Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

VĂN QUỐC-NGỮ

Muốn tìm hiểu một cách nghiêm chỉnh nền văn học chữ quốc ngữ lúc ban đầu, phải đặt nó vào trong hoàn cảnh lịch sử dân tộc cuối thế kỷ XIX, và rõ hơn nữa, trong chính sách lợi dụng chữ quốc ngữ của thực dân.

Nói về văn học chữ quốc ngữ thời kỳ đầu, những luận điểm sau đây thường được nêu lên trong nhiều sách văn học sử :

1. Những Pétrus Ký, Paulus Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh v.v… là những nhà văn tiền phong của nền văn học chữ quốc ngữ.

2. Nhờ những nhà văn tiền phong đó mà chữ quốc ngữ đã đắc thắng chữ nho, chữ nôm, đồng thời đưa chữ quốc ngữ chỉ được sử dụng trong lãnh vực tôn giáo sang lãnh vực xã hội, văn học.

3. Những nhà văn tiền phong trên cũng là những người đã chủ trương những tờ báo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên (như Gia Định báo) và đề xướng việc dịch cổ văn ra quốc văn.

4. Do đó, hiển nhiên những nhà văn tiền phong này là những người có công rất lớn với nền văn học chữ quốc ngữ lúc ban đầu : họ là những nhà cách mạng, Ông Tổ văn học cận đại.

5. Nhận định về sự nghèo nàn ngưng đọng của văn học quốc ngữ ở Nam kỳ sau Pétrus Ký, nguyên nhân được nêu lên vì mấy nhà văn tiền phong trên là những nhà cách mạng quá tiến bộ, đi trước thời đại quá sớm, nên không ai theo kịp và đất Nam Kỳ là đất mới, chưa thuận tiện cho việc phát huy văn học.

Trong « nhà văn hiện đại » Vũ Ngọc Phan đã dành tập I cho những « nhà văn đi tiền phong » hồi mới có chữ quốc ngữ như Pétrus Trương-Vĩnh-Ký, nhóm Đông dương tạp chí, Nam phong tạp chí.

Ông Vũ Ngọc Phan nhận định : « chữ quốc ngữ do người theo đạo Thiên Chúa dùng đầu tiên, song ngoài phạm vi đạo giáo, người Nam Kỳ là những người Việt Nam đã dùng chữ quốc ngữ trước nhất. Nhưng chữ quốc ngữ có được mẫu mực và được lan rộng ở Nam Kỳ sớm hơn cả là nhờ mấy nhà học giả đã thâu thái được học thuật Âu Tây trong hồi người Pháp mới đến nước Nam. Trong số những nhà học giả Việt Nam theo Tây học ấy, người ta phải kể đến hai người có tiếng nhất là Trương-Vĩnh-Ký và Huỳnh-Tịnh-Trai tức Paulus Của ».
Trong « Bản lược đồ văn học Việt Nam » (quyển-hạ) Thanh Lãng đã nhận định về Trương-Vĩnh-Ký :

« Sự nghiệp của Trương-Vĩnh-Ký còn để lại cho ta thấy ông xứng đáng là một bậc chỉ đạo của thời này, là linh hồn của thế hệ 1862, ông thầy khai đường mở lối cho thế hệ đến sau tức thế hệ 1913…

…Riêng đối với văn học mới, công của ông thật vô cùng lớn lao, sự nghiệp của ông đã xây dựng một cơ sở vững chãi cho chữ quốc ngữ còn đang ở thời kỳ phôi thai. Từ đấy trở về trước, chữ quốc ngữ chỉ hoạt động vỏn vẹn trong phạm vi các Giáo đoàn Thiên Chúa giáo. Với ông, thứ chữ ấy vượt ngưỡng cửa của nhà thờ mà đột nhập vào xã hội Việt nam. Rụt rè hơn, Nguyễn Trường Tộ là người đã dám đề nghị dùng « Quốc âm Hán tự ». Trương Vĩnh Ký là chiến sỹ hăng hái của chữ viết mới. Có thế lực trong Nha học chánh, ông đã yêu cầu cưỡng bách việc học chữ quốc ngữ trong các trường tiểu học.

