
Chuyện Nghề Chuyện Nghiệp Ngoại Giao – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Chuyện Nghề Chuyện Nghiệp Ngoại Giao của tác giả Nhiều Tác Giả mời bạn thưởng thức.
LÀM “ÔNG THÔNG” CHỨ KHÔNG PHẢI LÀM “ÔNG PHÁN”, “ÔNG THAM”
Thời Pháp thuộc ở ta có những loại công chức như ông thông, ông ký, ông phán, ông tham, trong đó “ông thông” làm thông ngôn, nay gọi là phiên dịch cho Tây. Sở dĩ tôi mở đầu câu chuyện về nghề, về nghiệp bằng nghề “ông thông” vì khi mới vào ngành Ngoại giao và trong một thời gian khá dài tôi làm cái nghề này.
Năm 1955, sau hơn một năm học tiếng Nga tại Mát-xcơ-va bỗng nhiên tôi được điều động ra Đại Sứ quán nước ta làm việc. Miệng còn hơi sữa, ngay cả tiếng Nga cũng chẳng được đào tạo tới nơi tới chốn, việc đầu tiên tôi được giao là làm đưa đón, lễ tân, phiên dịch kiêm luôn quản trị, nghĩa là thượng vàng hạ cám. Với công việc như vậy tôi vừa là “ông thông”, vừa là “ông ký, ông phán”. Sau đó tôi về làm việc ở Phòng Phiên dịch Bộ Ngoại giao, tức là thuần túy làm “ông thông”. Mấy đợt sau ra lại Đại Sứ quán nước ta tại Liên Xô tôi lại đóng hai vai: phiên dịch kết hợp nghiên cứu, tức là vừa làm “ông thông”, vừa làm “ông phán”. Mãi sau này, vào những năm 70 thế kỷ trước tôi mới chuyển hẳn sang ngạch “ông phán”, tức là làm cán bộ nghiên cứu rồi làm quản lý, tức là lên ngạch “ông tham” nhưng đôi khi vẫn phải đóng vai phiên dịch. Chẳng hạn, tại Hội nghị cấp cao APEC ở Thượng Hải năm 2001, tuy đã là Bộ trưởng Thương mại, tôi đã phải dịch cho Thủ tướng Phan Văn Khải gặp Tổng thống Nga Putin vì cả hai đoàn không mang theo phiên dịch Việt – Nga.
Thực lòng mà nói, tôi chẳng thích thú gì cái nghề “ông thông” vì trong óc dân ta, ông thông là loại bám đuôi ông Tây, bà đầm. Ngay dưới thời ta thiên hạ cũng chẳng coi cái nghề này ra gì, nhiều người nghĩ đơn giản: có khó gì đâu, người ta nói thế nào cứ việc chuyển ngữ là xong! Khi đi phục vụ các đoàn nước ngoài thậm chí cũng chẳng được xếp chỗ ăn, chỗ ở tử tế. Vì vậy nhiều phiên dịch viên cứ tấp tểnh đổi nghề cho đỡ tủi nhục. Nghe đâu, ngay trong lớp phiên dịch trẻ bây giờ cũng có tâm sự như vậy mặc dầu họ có điều kiện học hành, làm việc tốt hơn nhiều so với thời chúng tôi.
Nói vậy thôi chứ cái nghề này cực kỳ quan trọng và lý thú nữa. Ta cứ thử tưởng tượng xem, đại diện hai nước gặp nhau nhưng ngôn ngữ lại bất đồng và không có phiên dịch thì có khác gì hai người câm điếc đối thoại với nhau, làm sao có thể đạt tới điều gì được? Qua đấy đủ thấy thật không ngoa tý nào nếu nói phiên dịch là một chiếc “cầu nối giữa các dân tộc”.
