Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Cũng trong buổi sáng hôm ấy, bối rối vì quá xúc động, ông Baki-Haji thả bộ đi xem xét cơ ngơi của mình, tức là khu nghĩa trang cổ xưa của làng trong cuộc chiến thần thánh. Được an táng ở đây là một vinh dự không chỉ đối với người làng Duts-Khote mà đối với nhiều người khác quanh vùng.

Những người Chechnya gốc gác ở đây, dù đã chuyển ra vùng bình nguyên sinh sống từ lâu, nhưng theo di chúc vẫn đưa người thân của mình vào vùng núi xa xôi này để chôn cất bên cạnh tổ tiên trong nghĩa trang quê hương. Kể từ ngày ông Baki-Haji thực hiện chuyến hành hương đến thánh địa Mecca, ông là người quản trang chính của nghĩa trang dòng tộc này.

Không có sự đồng ý của ông, không ai có quyền chôn cất trong mảnh đất thiêng liêng của người miền núi này. Đúng ra mà nói, không bao giờ và không có ai bị ông Baki-Haji từ chối cả, và cái thủ tục xin phép ấy chỉ hoàn toàn mang tính hình thức. Tuy nhiên, tất cả mọi phong tục tập quán ở vùng núi luôn được tôn trọng và tuân thủ nghiêm ngặt…

Ra đến rìa làng, ông Baki-Haji đứng lại, nhìn bốn phía, lắng tai nghe ngóng. Sau khi ra tù, thế giới đối với ông trở nên khác hẳn, tinh khôi, thân thuộc. Chưa bao giờ ông được hít thở một cách thoải mái bầu không khí sạch sẽ, tươi mát như những ngày được tự do.

Mùa xuân đến sớm. Ngay từ chiều hôm trước, từ các vùng thấp, một màn sương mù đặc như sữa, ẩm ướt và lạnh lẽo trườn vào, phủ lên lớp tuyết mùa đông đã bị mềm ra trong các thung lũng. Lớp đất đen màu mỡ trong vùng núi Chechnya như tỉnh dậy sau cơn mơ dài, trương nở ra vì hơi ẩm, tê cóng chờ đợi ánh nắng mặt trời, sẵn sàng sản sinh ra cuộc sống mới, thế giới mới rực rỡ sắc màu.

Hầu như không có một ngọn gió, cũng không nhìn thấy gì qua lớp sương mù dày đặc. Chẳng mấy chốc, những ngôi nhà ở rìa làng cũng bị chìm lấp trong màn sương đục như sữa. Đâu đó trong làng, một con bò cái bị đói rống lên, phía trước vọng lại tiếng nước chảy của nguồn nước mạch, róc rách như tiếng chuông rung.

Ông Baki-Haji chậm rãi lấy chiếc gậy chống gạt bùn đất ở đôi ủng ra, cứ như phía trước sẽ là một con đường sạch sẽ, khô ráo, và khi ông định bước tiếp thì một tiếng nổ đơn độc, khô khốc vang lên. Ông linh mục ngẩng đầu lắng nghe, cặp lông mày nhướn lên, mắt mở to, miệng há ra.

Ông cứ đứng im như thế trong một phút. Thế giới như chết lịm đi. Một sự im lặng bao trùm. Ông Baki-Haji nheo nheo mắt, ngậm miệng lại, một cái nhếch mép hay đúng hơn là một nụ cười thoáng hiện lên bên khóe môi.

Tất cả chỉ diễn ra trong tích tắc, sau đó khuôn mặt ông lại có ngay dáng vẻ trang nghiêm bình thường, và ông nói ra thành tiếng “Xin Thượng đế hãy tha tội, xin Thượng đế hãy tha tội”. Ông thò tay vào túi lấy ra chuỗi hạt, rồi vừa lần tràng hạt, vừa đọc kinh cầu nguyện, vừa nặng nhọc bước tiếp.

