Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

TRẢ LẠI NGUYÊN DẠNG CHO

CHUYỆN KỂ NĂM 2000

Tôi không nghĩ cần thiết phải “phi lộ” dài dòng về nội dung cuốn sách để đời của nhà văn Bùi Ngọc Tấn (1934 – 2014) vừa giã từ chúng ta chưa đầy nửa năm: tiểu thuyết Chuyện Kể Năm 2000 ra đời cách đây gần 15 năm, mặc dù — hay chính vì — bị thu hồi và tiêu hủy không đầy một tuần sau khi “lọt lưới”, ngay lập tức đã hồi sinh từ cuộc autodafé hiện đại và bằng nhiều lối, nhiều dạng, tán phát đi khắp nơi, trong nước cũng như ngoài nước, vì thế hẳn không còn xa lạ gì với công chúng độc giả.

Điều tôi muốn rõ thêm ở đây, là lý do vì sao sau khi trình làng Hậu Chuyện Kể Năm 2000 – Thời Biến Đổi Gien (giờ đã thành một posthumous work mà, alas! Bùi Ngọc Tấn không được thấy mặt), tủ sách Tiếng Quê Hương lại tái bản Chuyện Kể Năm 2000.

Đây không phải là một tái bản thông thường. Đây là lần đầu tiên — nếu không kể một Mạnh Thường Quân trong nước đã hào hiệp tự bỏ kinh phí in riêng vài trăm bản biếu bạn bè — một tổ chức xuất bản chính thức ấn hành trọn vẹn Chuyện Kể Năm 2000 như trong bản thảo nguyên gốc (khi ấy mang tên Mộng Du).

Người ta biết để lọt qua lưới kiểm duyệt, Bùi Ngọc Tấn đã phải thỏa thuận với ban biên tập Nhà xuất bản Thanh Niên cắt bỏ một số đoạn “nhạy cảm.”

Cho đến nay, tất cả các ấn bản Chuyện Kể Năm 2000 ở bất kỳ đâu đều ở dạng thiếu hụt như vậy.

Trả lại nguyên dạng cho Chuyện Kể Năm 2000, đó là chủ đích của Tiếng Quê Hương khi in lại tác phẩm. Và tôi rất cảm kích khi được mời viết lời đề tựa cho văn bản được khôi phục với tư cách như “một người trong cuộc.”

Nhân đây, tôi cũng xin bật mí một thông tin mà tôi nghĩ có lẽ cũng đến lúc nên tiết lộ: Người mang bộ Chuyện Kể Năm 2000 đầu tiên ra nước ngoài trước khi sách bị thu hồi là cố nhạc sĩ Phạm Duy.

Ngày 28 Tết Canh Thìn, Bùi Ngọc Tấn mang sách lên Hà Nội tặng bạn bè và, như mỗi lần ở lại qua đêm, nghỉ tại nhà tôi. Cơm tối xong, tôi chợt nẩy ra một ý kiến: “Này Tấn – tôi bảo Tấn – sáng mai Phạm Duy bay về Pháp. Sao ta không biếu ông ấy một bộ để ông ấy khuếch trương giúp nhỉ?”

Trời mưa nhẹ hạt, tôi ôm một bộ sách, lấy tắc xi lên khách sạn Melia – Sofitel ở góc đường Thanh Niên – Yên Phụ, hồi hộp như người mang rượu lậu. May, “ổng” có trên phòng.

“Đây là tác phẩm của một Solzhenitsyne Việt Nam, sẽ có tiếng vang rộng khắp, tôi đảm bảo với anh thế. Anh chắc sẽ ghé chỗ Thụy Khuê. Nếu đọc xong trước khi về Mỹ, anh có thể để lại cho cô ấy.”

Phạm Duy hiểu message của tôi.

Khoảng một tuần sau, tôi nhận được mail của Thụy Khuê:

“Em đã nhận được quà của anh.”

Quà đây là bộ Chuyện Kể Năm 2000, tôi đoán chắc thế.

Lâu về sau, gặp lại tôi trong đám tang Hoàng Cầm mà ông bay từ Sài Gòn ra để dự, Phạm Duy xác nhận điều đó.

Xin nói thêm một điều thay lời kết.

Dịch giả Hà Tây, người đã dịch sang tiếng Pháp những tác phẩm quan trọng của Bùi Ngọc Tấn — Biển Và Chim Bói Cá, tác phẩm được tặng giải thưởng trong Festival “Sách và Biển” (Livre et Mer) năm 2012 mang tên Henri Queffélec, Chuyện Kể Năm 2000, và, gần đây nhất, là Thời Biến Đổi Gien — đã có cái mà tôi sẵn sàng gọi là một lóe ánh thiên tài khi chuyển cái đầu đề Chuyện Kể Năm 2000 thành Conte pour les siècles à venir.

Phải, đây chính là một câu Chuyện (để) kể cho những thế kỷ mai sau, và chừng nào và bất kỳ ở đâu, quyền con người còn bị coi rẻ và chà đạp thì nó vẫn còn nguyên giá trị.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x