
Chó Dẫn Đường Phiêu Lưu Ký Tập 2 – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Ở loài chó, cũng giống như ở loài người, kinh nghiệm sống tăng dần sau mỗi mối quan hệ quen biết.
Ôi, nhưng cầu Chúa cho các bạn đừng gặp phải những cú làm quen kinh khủng mà tôi từng phải chịu đựng – mỗi khi nhớ lại, tôi còn giật mình thon thót!
Ban đầu, mọi chuyện khá suôn sẻ. Sau khi Sashka phục hồi thị lực, tôi ăn không ngồi rồi chẳng được lâu. Chỉ được hơn một tháng là tôi lại được giao về cho một nhà văn nữ bị mù. Tất nhiên là ở đây, tôi sống khá sướng. Dù sao tôi cũng còn khá ngây thơ, cứ đinh ninh mình sẽ sống nơi đây cho đến trọn đời. Nhưng sự đời không đơn giản, tôi và người được tôi bảo bọc (tức là nhà văn nữ nọ) đột ngột phải chia tay nhau – hoàn cảnh bắt buộc phải thế, đành chịu thôi. Và tiếp theo… Nhưng thôi, cứ để từ từ rồi tôi sẽ kể.
Dù rằng bà Anna Ygorevna Krivosheeva trở thành người được tôi bảo bọc chẳng được bao lâu, nhưng chúng tôi chia tay như những người bạn lớn. Sở dĩ chúng tôi phải xa nhau chẳng qua vì giờ đây bà Anna đã ra nước ngoài sinh sống. Tôi xin mách nhỏ: nếu gặp người phụ nữ khả kính ấy, các bạn chớ có mà gọi bà ấy là nhà văn, gọi thế, bà ấy sẽ giận lắm đấy. Bà ấy cho rằng cái từ “nhà văn” không tồn tại trong ngôn ngữ loài người, nói cách khác, trên đời này làm gì có nhà văn!
Về chủ đề này, loài chó chúng tôi chẳng dám lạm bàn. Ừ thì không có. Có gì đâu, chuyện nhỏ! Vâng, cũng cần nói thêm, trong nhà, chẳng ai gọi bà là Anna Ygorevna theo cách xưng hô kính trọng cả. Tên gọi chính thức (gồm tên, phụ danh và họ) của bà lặn biệt tăm đâu đó trong các loại giấy tờ, tài liệu, thư từ, v.v. Còn trong cuộc sống bình thường, mọi người chỉ gọi người phụ nữ khả ái này bằng những cái tên thân mật đại loại như Annushka, Anhiuta, hay đôi khi chỉ đơn giản là Anna.
Bà Anna đẹp tuyệt! Tôi nhận thấy một điểm nhỏ khiến bà ấy có phần giống tôi – tóc bà ấy màu vàng kim, hệt màu lông của tôi. Vẻ đẹp của bà còn nằm ở đôi môi luôn hồng thắm, vầng trán cao, sống mũi thẳng và những ngón tay thon. Thân hình bà thanh mảnh, nhẹ nhàng, tựa như sương khói. Không hiểu sao rất nhiều người lầm tưởng rằng bà là diễn viên múa ba-lê. Tôi chưa bao giờ được vào nhà hát, chưa từng nhìn thấy diễn viên ba-lê bằng xương bằng thịt, nhưng trên tivi thì đã chứng kiến họ trình diễn.
Không, bà Anna chẳng giống diễn viên ba-lê tẹo nào. Dĩ nhiên là diễn viên ba-lê cũng mảnh mai, xinh đẹp, hấp dẫn… nhưng họ hoạt động dữ dội quá: nào nhảy, nào nhún, nào quay tít mù, còn bà Anna Ygorevna của chúng ta thì luôn an nhiên tự tại, điềm tĩnh, ít nói. Dịu dàng, uyển chuyển. Tôi nghĩ rằng giá mà có một họa sĩ tài năng nào đó vẽ chân dung bà thì chẳng bao lâu sau, viện bảo tàng Louvre – bảo tàng nghệ thuật và lịch sử của Pháp sẽ dám đổi bức La Joconde, tức tác phẩm Mona Lisa nổi tiếng của danh họa Leonardo da Vinci, để lấy bức chân dung bà. Tôi dám chắc!
