Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

ột dãy khuôn mặt người hiện ra trước mắt tôi, dọc theo một bức vách bằng gỗ dán lỗ chỗ vết đạn bắn. Chẳng khó khăn gì lắm, căn cứ vào nước thuốc và cách ăn mặc trong các bức ảnh, tôi cũng có thể nhận ra chỉ có đôi ba bức mới chụp từ ngày dọn về đây, còn thì hầu hết là những bức cũ được chụp dưới thời ngụy, khi chủ hiệu còn trương biển ở các thành phố trong Nam những năm phiêu dạt chạy bom đạn, lại có mấy bức quý giữ được từ ngày cái thị xã này còn nguyên lành, hồi chủ hiệu còn cái nhà ảnh quán hai tầng đầy khang trang trên một con phố đã bị vùi lấp.

– Cô này nguyên ngày trước là học sinh trường Bồ Đề. Người trong bãi cát. Là một trong mấy người đẹp nối tiếng của cái thị xã tỉnh lẻ này cách đây mươi năm.

Người thợ ảnh nay đã luống tuổi tuy vẫn còn trẻ hơn tôi nhiều đi phía sau mau mắn giới thiệu:

– Bây giờ ở đâu?

– Làm sao biết được hả thưa ông. Xưa nay, nhan sắc và chiến tranh… Có thể đã chạy ra nước ngoài, hay đã chết mất rồi? Cái thị xã Quảng Trị này, chắc ông đã biết rõ, chiến sự chà đi sát lại mấy phen, đến một nửa hòn gạch nguyên lành cũng chẳng còn thấy, giá có còn thì cũng không còn nằm ở chỗ nhà cũ. Huống hồ là con người.

– Nửa năm nay, – tôi hỏi, – người cũ chạy ra đi có trở về đây nhiều không?

– Thưa ông ít lắm. Chỉ còn chút tình quê hương chứ nhà cửa, phố xá chỉ còn một đống gạch vỡ cho cỏ lau mọc. Còn gì nữa đâu mà về.

– Về thăm, chẳng lẽ cũng không ư?

– Hồi mẩy tháng đầu, khi anh em bộ đội chưa trỏ lại đào bới hài cốt, khi máy ủi, máy xúc chưa san, cũng có nhiều gia đình trở về muốn lập nghiệp trở lại trên cái nền đất cũ. Nhưng sức hai bàn tay làm gì nổi? Ông coi, đến tìm ra chỗ cái nền nhà mình cũng khó khăn lắm. Rồi cũng chỉ ngủ lại một vài đêm giữa gạch vỡ, giữa lau lách, ngủ chung với cầy cáo, rắn rết rồi lại kéo nhau mà đi thôi, về sau này, máy móc dọn dẹp được vài đường phố, lại thấy có người trở về. Nhưng đến bây giờ, đất nền nhà, nền phố đã trở thành đất công. Phải dùng để xây dựng cơ quan, trụ sở, hội trường, với lại khu tập thể gia đình cán bộ…

– Bây giờ họ ở đâu cả?

– Như dân Do Thái. Đến bây giờ một phần lớn dân thị xã này đã lập nghiệp hẳn trong Nam, hoặc ở các tỉnh miền Trung tận phía trong, làm rừng, làm ruộng, làm biển. Mà cũng phân tán, rải rác mỗi tỉnh một ít. Nhưng cái dân Quảng Trị đi đâu cũng làm ăn càn cù, cũng nuôi nấng, che chở cách mạng, Như gia đình chúng tôi mấy năm chạy vào Sài Gòn, nhà tôi vẫn nuôi giấu cán bộ.

– Hồi ấy, có một ít bà con chạy ra được…

– Cũng cái trận hồi bảy hai, có một số may mắn chạy ra miền Bắc được, khi trở về lại được cấp đất ở ngoài Đông Hà. Hóa ra lại càng may mắn. Ở ngoài ấy có con đường số 9, có cái cửa khẩu thông sang Lào, bây giờ làm ăn, buôn bán còn dễ dàng hơn trở về trong này nhiều.

Trò chuyện vòng vo mãi, đắn đo mãi, tôi mới dám giơ tay trỏ một bức ảnh chụp một cặp vợ chồng mới cưới, mới được phóng đại và tô màu bằng thuốc nước, treo ở hàng ảnh trên cao. Người thợ ảnh hào hứng hẳn lên, mau mắn thuyết minh:

– Đây là bức ảnh kỷ niệm riêng của nhà tôi. May sao nhà tôi còn giữ được. Tôi phải mất nhiều công lắm mới khôi phục lại được bức ảnh này. Ông xem, nước ảnh chụp đã lâu… từ kháng chiến chống Pháp. Mà chắc chắn là nước ảnh của bên kháng chiến mình.

– Phải, – tôi nhấc cặp kính lão xuống chà lên vạt áo quân phục rồi đeo lên, bình phẩm – phải, anh bộ đội mặc tấm áo rét kiểu trấn thủ, đúng là bộ đội thời vệ quốc đoàn.

– Vâng, thưa ông, anh bộ đội đó đã anh dũng hy sinh, là người chồng trước đây của nhà tôi – người chủ hiệu ảnh càng cởi mở – tôi phải thuyết phục mãi nhà tôi mỏi thuận cho đem treo ra phòng ảnh, chiêu khách ở ngoài này.

Tôi chép miệng nhỏ:

-Nhưng để làm gì nhỉ?

– Ông hãy đi một vòng thử coi, thị xã mới tụ họp về dưới chính quyền của bên phía cách mạng ta, sau bao năm sõng dưới chế độ cũ. Cho nên các nhà hàng mới mở cửa chung quanh khu chợ Thành Cổ này nhà nào cũng treo lên một bức ảnh hay tờ tranh vẽ bộ đội duyệt binh ở quảng trường Ba Đình, lại còn mở băng nhạc cách mạng tưng bừng. Nhà hàng ảnh chúng tôi lại có cả một anh bộ đội mặc quần áo từ hồi vệ quốc đoàn đánh Tây. Có phải không ông, nó quý hiếm lắm chứ?

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x