Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách Chúng Tôi Ăn Rừng của tác giả Georges Condominas

CHƯƠNG 2: Lễ kết nghĩa của Baap Can, một lễ Trao đổi Hiến sinh trâu

Trong làn sương mù lạnh buổi sáng, Sar Luk tỉnh giấc với âm thanh trầm đục và nhịp nhàng của chày giã. Trong tất cả các sân nhà, phụ nữ giã gạo dùng cho ngày hôm đó: từng nhóm nhỏ hai ba người, xung quanh mỗi chiếc cối giã, họ nhấc lên và giã xuống thành tiếng ì ầm liên tục những chiếc chày cầm thẳng đứng. Thao tác này bị ngắt bằng những quãng dừng ngắn để một người trong bọn họ sàng sảy gạo: người đó đổ gạo trong cối vào chiếc nia và lắc ngang bằng những động tác cực kỳ lanh lẹ về bên phải và bên trái cho trấu tách khỏi gạo, rồi hất gạo lên nhiều lần cho trấu bay đi. Họ lại đổ vào cối chỗ thóc đã giã và lại giã, lặp lại loạt thao tác này cho đến khi gạo trắng. Trong lúc này, đàn ông cầm chổi rhôong (một loại cây họ lúa) làm vệ sinh trong nhà. Baap Can để công việc này cho đứa con trai cả và cho ông già Krah. Còn ông ta thì làm việc vặt, rồi nghỉ hút thuốc. Hôm nay hơn lúc nào hết ông ta có cớ để tự hào về mình. Taang-Aang của họ Rjee, khắp xứ Gar đều gọi là “Bố của Can” (Baap Can): quả thật, mấy ngày nữa ông sẽ giết hai con trâu mộng đực, như vậy đưa số trâu mà ông sẽ hiến tế trong đời mình lên hai mươi con. Vậy ai là kuang, người có thế lực, ở vùng Những con người của rừng hiện nay có thể khoe là đạt được số điểm tương tự. Chính hôm nay là ngày mọi người phải đi rừng để mang về cây tre rlaa khổng lồ năm ngày nữa họ sẽ trồng vào dịp Tâm Bôh, lễ trao đổi hiến sinh trâu của Baap Can và cựu chánh tổng Ndêh, người làng Ndut Lieng Krak, sẽ tổ chức để tăng uy thế cho nhau và củng cố một cách rạng rỡ mối liên minh nghi lễ dựa trên tình bạn cũ.

Baap Can khoe là đã một trăm tuổi; phần tôi, thì tôi cho ông ta chỉ mới năm mươi nhăm hoặc sáu mươi tuổi là cùng. Người nhỏ bé mảnh khảnh, khuôn mặt nhăn nheo dưới một vầng trán rộng, mái tóc hoa râm vấn thành búi, ông già còn tráng kiện này là người quan trọng nhất trong khắp vùng thung lũng. Sự giàu có vật chất của ông chẳng ghê gớm gì lắm (dãy chum lớn của ông có vài chỗ khuyết, và thậm chí mọi người còn kể với tôi rằng ông vẫn nợ sáu “đầu” trâu), nhưng ông đã biết tích lũy từ năm này sang năm khác một uy thế đang kể và tạo cho gia đình mình một vị trí hàng đầu.

Thời trai trẻ của Baap Can — thời kỳ của những chuyến đi khảo sát đầu tiên tại vùng này — Sar Luk chỉ là một xóm nghèo gồm hai căn nhà khốn khổ. Nhưng Taang có cá tính và, ngay cả trước khi cha ông qua đời, chính ông nắm vận mệnh gia đình mình. Không có chum và trâu, nhưng ông có một sức bền bỉ cường tráng và lắm chất láu cá nông dân. Từ rất sớm ông đã tỏ ra là người làm nông giỏi, và nhất là người đi chào hàng tuyệt vời: người ta thường phải nhờ đến tài “ăn nói” của ông trong những dịp bán các của cải có giá trị cũng như trong các vụ kiện cáo hay thu xếp các cuộc hôn nhân hoặc kết nghĩa. Cuộc hôn nhân của ông với người đẹp Jaang thuộc họ Bboon Jraang không giúp ông bước vào được một gia đình giàu có, nhưng người vợ trẻ của ông có hai đức tính chủ yếu mà sự kết hợp ở một bà chủ nhà người Gar bảo đảm một tương lai khá giả cho gia đình do tay bà lập nên: đức can đảm và tài dệt vải. Jaang sinh hạ ba con, trong đó hai đứa còn sống: Can, sinh vào khoảng năm 1921, và Aang-Sa mí mắt kém anh chừng bốn tuổi.

