Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Chuyện Của Che của tác giả Lucía Álvarez de Toledo mời bạn thưởng thức.

II. (1930 – 1934)

Gia đình Guevara sống ở Misiones được vài năm thì Celia lại mang thai. Họ trở lại Buenos Aires năm 1930 để đón chào sự ra đời của đứa con thứ hai, một bé gái được đặt tên là Celia. Họ thuê một ngôi nhà trong khuôn viên biệt thự lớn của Martín Martínez-Castro ở San Isidro. Sự sắp xếp này có lợi cho tất cả mọi người. MartínezCastro lấy Maria Luisa, chị gái của Ernesto Guevara Cha cho nên bọn trẻ sẽ sống cạnh anh chị em họ và chúng có thể cùng chơi trong khu vườn rộng lớn của dinh thự mà không cần bố mẹ giám sát. Con của Martínez-Castro lớn hơn Ernestito và Celia một chút và như nhiều đứa trẻ khác, chúng vui mừng nhận trách nhiệm trông coi những đứa em họ.

San Isidro là một khu dân cư thanh lịch nằm ở ngoại ô Buenos Aires và Guevara Cha làm ở Astillero Río de la Plata, không xa nhà mấy. Đó là một xưởng đóng tàu của người em họ Germán Frers-Lynch trong đó ông cũng góp một ít vốn. Rủi thay, xưởng đóng tàu bị lửa thiêu rụi mà lúc ấy lại chưa đóng bảo hiểm. Sai lầm đó đã khiến Guevara Cha mất toàn bộ tiền vốn. Trận hỏa hoạn có lẽ do một đối thủ ghen ăn tức ở khi thấy việc kinh doanh của mình thua kém Frers. Guevara Cha không còn lại gì ngoài chiếc thuyền buồm có tên Kid mà ông neo ở sông Paraná gần ngôi nhà ở Puerto Caraguatay. Đó từng là phương tiện giúp ông tới đồn điền maté của mình. Frers cũng tặng ông một chiếc du thuyền có tên là Ala thay cho khoản bồi thường. Ông giữ chiếc thuyền này ở đồng bằng Río de la Plata gần Buenos Aires để sử dụng vào dịp cuối tuần và ngày nghỉ.

Ban đầu gia đình Guevara chỉ định ở Buenos Aires trong một thời gian ngắn, nhưng Ernestito bắt đầu mắc hen suyễn, căn bệnh sẽ ảnh hưởng tới Che suốt đời. Các bác sĩ khuyên rằng cậu bé sẽ khó thở nếu phải sống ở vùng Puerto Caraguatay nóng ấm. Vì thế gia đình Guavara không thể trở lại đó.

Đã có nhiều tài liệu viết về căn bệnh hen suyễn của Ernestito và cho rằng đó là hệ quả của mối quan hệ quá gần gũi của cậu bé với mẹ. Thời gian và những nghiên cứu y khoa đã chỉ ra sai lầm của giả thuyết này, nhưng dù gì thì giả thuyết đó cũng sai bởi tất cả các anh em nhà Guevara đều bị hen, mặc dù bốn người con khác chỉ bị nhẹ rồi lớn lên mà không gặp khó khăn gì. Rõ ràng là Ernestito được mẹ cưng chiều nhất và họ có mối quan hệ vô cùng gần gũi. Có thể là vì cậu là đứa con đầu tiên của bà hoặc bởi vì cậu không thể đến trường như bình thường và người mẹ phải lo dạy dỗ cậu bé khi cậu nằm liệt giường. Nhưng Celia cũng từ chối nuôi dạy cậu như một người khuyết tật và chắc chắn bà là tấm gương truyền cảm hứng cho Ernestito khi cậu trưởng thành.

Celia không phải là một người phụ nữ coi thường truyền thống nhưng bà hoàn toàn không quan tâm đến truyền thống, bởi bà có những ưu tiên khác. Bà rất quả cảm, thông minh và hào phóng. Bà được giáo dục tốt và đọc nhiều.

Bà thông thạo tiếng Pháp và đam mê văn học Pháp, đặc biệt là thơ. Bà luôn vui vẻ, thoải mái và trước khi người con trai Ernestito trở nên nổi tiếng, bà không làm căng bất cứ chuyện gì. Mặc dù không sở hữu một vẻ đẹp cổ điển nhưng bà luôn được coi là một người phụ nữ cực kỳ hấp dẫn. Bà có cá tính mạnh và ở Argentina vào giai đoạn đó, đặc biệt là trong tầng lớp của mình, bà luôn là một trong những người đầu tiên hấp thu tư tưởng mới. Bà là một trong những người phụ nữ đầu tiên ở Argentina mặc quần ngoài đường phố, bà tự mình lái xe, có tài khoản ngân hàng cá nhân và để tóc ngắn như con trai.

Calica Ferrer, một người bạn thời thơ ấu của Ernestito có kể lại một giai thoại về cá tính khác người của Celia khi họ sống ở tỉnh Córdoba. Một hôm, vị cha xứ cho rằng Celia đã dự lễ Mét mà không mặc vớ dài (một điều cấm kỵ vào thời đó) và đã quở trách bà khi bà chuẩn bị rời khỏi nhà thờ. Bà cười vào mặt ông, thò tay vào ngăn túi của chiếc váy và kéo chiếc vớ nylon lên để cho thấy là bà đang mặc vớ dài. Vớ nylon trong suốt thời đó là một món hàng khác thường.

Ngày 6 tháng 9 năm 1930, Tướng José Félix Uriburu lật đổ chính phủ dân chủ do dân bầu của Hipólito Irigoyen, một luật sư từng lãnh đạo đảng trung lập Liên minh Công dân Cấp tiến. Sự kiện đó đánh dấu sự mở đầu của Thập kỷ Ô Nhục mặc dù nó kéo dài đến tận năm 1943. Chính phủ không chính thức của tướng Uriburu (1930-1932) đã nhượng bộ tư bản Anh rất nhiều và hầu hết những bước đi đó không có lợi cho đất nước. Điều này đã dẫn đến bất ổn thường xuyên cũng như hàng loạt các cuộc đảo chính và chống đảo chính và tình trạng thay đổi chính phủ liên miên. Trong số đó có một số chính phủ gian lận, một số dân chủ và một số độc tài.

Thập kỷ Ô Nhục đã tạo ra hệ lụy là các lực lượng vũ trang luôn nhòm ngó chiếc ghế quyền lực ở Argentina, một tình trạng còn kéo dài trong nhiều năm sau đó, lúc có lúc không. (Có ý kiến cho rằng cuối cùng họ chỉ rời bỏ chính trường khi việc thua quân Anh trong Chiến tranh Malvinas/Falklands năm 1982 khiến quân đội chịu sự ô nhục và bất tín). Cố nhiên, việc quân đội thường xuyên can thiệp vào các thể chế dân chủ đã ảnh hưởng phần nào đến quan điểm và nhãn quan của những người sinh trưởng vào thời kỳ đó. Thật là mệt mỏi khi luôn bị những người mặc quân phục đó từ chối quyền công dân.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x