Một lát, ông nghe sau lưng tiếng cọt kẹt của xe kéo bằng gỗ, ông đứng lại, né sang một bên, nhường đường. Đầu tiên, từ trong màn sương hiện ra hai con chó to, lông lá dính bết, một con trẻ hơn, rụt rè tiến lại gần ông, hít hít.

Sau đó một con ngựa cái ốm nhom xuất hiện, kéo theo chiếc xe một trục cổ lỗ sĩ với hai bánh xe bằng gỗ to tướng nẹp sắt mỏng. Ngồi trên xe điều khiển con ngựa bằng cành cây mềm là một người đàn ông cùng làng tên là Haji Haron.

Sau lưng Haron, chẳng mấy ai gọi anh ta bằng tên thật mà thường gọi là “chồng bà Alpatu”, bởi lẽ ai cũng biết bà Alpatu là một người đàn bà khỏe mạnh, thích quyền hành và điều hành toàn bộ công việc làm ăn của gia đình. Còn Haron là một kẻ ba hoa, nhu nhược, và theo quan niệm của dân miền núi thì còn lâu anh ta mới là đấng quân tử.

— Assalam aleikum, ông Baki-Haji! – Haron ngoác to miệng cười, vui vẻ chào.

— Vo-aleikum salam. – Ông Baki-Haji đáp lại.

— Ông đi đâu sớm thế? Không ngồi yên ở nhà được à? Chắc là đến chỗ cối xay nước của mình phải không? – Haron kéo dây cương dừng con ngựa lại, liến thoắng. – Ông ngồi lên đây, tôi đưa đi.

— Ồ, không, cối xay không sao, tôi ra nghĩa trang, – ông Baki-Haji lạnh nhạt nói.

— Thôi được rồi, ông cứ ngồi lên đây, tôi sẽ chở ông tới chỗ cối xay, từ đó đến nghĩa trang chỉ còn một đoạn.

— Không, không, cám ơn ông, Haron. Tôi muốn đi bộ.

— Thôi, ngồi lên đi, – Haron vẫn không chịu, lôi từ dưới ghế ra chiếc áo lông ngắn đã sờn cũ, định đưa cho linh mục.

— Ông cứ đi đi, đi đi. Tôi không vội, tôi sẽ đến được.

— Không, không, tôi sẽ không đi. Ông cứ leo lên, ngồi vào đây, thế là xong.

Biết có nói nữa cũng vô ích, ông Baki-Haji vụng về leo lên xe. Khi ông chưa kịp ngồi xuống thì chiếc xe đã lăn bánh. Bị mất thăng bằng, ông linh mục bật ngửa ra sau, hai tay bíu chặt vào người Haron, thế là cả hai cùng bám vào nhau trượt ra sau, may mà không rơi xuống đất.

— Đúng là đồ nghẽo già đáng nguyền rủa! – Haron hét lên. – Khi cần đi thì không đi, khi muốn dừng thì phi như nước đại… Đúng là đồ súc vật ngu ngốc…

Haron còn tức giận quất mấy roi nữa vào chiếc mông lép xẹp của con ngựa cái, cái roi nhỏ bằng nhánh cây bị gẫy văng đi mất, trong tay ông ta chỉ còn lại mẩu que cụt. Tuy nhiên, tất cả mọi sự tác động ấy cũng không hề ảnh hưởng tới vận tốc chuyển động của chiếc xe. Khi đó, Haron liền lấy mẩu que chọc chọc vào dưới đuôi ngựa, miệng không ngớt chửi rủa.

Con ngựa cái ép đuôi lại, lắc lắc mông, cố chịu đựng một lúc, nhưng rồi, không chịu nổi nữa, nó vừa đi vừa nhảy chồm chồm, đá hai chân sau lên. Dĩ nhiên con ngựa không thể đá hậu tới chỗ người xà ích, nhưng một cục đất đen văng ngay vào mắt Haron.

— Ôi, đồ súc sinh! – Haron phát điên lên, bật dậy, định đứng thẳng trên xe, đạp cho con ngựa một cú, nhưng ông ta mới chỉ vừa vung tay ra thì con ngựa hoảng sợ tế lên, Haron lại văng ra sau.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x