Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Ở tỉnh Nam Định, Vụ Bản là một huyện nghèo, bởi thuần nông. Trên cánh đồng đất pha cát, lúa, ngô, khoai, kê, đậu, lạc quanh năm gối vụ. Chen giữa cánh đồng có mấy ngọn đồi Gôi, Tiên Hương, gọi là “núi”. Những con sông máng chảy chậm chạp. Đói nghèo, có lẽ là một cái cớ để người ta trọng sự học và tin vào cõi siêu nhiên. Có lẽ Vụ Bản đứng đầu tỉnh về số các vị khoa bảng và về lượng đình, đền chùa cổ kính. Ấy là ngày xưa. Còn bây giờ, riêng một xã Liên Minh, xưa gọi tổng Hào Kiệt, đã sản sinh ra các nhà văn Vũ Cao, Vũ Tú Nam, nhạc sĩ Văn Ký, Văn Cao… , hàng chục hội viên các hội văn học nghệ thuật.

Xửa xừa xưa, thời vua Hùng, Vụ Bản là huyện Bình Chương, sang thời Lý Trần thành huyện Hiển Khánh. Có câu “Côi sơn hải khẩu”, tức núi Côi (Gôi) hồi đó đã là cửa biển, trong lòng đất hiện thời còn nhiều vỏ hào, trai. Xa xa, giữa sóng mặn nhô lên một vùng phù sa, càng ngày càng dầy dần lên. Khi cồn đất ấy nhập hẳn vào đất liền, đã có người ra khẩn hoang, người ta gọi luôn tên nó là Kẻ Dầy.

Ngày nay, có thể tưởng tượng ra sự hình thành lâu dài và thú vị này khi ra cửa Ba Lạt đằng Giao Thủy, nơi sông Hồng đổ ra biển. Cách độ nửa tiếng chèo thuyền tay, ta sang đến cồn Xanh, nơi đã được trồng phi lao chi chít. Xa hơn, thẳm trong tầm nhìn là cồn Mờ, cư dân nông nghiệp chưa kiếm lợi nhờ được chút nào.

Thiên Bản – tên cũ của Vụ Bản – có sáu nhân vật lạ lùng, gọi “Thiên Bản lục kì”. Đó là Tam Danh (còn gọi Tam Ranh hay Tam Bành) đại tướng cô hồn Sừng Sỏ Sắt ở làng Bảo Ngũ, xã Quang Trung ngày nay, Cường Bạo đại vương ở làng Bối La, xã Cộng Hòa, trạng Lường Lương Thế Vinh ở làng Cao Hương, xã Liên Bảo, bà chúa Thông Khê Trịnh thái phi Trần Thị Ngọc Đài ở làng Thông Khê, xã Cộng Hòa, quận công Ngô Đình Điền ở làng Bảo Ngũ, xã Trung Thành, và Bà Chúa Liễu Hạnh. “Thiên Bản lục kì” người thì giỏi giang thông minh, làm nên việc lớn cho đời, người có phép lạ tung hoành khắp đó đây.

Hơn người thì lạ, đã đành, họ lại chả giống mấy với những thành hoàng kì nhân hằng được thờ phụng trong thiên hạ. Mang những đặc tính của người bình thường, họ hiển thánh với đầy đủ “ưu khuyết điểm”, vừa lớn lao, bao dung, vừa tị hiềm chấp nhặt. Cường Bạo đại vương thương mẹ rất mực, nhưng đi ăn cắp nuôi bà, sau này “quên” cả cúng giỗ gia tiên lẫn bố mẹ. Thánh Tam Bành trừng phạt các thành hoàng có lỗi (thành hoàng mà cũng có lỗi!) quá tay khiến các vị kêu cứu lên thiên đình, rồi Phật Tổ Như Lai và Quỷ Cốc tiên sinh phải ra tay kiềm chế. Còn Bà Chúa Liễu Hạnh ra oai với tất thẩy, cả những ai không biết đến danh tiếng của mình, để muôn chúng sinh phải nể sợ mới thôi.