Mặt khác, nghề này cũng đem lại cho bản thân người phiên dịch nhiều điều hay, điều tốt. Thứ nhất là, có một công cụ hữu hiệu là ngoại ngữ để hiểu biết thế giới. Thứ hai là, có điều kiện tiếp cận với nhiều vấn đề vì phải phiên dịch đủ loại chuyện. Thứ ba là, có điều kiện thăm thú nhiều nơi, mở rộng tầm nhìn. Thứ tư là, có dịp tiếp xúc với nhiều VIP, qua đó học được nhiều điều hay, lẽ phải nếu những VIP đó thông tuệ. Và cuối cùng là, nhiều khi nghề phiên dịch cũng là bậc thang thăng tiến không tồi so với các ngạch khác. Chẳng thế mà hầu hết lãnh đạo Bộ Ngoại giao nước ta cuối những năm 80 và trong những năm 90 thế kỷ trước đều xuất thân từ phiên dịch.
Nói như vậy không có nghĩa là cứ làm phiên dịch là dễ thăng quan, tiến chức. Cũng như mọi việc khác, muốn tiến bộ đều phải khổ công rèn đức, luyện tài và… gặp duyên số. Còn loại “thăng tiến bằng đầu gối” thì xin miễn nói.
Riêng về chuyện nghề, chuyện nghiệp thì muốn trở thành phiên dịch giỏi chí ít cần hai điều kiện: có khiếu ngoại ngữ, văn chương và có niềm đam mê, chịu thương, chịu khó. Năng khiếu là của Trời cho, không có năng khiếu thì học mãi cũng không vào. Hồi học ở Trung Quốc tôi có ông bạn cả bài tập tiếng Trung chỉ viết được nhõn hai chữ “ủa mẩn” (chúng tôi), còn cả bài đều la-tinh hóa cả! Ngoài khiếu ngoại ngữ còn cần có năng khiếu văn chương và khả năng ăn nói, viết lách lưu loát. Có tật nói ngọng, nói lắp hay thổ âm quá nặng thì cũng khó bề trở thành phiên dịch giỏi.
Ngoài năng khiếu trời cho, để làm phiên dịch giỏi cần một số “bí quyết”.
Làm nghề gì cũng vậy, “bí quyết” quan trọng nhất là niềm đam mê, sự thích thú với công việc. Người phiên dịch yêu nghề sẽ thích thú thực sự nếu cảm thấy bản dịch của mình chuẩn xác hay dịch một buổi tiếp xúc, hội đàm trôi chảy. Ngược lại rất ray rứt, bực tức, nóng lòng chỉnh sửa để lần sau làm tốt hơn. Đó là “bí quyết” đầu tiên.
“Bí quyết” thứ hai là ham mê học hỏi. Học tiếng Nga có mấy tháng, khi mới ra Đại Sứ quán tôi tập tọe dịch bản tin rồi đưa cho bà thư ký người Nga sửa. Khi bà ta trả lại thì than ôi, bản dịch đỏ lòm, hầu như chẳng còn chữ nào của mình nữa! Không nản chí, tôi cứ kiên trì dịch, lâu dần màu đỏ giảm bớt, những câu, những chữ không bị sửa hiện hình ngày càng nhiều. Để bồi bổ trình độ, tôi lấy một cuốn sách tiếng Nga ra rồi lụi hụi tra từ điển đọc từ trang đầu tới trang cuối để học thêm từ ngữ kết hợp với việc bồi bổ kiến thức. Có một kinh nghiệm tốt là phải chịu khó đọc sách văn học kinh điển để vừa giải trí, vừa học thêm từ, vừa học cách dùng chữ dùng câu, đồng thời hấp thụ cái tinh túy của tiếng Nga và “cái hồn Nga”. Tôi cảm nhận rất rõ điều này khi mải mê đọc các tác phẩm của Lê-ông và A-lếch-xây Tôn-xtôi, Tuốc-ghê-nhép, Đôt-xtôi-ép-xki, Trê-khốp, Goóc-ki, Sô-lô-khốp, Pha-đê-ép, Pao-u-tốp-xki… Thú thật trong tôi không gợn chút hồn thơ nên không hay đọc Pu-sơ-kin hoặc Léc-môn-tốp… lắm.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.