Tất cả sự nghiệp của ông, bởi vậy không ngoài hai mục đích : truyền bá chữ quốc ngữ, và luôn thể, phổ thông sự học trong dân gian. Chính do ảnh hưởng của ông và Huỳnh Tịnh Của mà chữ quốc ngữ phát đạt rất sớm ở Việt Nam và dùng nơi đây làm bàn đạp để chuẩn bị ngày Bắc tiến. Ông là một trong những tay kiện tướng làm sụp đổ tại Nam-Việt, chế độ khoa cử thoái trào, và qua đó nền thống trị của cựu học… với linh mục Bỉnh (của thế kỷ XVIII) mới chỉ chớm nở, với Trương Vĩnh Ký, mới thật khai mở một kỷ nguyên mới : Kỷ nguyên văn xuôi.

Với Trương Vĩnh Ký, văn xuôi Việt Nam bắt đầu hứa hẹn một ngày mai tươi sáng : một cuộc cách mạnh toàn diện đã do ông lãnh đạo. Nói tóm lại Trương Vĩnh Ký về mọi phương diện đều xứng đáng là ông tổ văn học mới ».

Về Huỳnh Tịnh Của, Thanh Lãng cho là « một trong những người khởi xướng phong trào báo chí ở Việt Nam và sáng lập ra tờ báo đầu tiên là tờ Gia Định báo (1865) ».

Phạm Thế Ngũ kết luận về sự manh nha văn quốc ngữ ở Nam kỳ, cũng đã đề cao công lao của mấy nhà văn tiền phong : « Ta thấy như vậy, công lao mấy văn gia Nam kỳ đóng góp cho văn học mới lúc khai sanh không phải là không đáng kể. Họ đã đề xướng 27 lên những công việc mà rồi nhóm Nam phong ngoài Bắc tiếp tục như : phiên âm văn nôm cũ khảo cứu về văn hóa và chế độ nước nhà, sưu tầm những ca dao cổ tích của ta, dịch thuật ngoại văn ra quốc ngữ… »

Tuy nhiên điều làm chúng ta ngạc nhiên là công cuộc của họ không được hưởng ứng, không được tiếp tục ở ngay Nam kỳ. Quốc văn mới sau đó, ở đây chìm vào một tình trạng đình đốn…

Kể cũng đáng ngạc nhiên. Sau việc đề xướng 28 do Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của, người ta chờ đợi ở miền Nam một sự nảy nở tốt đẹp của văn học mới. Song những mầm manh nha lui dần. Quốc văn miền Nam sau đó lâm vào một tình trạng ngưng trệ và nghèo nàn hết sức. Tại sao vậy ? vì Nam kỳ không hiến hoàn cảnh thuận lợi cho sự phát triển văn học, nhất là văn học quốc gia. Gia định là đất mới. Dân chúng vừa thưa, ít, vừa chưa được thuần nhất. Luống cầy nho-gia chưa đào xới được sâu thì người Pháp đến. Sự sáng tác văn học, sự ưa chuộng văn chương, sự trồng trọt thi văn ở đây chưa có truyền thống sâu xa, nên kém tiềm lực, kém khả năng.

Hai ông Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của là những vì sao mọc quá sớm. Họ dóng lên những tiếng chuông có giá trị song « điệu cao hoa quả ». Người ta không thể làm cuộc cách mạng một mình, cũng không thể làm trong một nhóm. Làm cách mạng văn học cũng vậy, phải có quần chúng, phải có tiềm lực trong quá khứ. Không kể chính sách học thuật của người Pháp ở Nam kỳ sau đó khuynh hướng về đường Tây hóa rõ rệt. Chữ Pháp được dạy ngay ở bậc tiểu học…

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x