Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách Chung Cư của tác giả Trần Văn Tuấn

Ba Tỷ

Nay nói về Ba Tỷ, gã đàn ông 22 tuổi, cao 1m70, tóc hơi vàng, mũi hơi lõ, mắt đen ướt át, có thêm lúm đồng tiền ở má. Có thể nói là đẹp trai, ma theo ngôn ngữ của đông đảo cư dân ở chung cư là ngon lành, giống như một thứ lẩu thập cẩm vậy. Gã là con lai Mỹ, nghe nói là thứ Mỹ dân sự, có học thức. Mẹ gã là ca sĩ phòng trà, nổi tiếng không phải vì giọng hát, mà vì đôi mắt to, chín mọng, ướt rượt và đen thăm thẳm, đến nhức lòng nhức dạ bọn đàn ông. Nghe nói, người Mỹ dân sự kia chết mê chết mệt vì đôi mắt ấy, cầu xin được làm chồng chính thức nhưng không được, thất tình hận đời, lấy rượu làm vui, nên chết bất đắc kỳ tử ở tuổi 35 trong một tai nạn xen hơi ở bên Mỹ. Người Mỹ kia cũng không biết mình có một đứa con rơi ở Sài Gòn. Người ta cũng kể lại, mẹ gã ở với rất nhiều đàn ông nhưng không lấy ai làm chồng…

Gã Ba Tỷ sinh năm 1972 (năm con chuột) nên được mẹ đặt tên là Tý, thường gọi là Cu Tý. Năm 1982 mẹ cu Tý chết vì ung thư phổi. Một nhà hàng xóm ở cuối phố đón cu Tý về nuôi, đặt tên là Ti Ti. Cu Tý không chịu. Nhà này đành chấp nhận thỏa hiệp: tên Ti Ti chỉ dùng để đối thoại khi có người lạ. Cu Tý không phải hành nghề chạy xuôi chạy ngược trong chợ để thực hiện những lời sai bảo của các chủ sạp nữa, không phải thức khuya dậy sớm, ăn cơm nguội nữa. Nhà nuôi cu Tý có kế hoạch vượt biên và coi cu Tý là một báu vật, một bảo đảm bằng vàng ở bên Hoa Kỳ. Nhà ấy chăm sóc thằng nhóc con lai Mỹ trắng này rất tử tế. Cu Tý được chủ nhà dạy tiếng Anh và học thuộc lòng bằng tiếng Anh bản tiểu sử của mình: “Tôi là cu Tý, tức Ti Ti. Cha tôi là người Mỹ. Mẹ tôi chết. Gia đình ông Tường Phát nuôi tôi từ nhỏ, chăm sóc tôi chu đáo, coi như con ruột. Tôi rất cám ơn ông Tường Phát và mong chính phủ Hoa Kỳ đối xử tốt với gia đình ông”.

Cu Tý sớm biết được giá trị con lai Mỹ của mình, nên đòi hỏi đủ thứ. Gia đình ông Tường Phát cắn răng chịu đựng. Do lớn lên ở đầu đường, góc chợ, cu Tý nhạy cảm với chuyện làm ăn. Cu Tý rất có hiếu với mẹ, thề trước mộ mẹ sẽ ở bên mẹ suốt đời. Bởi vậy, trong đầu thằng nhóc này sớm hình thành kế hoạch làm ăn. Khi ông Tường Phát xuống tàu vượt biên, cu Tý bỏ trốn. Đến nước ấy, nhà Tường Phát chỉ còn biết hối thúc tàu chạy nhanh ra khơi…

Cu Tý trở về nhà với một số vốn không nhỏ, rồi lại tìm mối khác để làm con nuôi. Có thể nói, với nghề con nuôi ở những năm vị thành niên, đã giúp cho Ba Tỷ nhiều lợi lộc. Ngoài cái vốn tiền bạc ra, gã còn có vốn tiếng Anh kha khá, đủ để giao dịch trên mọi lĩnh vực. Gã mang tên Ba Tỷ, trên danh thiếp ghi là Henry Nguyễn BaTy. Trong cơn sốt mua bán đất, gã chỉ làm trung gian mối lái hưởng phần trăm cả hai đầu, nên phất lên nhanh chóng và an toàn. Thực ra, tên Tỷ không phải do gã đặt ra, mà do người làm ăn quen biết và đám bạn bè nhóm taxi du lịch gọi gã. Họ cho là gã đã giàu bạc tỷ. Gã không hào hứng đón nhận, cũng chẳng lên tiếng chối từ, coi đó là chuyện không đáng nói. Cái cần để giải thích cho mọi người biết là vị thứ ba của gã. Gã bảo:

– Mẹ tôi có sinh một chị gái trước tôi với một người nhạc công nào đó, nhưng không nuôi được, chết ngay khi sinh. Dầu sao, tôi vẫn coi mình là thứ ba, trên tôi còn có chị ấy.