Bạn đã bao giờ nhìn thấy tác phẩm La Joconde chưa? Trong phòng làm việc của bà Anna Ygorevna có treo phiên bản của bức tranh ấy. Tôi chẳng biết sao mà người ta ca tụng bức họa ấy đến thế, rồi tìm ra trong đó biết bao nhiêu là điều kỳ bí, mỗi phát hiện đều gây chấn động. Cái bà Mona Lisa ấy trông ranh mãnh thấy mồ! Cái nhìn của bà ấy thấy mà ớn. Tôi có cảm giác như bà ta sắp mở miệng ra lệnh: “Lại đây!”, “Ngồi xuống!”, “Nằm khoanh tròn lại!”, vân vân, giống như các huấn luyện viên dạy chó.
Nhưng điều lạ kỳ nhất là dù tôi có đứng ở bất cứ chỗ nào trong phòng, ánh mắt của bà ấy cũng cứ nhìn thẳng chòng chọc vào mắt tôi. Khiếp cho cái bức chân dung ấy! Vậy mà người được tôi bảo bọc, tức là bà Anna, cứ luôn tự dằn vặt là mình sẽ không bao giờ được nhìn thấy bản gốc bức chân dung ấy, nghĩa là ước mơ của bà không bao giờ trở thành hiện thực. Tiếc làm gì cơ chứ. Nhưng mà thôi, mặc kệ bà ấy, nghĩa là mặc cái bà Mona Lisa ấy. Không nói về bà ấy nữa.
Mỗi khi đi dạo cùng bà Anna trong công viên, tôi sướng điên vì niềm tự hào về người mà mình bảo bọc. Tôi chưa từng bắt gặp một người đàn ông nào khi đi ngang qua chúng tôi mà không ngoái đầu nhìn và rồi nhìn theo cho đến khi khuất tầm mắt. Nói cách khác, bà Anna quả là một người phụ nữ tuyệt vời. Thời gian đầu, chúng tôi chỉ đi dạo gần nhà. Nhưng rồi mỗi ngày cứ đi xa thêm một chút và mỗi lúc một xa hơn. Bà Anna trở nên bạo dạn hơn, đến mức quyết định cùng tôi ngồi tàu điện đi sang quận khác chơi. Dĩ nhiên, mỗi khi lên xuống tàu đều có những người sáng mắt giúp đỡ bà. Đối với người khiếm thị, niềm an ủi lớn lao nhất là được đi đây đi đó cho biết đó biết đây.
Giá mà các bạn biết được lúc đó cuộc sống của tôi như thế nào. Ôi!!! Nếu biết, hẳn các bạn sẽ phải lấy làm ganh tị. Đó là… ôi, thậm chí tôi cảm thấy khó mà diễn tả cho hết. Thôi thì ta làm cách khác nhé. Các bạn có nhớ ông cụ Ivan Savelievich không? Có nhớ Sashka không? Rồi thì các bạn bè, người thân của họ?
Ấy đấy, nếu được phát biểu về cuộc sống của tôi trong nhà của nhà văn Anna Ygorevna Krivosheeva, hẳn cụ Ivan Savelievich sẽ nói: “Trison sống cứ như vua hay chí ít cũng là tể tướng”. Sashka thì hẳn phải thốt lên kinh ngạc: “Đuối luôn!”. Còn bà ngoại của Sashka, bà Elizaveta Maximovna, chắc phải luôn tay làm dấu thánh giá rồi thì thầm lẩm bẩm “Lạy Chúa tôi, thật là cuộc sống chốn thiên đàng!”. Mẹ của Sashka thì… thậm chí tôi không biết thế nào nữa. Chắc hẳn bà ấy chỉ phán một câu đơn giản: “Chẳng khác gì đại gia!”.
Nói cách khác, ở với bà Anna, tôi sống không đến nỗi tồi. Một gia đình cực kỳ thuận hòa, hạnh phúc. \
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.