
Côn Lôn Sử Lược – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
PHẦN THỨ II : QUẦN ĐẢO CÔN-LÔN TRƯỚC NGÀY TRANH CHẤP GIỮA HAI CÔNG TY CÓ MẶT TẠI ẤN-ĐỘ LÀ : ĐÔNG-ẤN CÔNG TY THUỘC PHÁP VÀ ĐÔNG-ẤN CÔNG TY THUỘC ANH
Từ lâu đời rồi, quần đảo Côn-Lôn đã được người Mã-Lai đến viếng theo đường biển. Bằng chứng là cái tên Poulo-Condor do tiếng Mã Lai : Pulao Kundur mà ra. Poulo hay Pulao có nghĩa là : cù-lao. Như ta đã thấy trên địa đồ miền Đông Nam Á thuộc vịnh Thái-Lan và Nam-Hải có nhiều hòn đảo có cái tên khởi sự bằng chữ Poulo : Như Poulo Pénang, Poulo Obi, Poulo Cévir de terre, Poulo Cécir de mer, v.v… Kundur có nghĩa là bầu, bí (courges).
Theo tiếng Mã-Lai thì Pulao Kundur có nghĩa là Đảo bầu, Đảo bí (Ile des courges).
Nhưng có lẽ vì quần đảo này ở quá xa bán đảo Mã-Lai vả lại đất không rộng, không có hoa lợi gì đáng kể cho nên người Mã-Lai không có ý định sinh cơ lập nghiệp nơi đó.
Giống người thứ nhì được biết quần đảo Côn-Lôn là người Trung-Hoa và cái tên Côn-Lôn đã được họ tặng cho quần đảo ấy, nhất là Hòn đảo chính (đảo Côn-Lôn hay là Côn-Lôn với một diện tích là 5,152 mẫu tây). Trong thời kỳ ấy, quần đảo nói trên đã được bọn hải khấu (bọn giặc, bọn ăn cướp biển, bọn giặc Tàu Ô) toàn là người Trung-Hoa, phần đông là người ở đảo Hải-Nam (Hai-Nan) chọn làm sào huyệt.
Giống người thứ ba đã đến viếng và sau này chiếm luôn quần đảo là người Cao-Miên (Cambodge) là vì quần đảo này ở trong hải phận xứ Cựu Champa bị người Cao-Miên chiếm và gọi là Thủy Chân-Lạp (người Pháp gọi là Cochinchine do danh từ Cựu Champa hay Cựu Chiêm-Thành đọc trại).
Sau này Miên-hoàng nhường xứ Cựu Champa hay là Thủy Chân-Lạp lại cho Chúa Nguyễn thì người Việt-Nam mới chính thức ra chiếm quần đảo ấy.
Người Thái Tây trước nhất đã được biết đảo này vào năm 1294 là Marco Polo, người Ý sinh trưởng tại thành Venise.
Trước đó 25 năm Marco Polo và người chú ruột là Mateo Polo đồng vượt Địa Trung Hải sang miền Cận Đông (Asie Mineure) và từ đó do đường bộ đến kinh thành Bắc-Kinh thời bấy giờ được gọi là Cambalúc. Lúc đó toàn thể nước Tàu đều bị Nhà Nguyên (Mông-Cổ) chiếm trị. Nguyên chúa lúc bấy giờ là Thành-Tổ Hốt-Tất-Liệt (Khoubilai Khan). Marco Polo có tài, được Nguyên Thành-Tổ trọng dụng và phong quan tước cho. Nhưng dù cùng được sống ở nước người, Marco Polo và chú là Mateo Polo sau một thời gian đâm ra nhớ quê cha đất tổ quá lẽ. Nhiều lần hai chú cháu đã bạo dạn xin cùng Nguyên chúa được hồi hương thì mỗi lần đều thấy Nguyên chúa không vui. Công việc mưu tính lại phải đình chỉ. Mãi đến năm thứ 25, hai chú cháu lại đánh liều thiết tha khẩn cầu một lần chót.
Thấy chí hai vị đã quyết, Nguyên chúa biết không thể cầm giữ được, bèn phê cho, nhưng với điều kiện là Marco Polo, một quan to trong Nguyên Triều, sẽ làm đầu phái đoàn hộ tống. Nguyên công chúa Cogatra vâng lệnh vua cha sang kết duyên với vua xứ Ba Tư (Perse), sau khi có sớ và lễ cầu hôn của vua nước này. Phái đoàn gồm 4000 người đi trên 14 chiếc chiến thuyền to (thuyền buồm). Sau khi đã vượt biển ra khơi, đạo chiến thuyền đã đến viếng quần đảo Nhựt-Bổn mà thời ấy ông Marco Polo gọi là nước Zipangu. Rời khỏi hải phận xứ Zipangu, đạo chiến thuyền đã lần theo duyên hải Trung Hoa mà tiến xuống miền Nam.