Chừng như là, có một chút cái “máu” của những kì nhân ấy, Trần Huy Liệu phải vào người cái tính độc lập, bướng bỉnh không chịu khép mình vào những trật tự, khuôn khổ bình thường một khi ông không thấy nó là hợp nhẽ. Nhưng đó là chuyện mãi sau này…

Ông sinh ở thôn Vân Cát, xã Kim Thái, không trù phú bằng Liên Bảo, Liên Minh trong nghiệp “trồng” nhân tài, nhưng lại là quê Bà Chúa Liễu Hạnh, một trong Tứ Bất Tử của thần thoại Việt.

Làng Vân Cát giáng sinh thần nữ

Cõi trời Nam bất tử hòa thân

Vốn xưa Đệ nhị cung tiên

Phong lưu công chúa ở trên thiên đình

(Văn chầu Thánh Mẫu)

Bà chúa nguyên là Đệ nhị tiên chúa Quỳnh Nương trên trời, làm vỡ chén ngọc nên bị giáng xuống trần làm con gái họ Lê ở Vân Cát. Lớn lên tài sắc vẹn toàn, ham thích bút nghiên, nàng lấy người họ Đào bên Tiên Hương, đã đẻ con, sống với nhau rất tương hợp. Hết hạn lưu đầy, nàng về trời nhưng vẫn thương nhớ trần gian, lại xin cho xuống, bắt đầu một cuộc đời phiêu bồng nghịch ngược. Với phép thuật trong tay, bà phù trợ cho bao kẻ khốn khó, trừng trị loài ác nhân. Cạnh đó, lại là những hành trạng khôn lường: đi mây về gió, hay hiện lên trêu ghẹo khách qua đường trên quãng đèo núi vắng vẻ. Những lúc giận dữ, Bà làm dịch bệnh trâu bò, đốt chợ búa, trang ấp, làm cả một vùng tan hoang. Nhưng nói chung Bà Chúa là vị thần hào phóng.

Từ Tam Điệp trong Ninh Bình ra Tây Hồ ngoài Thăng Long… đều có đền phủ thờ Mẫu Liễu, nhưng không đâu nguy nga bằng hai ngôi ở Vân Cát, Tiên Hương. Những cầu đá, cột đá, ngôi thủy đình thanh thoát bên hồ bán nguyệt kè đá xanh chắc nịch, dập dờn mấy tàu súng. Ngày hội, con công đệ tử từ cả vùng đồng bằng sông Hồng kéo về, tận Tuyên Quang, Thái Nguyên đổ xuống, trong Thanh Nghệ ra. Nườm nượp, vì Bà Chúa rất rộng tay độ trì, từ kẻ khó đến những bà buôn mong một vốn bốn lời. Đó là những ngày vui của cả tổng, cả vùng. Hàng quán lều rạp mọc lên khắp nơi. Những trò đu bay, xóc đĩa, xiên lình, câu chầu văn, ba mươi sáu giá đồng mê mải người xem. Người ăn mày qua mươi ngày hội không lo đói được nửa năm.

Là người làng Bà Chúa, nhưng Liệu sớm không được chòng ghẹo, trêu đùa ai, ngay cả làm nũng mẹ cũng không. Tuổi thơ của cậu chấm dứt từ năm lên sáu để mang sứ mạng Báo Thư Cừu, tức là trả mối hận đèn sách cho cha và anh. Trọ học ở Hạnh Lâm, Công Luận, dù nhọc nhằn với Tam Tự Kinh, Liệu vẫn được phép thảng hoặc chơi trận giả bằng gươm giáo gỗ bên chiếc lò gạch. Nhưng ông đồ Trần Huy Trình muốn con sớm hay chữ, sau đó đã bắt học tắt ngay những Đại học, Ngũ kinh, Tứ thư và Bắc Sử. Sớm xa rời những nghịch ngợm hồn nhiên, Liệu phải sống theo kiểu con cháu Thánh Hiền. Năm mười lăm tuổi, cảnh nhà bí quẫn, cậu bắt đầu bán chữ, nghĩa là dạy chữ Nho cho bạn cùng trang lứa, thậm chí “gà bài” cho mấy hương sinh lớn tuổi còn theo nghiệp lều chõng.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x