở giữa hai nước còn có nước Lâm ấp (sau là Chiêm Thành) nên hai nước đã không có chiến tranh. Khoảng năm trăm năm sau, lúc dân Chân Lạp đã chinh phục được Phù Nam, mở mang bờ cõi đến vùng Nam Lào, thì họ lại cùng quân Nam Chiếu đánh phá biên giới Giao Châu.

Một lần nữa, họ bị quân nhà Đường – lúc đó Bùi Nguyên Dụ làm Kinh Lược Sứ – đẩy lui. Nước Chân Lạp, Campuchia sau này, sau giai đoạn cực thịnh, bắt đầu bước vào giai đoạn suy tàn cùng lúc với sự phát triển của hai quốc gia lân bang phía đông và phía tây là Việt nam và Thái lan.

Việt nam, lúc đó đã thu hồi được độc lập trong hoàn cảnh đặc biệt là luôn bị đe doạ bởi láng giềng khổng lồ phương bắc, mặt đông giáp biển, phía tây là dấy Trường Sơn hiểm trở, nên chỉ có thể bành trướng được về phía nam. Công cuộc xâm chiếm những nước nhỏ, bành trướng lãnh thổ được gọi một cách giản dị là Nam tiến. Cuộc Nam tiến của Việt nam bất đầu ngay sau khi Việt nam thu hồi được độc lập.

Năm 1069, vua Lý Thánh Tôn bắt được vua Chiêm Thành là Chế Củ, đòi lấy ba châu để chuộc mạng, và ba châu đó đã trở nên Quảng Bình, Quảng Trị ngày nay. Hơn hai trăm năm sau, địa giới Việt nam lại mở rộng khi vua Trần Anh Tôn gả Huyền Trân Công Chúa cho vua Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô, Lý. Hai châu này, vua Trần đổi lại tên là Thuận Châu và Hoá Châu.

Từ vùng đất Thuận Hoá này, khoảng ba trăm năm sau, cuộc Nam tiến bắt đầu trở nên mãnh liệt sau khi Nguyễn Hoàng vào đó để dựng nghiệp, tranh chấp với họ Trịnh ở phương Bắc. Vì nhu cầu quân sự, kinh tế và chính trị, các chúa Nguyễn đã phải bành trướng đất đai một cách cấp bách. Cả một giải đất từ Quảng Bình hiện nay đến mũi Cà Mau đều đã được bành trướng trong thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh.

Khởi đầu các chúa Nguyễn đánh chiếm những đất đai còn lại của Chiêm Thành, lần lượt là Phú Yên, Phan Rang, Khánh Hoà, Phan Rí và nước Chiêm Thành coi như mất hẳn vào năm 1697. Một quốc gia có những thời kỳ lịch sử rực rỡ, một nền văn minh biệt lập, một anh hùng như Chế Bồng Nga từng làm rung động triều đình nhà Trần, đã bị tiêu diệt.

Những gì còn lại chỉ là những tháp Chàm ven biển miền Trung và những nhóm dân Chàm nhỏ sống rải rác ở Nam Việt nam và Campuchia. Tới năm 1697, Việt nam trở nên một lân quốc trực tiếp của Campuchia, lúc đó còn có tên Chân Lạp, và lịch sử những tranh chấp triền miên giữa hai quốc gia này bất đầu.

Thật ra, trong quan hệ yêu ghét giữa hai dân tộc, đại đa số người Việt ít ai để ý đến nguyên nhân và tầm mức sự thù hận của người Miên đối với người Việt. Điều đó dễ hiểu vì trong lịch sử hai dân tộc, chỉ có Campuchia là bị mất đất và bị đô hộ. Mỗi khi nhắc đến người Việt, người Miên luôn liên tưởng đến mối hận mất đất và sự cai trị tàn ác của quan lại Việt nam hồi xưa.

Trong khi đó, nhắc đến người Miên, người Việt thường có thái độ tự cao. Chính thái độ tự cao và khinh miệt này đã khiến người Việt có được một cái cớ, coi việc chinh phục và đô hộ là một nghĩa vụ khai hoá, và từ đó dễ dàng áp dụng những biện pháp dã man khi đô hộ.

Nước Campuchia, trong giai đoạn suy tàn của vương quốc Angkor, cứ luôn hết bị quân Xiêm rồi quân Việt xâm lăng. Trong cách đối xử với dân bản xứ, thâm tâm người Xiêm chắc cũng không khá gì hơn người Việt, nhưng người Miên lại thù hận người Việt nhiều hơn. Thứ nhất là vì người Việt đã chiếm đất đai của họ nhiều hơn, cả một vùng đồng bằng Cửu Long rộng lớn phì nhiêu.

Thứ hai là lịch sử trong hơn một thế kỷ qua, đã gắn liền vận mệnh của Campuchia theo những thăng trầm của lịch sử Việt nam, và quan hệ càng nhiều, thì những mâu thuẫn càng nảy sinh. Nguyên nhân thứ ba, quan trọng nhất, là vì biên giới Việt Miên đã không giản dị là biên giới giữa hai dân tộc, mà còn là biên giới của hai nền văn minh khác biệt Ấn độ và Trung hoa.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x