Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách Cơ Sở Khoa Học Môi Trường của tác giả Lưu Đức Hải, Nguyễn Ngọc Sinh

Chương I.CÁC KHÁI NIỆM CƠ BẢN

1.1. KHÁI NIỆM VỀ MÔI TRƯỜNG

Thuật ngữ môi trường – Environment (Tiếng Anh), tiếng Hoa (Hoàn cảnh), tiếng Nga (окружающая среда – môi trường bao quanh).

Theo nghĩa rộng nhất thì “Môi trường” là tập hợp các điều kiện và hiện tượng bên ngoài có ảnh hưởng tới một vật thể hoặc sự kiện. Bất cứ vật thể, sự kiện nào cũng tồn tại và diễn biến trong môi trường như môi trường vật lý, môi trường pháp lý, môi trường kinh tế, v.v.. Thực ra, các thành phần như khí quyển, thủy quyển, thạch quyển tồn tại trên Trái Đất đã từ rất lâu, nhưng chỉ khi có mặt các cơ thể sống thì chúng mới trở thành các thành phần của môi trường sống.

Môi trường sống là tổng các điều kiện bên ngoài có ảnh hưởng tới sự sống và sự phát triển của các cơ thể sống. Đôi khi người ta còn gọi khái niệm môi trường sống bằng thuật ngữ môi sinh (living environment).

Môi trường sống của con người là tổng hợp các điều kiện vật lý, hóa học, sinh học, xã hội bao quanh con người và có ảnh hưởng tới sự sống, sự phát triển của từng cá nhân và toàn bộ cộng đồng người. Thuật ngữ “Môi trường” thường dùng với nghĩa này. Môi trường sống của con người là vũ trụ bao la, trong đó có hệ Mặt Trời và Trái Đất. Các thành phần của môi trường sống có ảnh hưởng trực tiếp tới con người trên Trái Đất gồm bốn quyển: sinh quyển, thủy quyền, khí quyển, thạch quyển.

Có thể nêu ra một định nghĩa chung về môi trường như sau:

Môi trường là tập hợp các yếu tố tự nhiên và xã hội bao quanh con người có ảnh hưởng tới con người và tác động qua lại với các hoạt động sống của con người như: không khí, nước, đất, sinh vật, xã hội loài người v.v..

Môi trường sống của con người theo chức năng được chia thành các loại:

Môi trường tự nhiên: bao gồm các yếu tố tự nhiên như các yếu tố vật lý, hóa học và sinh học, tồn tại khách quan ngoài ý muốn con người.

Môi trường xã hội: là tổng thể các quan hệ giữa người và người tạo nên sự thuận lợi hoặc trở ngại cho sự tồn tại và phát triển của các cá nhân và cộng đồng loài người.

Môi trường nhân tạo: là tất cả các yếu tố tự nhiên, xã hội do con người tạo nên và chịu sự chi phối của con người.

Môi trường theo nghĩa rộng là tổng các nhân tố như không khí, nước, đất, ánh sáng, âm thanh, cảnh quan, xã hội, v.v. có ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống con người và các tài nguyên thiên nhiên cần thiết cho sinh sống và sản xuất của con người. Môi trường theo nghĩa hẹp là tổng các nhân tố như không khí, nước, đất, ánh sáng, v.v. liên quan tới chất lượng cuộc sống con người, không xét tới tài nguyên.

Từ các định nghĩa trên có thể sinh ra nhiều quan niệm khác nhau về khoa học môi trường:

Môi trường là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học đang có hiện nay (sinh học, địa học, hóa học, v.v.). Tuy nhiên, các ngành khoa học nói trên chỉ quan tâm đến một phần hoặc một thanh phần của môi trường theo nghĩa hẹp.

Môi trường là đối tượng nghiên cứu của một ngành khoa học liên ngành có mục đích chủ yếu là bảo vệ môi trường sống lâu dài của con người trên Trái Đất. Trong giai đoạn hiện nay, hoạt động phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật của con người có ảnh hưởng mạnh mẽ tới chất lượng môi trường sống (khai thác tài nguyên thiên nhiên, gia tăng dân số, sản xuất công nghiệp). Không có một ngành khoa học đang có hiện nay đủ điều kiện nghiên cứu và giải quyết mọi nhiệm vụ của công tác bảo vệ môi trường là quản lý và bảo vệ chất lượng các thành phần môi trường sống của con người và các sinh vật trên Trái Đất.

Khoa học môi trường là ngành khoa học nghiên cứu mối quan hệ và tương tác qua lại giữa con người và môi trường xung quanh. Con người và môi trường luôn thống nhất với nhau. Đầu thập kỷ 70, nhà địa hóa người Anh Hamilton đã đưa ra kế hoạch thực nghiệm là xác định hàm lượng nguyên tố hóa học trong đá, bụi, đất, giấy, cá, lương thực, máu và não để xem hàm lượng các nguyên tố hóa học trong cơ thể con người và vật chất trong môi trường có quan hệ gì với nhau không. Kết quả giám định 60 loại nguyên tố hóa học cho thấy tỷ lệ hàm lượng các nguyên tố hóa học trong người trùng với tỷ lệ các nguyên tố hóa học tương ứng trong vỏ Trái Đất. Thí dụ hàm lượng 4 nguyên tố chủ yếu C, H, O, N chiếm 99,4% khối lượng con người và 50,5% vỏ Trái Đất. Các nghiên cứu địa hóa sinh thái cho thấy có một số bệnh tật có quan hệ tới sự thiếu hụt hay dư thừa nguyên tố hóa học trong đất đá khu vực. Thí dụ thiếu Se – viêm khớp xương, thiếu kẽm người lùn, thiếu iốt – bướu cổ; thừa Cd đau xương, tự gẫy xương. Năm 1955, ở huyện Phusan Nhật Bản phát hiện loại bệnh gẫy xương do thừa Cd. Bệnh hoành hành trong thời gian hơn 20 năm, riêng 1963 – 1967 làm chết 207 người. Nguyên nhân của loại bệnh trên là do nồng độ Cd cao, có trong nước thải của hoạt động khai thác một số mỏ Pb, Zn nằm ở đầu nguồn một con sông cung cấp nước tưới cho các cánh đồng trồng lúa của huyện Phusan.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x