Theo lời ông Marco Polo thuật lại thì đạo chiến thuyền ấy đã đi ngang qua hải phận xứ Ciampa (xứ Champa gồm miền Nam Trung-Việt và Việt-Nam bấy giờ) và có ghé viếng xứ ấy. Sau đó đạo chiến thuyền đi lần xuống phía Nam và đi ngang qua quần đảo Côn-Lôn. Nơi đây đạo chiến thuyền bị một trận bão dữ dội làm đắm mất tám chiếc. Nhưng may thay Nguyên công-chúa và hai chú cháu Marco Polo và Mateo Polo không hề gì. Để kỷ niệm việc không may xẩy ra cho phái đoàn, ông Marco Polo bèn tặng cho Côn-đảo cái tên là « Son dur » có ý nhắc lại rằng khi đạo chiến thuyền đi ngang qua đó, bão tố rất dữ dội, tiếng gió hút, tiếng sóng đập vào ghềnh, tiếng sấm sét át lấn tiếng người, làm điếc tai nhức óc.
Trận bão qua rồi, các chiến thuyền còn lại mới đến Tân-Gia-Ba, vượt eo biển Malacca (Mã-Lai) vào Ấn-Độ-Dương và sau cùng đến hải phận xứ Ba-Tư. Sau khi đã đại diện Nguyên-chúa dự lễ thành hôn của vua xứ Ba-Tư và Nguyên công-chúa thì Ông Marco Polo và người chú theo đường bộ xuyên qua miền Cận-Đông rồi đáp thuyền ở Địa-Trung-Hải mà về quê quán là thành Venise. Sau khi về đến nhà, Ông Marco Polo mới viết ra một quyển hành trình nhật ký thuật lại những việc mà ông đã tai nghe mắt thấy. Ông có thuật chuyện khi đi xuyên qua xứ Tây-Tạng giữa miền núi non đầy tuyết, khách lữ hành có thể nghe trên không trung tiếng gọi tên tộc mình. Nếu người khách nói trên, rời bỏ hàng ngũ trong đoàn để đi theo tiếng gọi thì sẽ bị lạc đường và chết mất trong tuyết. Ông lại nói, ở nhiều nơi đất đào lên đốt cháy được (than đá).
Ông cũng nói, ở một nước nọ một vị vua đãi tiệc có đến 2,000 người khách và bát đĩa toàn là ngọc ngà, vàng bạc và ở một thị trấn nọ có đến 500 chiến thuyền to đậu tại bến. Thời buổi ấy quyển sách nói trên đã làm chấn động dư luận toàn thể Âu-Châu. Từ đó sắp sau có những đoàn thám hiểm vượt trùng dương sang Á-Châu để tìm xem những việc ly-kỳ ấy. Người ta kể : đoàn thám hiểm của Vasco de Gama người Bồ-Đào-Nha đã vượt Đại-Tây-Dương qua Hải-vọng-đốc (mũi cực nam của Phi-Châu) và tìm ra eo biển Mozambique giữa Phi-Châu và Mã-Đảo (Madagascar) ; đoàn thám hiểm của Albuquerque, người Bồ-Đào, lại đi xa hơn nữa, vượt qua Ấn-Độ-Dương đánh chiếm bán đảo Malacca và dựng lên thị trấn Goa trên đất Ấn-Độ ; đoàn thám hiểm thứ ba của Magellan, cũng người Bồ-Đào-Nha, vượt qua Đại-Tây-Dương rồi do eo biển lấy tên là Magellan mà vào Thái-Bình-Dương. Đến quần đảo Phi-Luật-Tân thì trong trận giặc chống với thổ dân, ông bị giết. Trước ba đoàn thám hiểm này, vào năm 1492 ông Christophe Colomb (Kha Luân Bố) đã vượt Đại-Tây-Dương tìm đường sang Ấn-Độ bằng cách đi về phía Tây và tìm ra châu Mỹ.
Vào thế kỷ thứ 16, sau khi đã chiếm trị quần đảo Phi-Luật-Tân, đoàn người Tây-Ban-Nha có đến ở tại Côn-đảo một thời gian, nhưng sau rồi lại bỏ mà đi. Năm 1861 khi người Pháp chiếm Côn-đảo thì họ đã tìm thấy những đồng tiền bằng bạc phát hành năm 1521 tại nước Tây Ban Nha trên có tiêu tượng của Hoàng-Đế Charles Quint.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.