
Chùa Đàn – Vang Bóng Một Thời – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Quê Tương, mùa xuân một năm tuổi
Kính gởi sư thầy Tuệ Không,
Chùa Từ H…
Kẻ không đi tu này, muốn bạch cùng sư thầy Tuệ Không một vài điều để cùng luận với Nhà Chùa một thái độ về đời sống. Trước khi hầu chuyện Nhà Chùa, sư thầy cho phép chúng tôi nói chuyện với những độc giả cũ thân mến và trung thành của chúng tôi về thiên truyện bỏ dở đã.
Nhà Chùa cứ thỉnh xong hồi chuông chiều một trăm linh tám tiếng ấy đi thì chúng tôi sẽ trở lại với Nhà Chùa đấy.
Vậy là tôi đã đọc xong “Tâm sự của nước độc”, trong một bụi lau cao, rừng tù kéo lê thê cái bóng chiều hôm thượng du. Tôi đọc chỉ có một hơi, say sưa đau khổ với người trong đoản thiên. Trong lúc đọc, có một người lính tập cầm súng bên, tầm mắt dán xuống một dải đường đỏ lượn dưới núi để xem hễ có Tây quản trại xộc lên khám công việc, thì ra hiệu cho tôi biết. Tôi đọc hết “Tâm sự của nước độc” thì kèn đồng trên lô cốt đồn cũng nổi một hồi rôm bê. Tôi phủi đất ở quần áo, đứng lên, lần về trại giam.
Tôi thất thểu trên dốc núi, khuôn cái lòng mình vào tâm người trong tập đoản thiên giắt trong túi dết. Hình như chân tôi đang bước hộ ai đâu đây, theo một cái đà đi của người trong nhật ký. Phải, “Tâm sự của nước độc” chỉ là một tập nhật ký mặc dầu người viết nó không dùng ngôi thứ nhất lúc tự thuật, không ghi niên hiệu của biến cố và đã đổi hết tên người tên đất. Dưới tập vở viết, chỉ chua: “Georges Philippar, 1932”. Tức là… Lịnh viết trên một con tàu bể chạy đường Cực Đông, sau khi bỏ ấp, xuất dương, làm bồi tàu sống cuộc đời công nhân và truy tùy Cách mệnh ở ngoài xứ.
Chính chiếc tàu to lớn này, kỳ hạ thủy chạy đường Viễn Đông Thượng Hải đã tải rất nhiều khí giới của đế quốc gửi sang Thượng Hải để đàn áp Cách mệnh Trung Hoa và chuyến về đã bị đốt cháy ở giữa Hồng Hải. Tôi ngờ Lịnh có dính vào chuyện Georges Philippar phát hỏa, làm chết một nhà báo tâm huyết Albert Londres và suýt chết luôn một ông quan xứ ta đi đón một ông vua Bảo Đại về nước nhận ngôi. Tôi nhớ rằng nhiều lần Lịnh đã giảng kỹ cho tôi về các công tác phá hoại.
“Tâm sự của nước độc” đích là một quãng thiếu thời của Lịnh lúc còn mê man o bế cái sống cá nhân của mình. Trái với lời rào đón khiêm tốn của tác giả nó về phép hành văn, tập nhật ký diễn theo một lối thuật hoài đặc biệt đã đem đến cho tôi nhiều rung động hiếm có. Ra khi người ta đã có một cái tâm sự và lại thiết tha và lại chân thành khi gởi nó vào giấy mực, thì người ta chấp được cả sự tưởng tượng của ngòi bút lành nghề. Và Lịnh, nếu chỉ cứ chuyên nhất vào cuộc đời chính trị, văn nghệ bị thiệt thòi hẳn đi về nhiều nỗi.
Đi theo tốp lính áp giải về trại, đầu tôi còn ê ẩm vì không khí một cái ấp nuôi tằm trong nhật ký. Đấy là một cái ngục tối. Ấp Mê Thảo là một cảnh địa ngục mà lính canh là rượu, là hát, là kỷ niệm, là sự nhớ tiếc một người vợ chết. Ở tù, còn có thể vượt ngục được. Chứ đã ở đến cái ấp Mê Thảo ấy, có đủ tiền, có thừa rượu và sự chiều chuộng của đời sống dư nhàn thì chỉ còn có chết oan uổng ở đây thôi, chứ còn thoát ly thế nào được. Vậy mà Lịnh đã xổng ra được. Để mà đang làm một con số 2910 đi bước một xuống dốc núi, trước mặt tôi.
Tôi nhìn Lãnh Út – Lịnh – 2910 mà rờn rợn cho một cuộc đời. Tôi nhìn Lịnh như một người đã bị thần trùng bắt đi, tra khảo mãi không xưng mà rồi lại còn được trả về đời sống. Ghê thật! Một người đã được cuộc sống phong lưu bỏ tù vào cái vỏ cá nhân tự cưng dưỡng mình, một người đã chìm nổi về rượu suýt chết vì rượu và đã làm chết lây người khác bằng đàn hát sở thích, một người đã chối ngấy lên vì rượu vì nhạc dầm dề cơ thể, một người đã ốm những trận thập tử nhất sinh vì những cảm giác ma túy ấy, người ấy có quyền nói câu này mà tôi nhớ mãi: “Nay tôi không sợ bắt bớ tù tội và tất cả sự đàn áp của kẻ thù mà tôi chỉ sợ người mời uống và rủ đi nghe hát”. Tôi tin được câu nói ấy của Lịnh.
Lịnh đã đem những tuổi hoa niên cầm cố cho ma men, đã uống một bữa rượu dài ba bốn năm ròng, – mặt giời mặt giăng chỉ có kế tiếp triền miên mà rọi vào một cái cốc quen thuộc của con người ấy. Lịnh ngồi im sững trong không và thời gian đến nỗi bóng mình in thành vệt lên vách vôi, đã từng nghe người ta vừa hát vừa khóc và nghe người ta đàn đến cái mực hộc máu ra mà gục chết dưới gốc nhạc khí, đối với một người sa đọa và sám hối như thế, cuộc đời còn nỡ đủ tàn ác và bất cố liêm sỉ để mời người ấy nghe lại một khổ đàn hoặc cầm một cái cốc nữa không? Nghe hát đến chết người, uống rượu đến suýt chết cả mình, đích là cái quá khứ Lịnh chứ còn là của ai vào đấy nữa!
Không phải là Lịnh thù oán gì tửu và nhạc đâu. Lịnh chỉ đổi đi cái đối tượng của mê mải – người Lịnh lúc nào cũng chứa nỗi say đắm một cái gì – và hướng dục vọng mình vào một phía mới nào nó rộng rãi và đúng nghĩa hơn. Lịnh vẫn là một người say cái Đẹp, say cái Say. Nhưng sau cái thời kỳ hỗn loạn của ấp Mê Thảo, giờ Lịnh là người tình nhân của Cách mệnh, Lịnh chỉ nhận có những chén mà công cuộc trao cho, thưởng cho mỗi lúc phá một cái gì để dựng lại một cái gì.
Những chén ấy, thường Lịnh uống cả cấn. Lịnh vẫn say như ngày xưa, nhưng không cần mượn đến cái thứ rượu tầm thường ta vẫn nhắp vào lúc vui lúc buồn hàng ngày. Trận say thứ hai này trong đời Lịnh – 2910, có lẽ đến lúc tắt nghỉ, Lịnh cũng không thèm tỉnh lại. Với cuộc Cách mệnh thường trực của cuộc đời chênh vênh lạc nền tảng này, ai đã dám nói một câu chót?
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.