Lúc người vợ đầu chết, Baap Can chẳng những biết giữ quan hệ tốt với các chị em vợ, mà còn được các cô này trông nom giúp con cái. Những đứa con này để lại cho các bà dì phần gia tài của chúng. Baap Can không ở góa lâu, ông kết hôn với Aang-người dài, con gái một bà saman làng Phii Ko’. Cuộc hôn nhân thứ hai gắn ông ta với họ Ntöör, chủ đất chính trong làng Phii Ko’ nơi ông tới cư trú mấy năm ở nhà vợ mới. Em trai vợ ông là Bbaang-Hươu, “người thiêng” của làng, một cậu con trai rất năng nổ, nhờ ông mà trở thành “người chạy việc” của chánh tổng. Cô của Aang-người dài, Yôong-Điên, là kẻ giàu có, nhưng người đàn bà dí dỏm này (bà ta có tên như vậy do cái tính ngông mà bà chứng tỏ trong bất cứ trường hợp nào) trong vài năm đã để mất hết gia sản mà ông chồng Kroong, thuộc họ Sruk, để lại cho bà lúc từ trần. Aang-Người dài sinh cho Baap Can năm đứa con, trong đó chỉ ba đứa còn sống: Jaang (khoảng mười ba hay mười bốn tuổi), Choong-Bụng ỏng (năm tuổi) và Dür (hai tuổi).

Trừ thời gian ở Phii Ko’ là nơi người chị, bà Jôong-Thầy cúng, từ chối đi theo ông, còn thì Baap Can bao giờ cũng được bà này đồng ý đến cư trú cùng nhà và chung với ông gian khách, Jôong, góa bụa hai lần, có ba đời chồng liên tiếp. Với người chồng đầu, thuộc họ Cil, bà có hai con trai: Kraang-Drüm phó tổng ở Bboon Rcae, và Tôong-Jieng; với người chồng thứ hai, thuộc họ Ntöör, bà sinh hai con trai nữa: Kroong-Rốn lồi và Bbür-Ang, người chạy việc của tổng cư trú tại Nyôong Brah, làng vợ anh ta; cuối cùng là một người con gái, Mang-Miệng méo, với người chồng thứ ba là Kröng thuộc họ Jaa, “người thiêng trong làng”. Baap Can tăng cường ảnh hưởng của mình đối với chị bằng cách đòi một trong những người con trai bà, cụ thể ở đây là Kroong-Rốn lồi, “phải theo con gái của ông cậu”, tức là phải kết hôn với con gái ông là Aang-Sa mí mắt. Cái gia đình chị em họ được lập theo truyền thống này không bền vững, và sau khi người vợ trẻ có chuyện lôi thôi về đức hạnh và để tránh một cuộc chia tay vĩnh viễn, Kroong và Aang rời bỏ “kho thóc” của Baap Can để đến ở “kho thóc” của Kröng-Jôong gần ngay đó.

Về phía mình, bà Joong-Thầy cúng luôn tỏ ra là người mẹ rất độc đoán và, để chắc chắn giữ được thường xuyên một trong những đứa con trai ở cạnh mình, bà bắt Tôong lấy một người con gái nô lệ tên là Jieng thuộc họ Daak Cat. Cô gái này đem theo mẹ và anh trai là Kraang-Bong bóng. Kho thóc của cặp vợ chồng trẻ ở gần kề kho thóc của Kröng-Jôong. Đi qua gian khách của họ, ta gặp ngay kho thóc của Grieng-Mbieng, chị gái của Jôong-Kröng, Baap Can và Truu. Giống như chị, Grieng bao giờ cũng bị người anh là Baap Can kiềm chế và chỉ huy. Vì chẳng đứa con chung nào của bà với Mbieng-Thọt ở làng Ndut Trêe Pül còn sống, nên Grieng và chồng đón hai cháu trai của Mbieng, cùng họ Bboon Kroong với ông này, về nuôi: Tôong cùng vợ là Wan (một người thuộc họ Rjee làng Sar Lang), Dloong-Góa và con nhỏ của chị ta, cuối cùng là Ndoong và Ngaa. Như vậy Baap Can đã tập hợp ở nhà mình các “kho thóc” của chị, của con trai thứ hai bà chị này và của em gái ông ta.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x