Ba Tỷ giàu, chỉ phô trương với thiên hạ có một lần trong năm. ấy là ngày giỗ mẹ. Ngày đó, gã thuê nhà hàng làm cỗ lớn, cúng bái linh đình, mời cả xóm đến dự. Nhà cũ, gã tu sửa lại cho chắc chắn, thuê người chăm nom, còn gã đến ở căn phòng ở chung cư. Gã sang tên lại căn phòng với giá 4 cây, từ một ông cán bộ về hưu. Gã bảo, gã không thích ở nhà cũ trong xóm vì không có chỗ để xe taxi, lại phải tiếp những ông khách người Mỹ, những Việt kiều từ Mỹ về.

Những người này tìm đến nhà gã theo nhiều mối, nhiều ngả khác nhau. Cũng có người vì tò mò, hiếu kỳ, song đại đa số tìm đến gã vì công việc làm ăn hay áp phe chính trị. Họ mời gã tham gia tổ chức này, tổ chức nọ hoặc làm đại diện cho công ty, cho hãng nước ngoài với số tiền lương từ 500 đến 1000 đôla một tháng. Gã từ chối hết, mà từ chối một cách thô bạo.

Ba Tỷ tâm sự với ông trung tá pháo binh về hưu làm việc thường trực – giữ xe tháng ở chung cư: “Nhiều người bảo con dại, con ngu! Xin lỗi, còn lâu mới ngu. Con thừa biết họ muốn gì ở con. Họ thừa biết kiếm một thằng con lai Mỹ chịu đứng chân ở đây, lại là một thứ thổ công chuyện gì cũng biết ở thành phố này đâu phải dễ. Chẳng phải vì họ yêu mến con đâu. Họ yêu cái túi tiền, cái danh vị chính trị chính em của họ thôi!”. Gã dặn đi dặn lại ông thường trực, nếu có ai hỏi gã, cứ nói gã đi vắng. Gã không tiếp bất cứ ai ở trong nhà, đàn bà con gái cũng vậy. Cần gì nhắn lại, gã khắc tìm đến.

Ba Tỷ khoái cái còi trên cổ ông cựu trung tá pháo binh lắm. Mấy lần gã đổi chiếc đồng hồ ômêga trị giá ba triệu đồng lấy cái còi, đều bị ông từ chối, nói đâylà kỷ vật thời chiến tranh gã có vẻ nể, sợ ông, không dám bông đùa sàm sỡ như những người khác.

Lúc nào, gặp ai gã cũng cười. Mắt đen láy, cười he hé hoặc toe toét đều dễ thương, dễ gợi cảm và cũng dễ làm cho người ta nổi sùng lên.

Như ông sửa xe gắn máy, Lưu Văn Bi, một con người khắc khổ chìm ngập trong suy tư và buồn thảm kia, ít nhất mỗi tuần một lần múa “mỏ lết” rất quáng, phun nước miếng vào mặt gã: “Tại sao mày lại chế nhạo tao? Thằng khốn kia, ngậm miệng lại, ông ghè vỡ hết cái hàm răng chó dái của mày bây giờ”.

Gã vặt tóc, kêu khổ, lại tru tréo than vãn: “Giời ơi là giời, tôi đâu có cười. Cái miệng tôi nó thế, cái mặt tôi nó vậy, trông như cười mà đâu có cười”.

Chẳng biết gã nói thậy, hay diễn thế, có người tin, có người không, bảo: “Đểu, điếm ra mặt, đến thế là cùng”. Dù có nổi sùng với gã nhiều lần, thường xuyên nhưng ông Bi vẫn chơi thân với gã, không bảo gã đểu, khen gã tốt bụng. Mà hình như gã cũng tốt bụng thật. Như cái việc xin đồng hồ điện cho mấy tầng ở chung cư.

Người ta không thể ngờ rằng gã chạy xe taxi, cùng một đẳng cấp xã hội với các chàng xích lô nhậu bia hơi, rượu đế ở lề đường, quanh năm mặc quần cộc, áo vá lại có thể quen nhiều, biết lắm các giới chức sắc đủ mọi lĩnh vực, các nhà lãnh đạo các cấp đến thế. Những anh Ba chủ tịch quận, anh Năm, dì Hai giám đốc sở này, ban nọ đều tay bắt mặt mừng khi gặp gã. Chỉ trong 3 ngày, 7 đồng hồ điện cho 7 tầng của chung cư đã được gã gọi người đến lắp đặt xong xuôi. Có điện, ai cũng vui mừng hào hứng không để ý đến số tiền chi riêng cho gã để “chạy điện”. Thế nhưng, người đời thường nói con đau của xót, đồng tiền liền khúc ruột nên cái phấn khởi có điện cũng nhanh chóng qua đi, còn đọng lại sự tính toán thiệt hơn: đắt hay rẻ. Nhiều người, trong đó có chị Chín Rơm, ông Bi khẳng định: giá “cà phê, cà pháo” cho dịch vụ đồng hồ điện vừa rồi là phải chăng và gã Ba Tỷ không ăn gì, không chấm mút gì ở vụ này cả.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x