
CUỘC KHỞI NGHĨA LẬT ĐỔ TRIỀU NGUYÊN – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách CUỘC KHỞI NGHĨA LẬT ĐỔ TRIỀU NGUYÊN của tác giả Nguyễn Duy Chính mời bạn thưởng thức.
SƠ LƯỢC VỀ TRIỀU ĐẠI NGUYÊN –MÔNG
Người Mông Cổ cai trị nước Tàu gần đúng một trăm năm (1271-1368). Trước đó, nhà Tống là một triều đại bị nhiều sử gia coi là hèn yếu nhất trong lịch sử Trung Hoa, tuy có một số thành tựu về văn học và nghệ thuật nhưng luôn luôn bị những tiểu quốc chung quanh uy hiếp, phải triều cống cho lân bang để được yên. Cũng chính triều đại này đã đem quân sang đánh nước ta hai lần nhưng lần nào cũng bị đại bại. Lý Thường Kiệt, danh tướng đời Lý còn đem quân sang tận Ung Châu (1076) rồi lại rút về.
Ngay từ đầu thế kỷ thứ 11, Tống triều hàng năm đã phải “cống” cho nước Liêu mười vạn lượng bạc (100,000) và hai chục vạn (200,000) tấm lụa nhưng kể từ năm 1042 thì tăng lên thành hai mươi vạn (200,000) lượng bạc và ba chục vạn (300,000) cây lụa để họ khỏi đem quân quấy phá biên thùy phía Bắc.
Năm 1126, người Nữ Chân (tức nước Kim) tiến đánh kinh đô Khai Phong, hai cha con vua Huy Tông và hơn 3000 tông thất bị bắt và chín năm sau nhà vua chết trong ngục (1135). Một nửa nước Tàu bị chiếm đóng, nhà Tống phải thiên đô xuống Hàng Châu và triều đình chỉ còn kiểm soát miền nam sông Hoài trở xuống, sử gọi là Nam Tống. Mỗi năm nhà Tống phải “triều cống” một số tiền rất lớn cho người Nữ Chân. Một danh tướng là Nhạc Phi nhiều lần cố đem quân khôi phục lại những đất bị mất vào tay người Kim nhưng không thành công.
Thành thử, trong khoảng một thế kỷ rưỡi, người Trung Hoa hết nhượng bộ cho người Khiết Đan (Liêu) lại triều cống cho người Nữ Chân (Kim) và sau cùng thì bị người Mông Cổ chiếm đóng.
Ngay từ thời thượng cổ, những dân tộc phía bắc đã là một mối đe dọa lớn cho người Trung Hoa. Những bộ lạc phía bắc là giống dân du mục, sống bằng chăn nuôi rất thiện chiến. Mỗi khi đói kém, họ tràn xuống miền nam quấy phá và cướp bóc lương thực. Người du mục sinh sống trên lưng ngựa ngay từ khi còn nhỏ nên khi trưởng thành nam cũng như nữ đều thiện nghệ về cung tên, quen với chém giết vì đó là sinh hoạt gần như tự nhiên để sinh tồn. Không những họ tàn nhẫn với người Tàu ở phương nam mà cũng luôn luôn tranh giành giữa bộ lạc này với bộ lạc khác, đánh lẫn nhau để cướp gia súc, đàn bà, tài vật. Thành thử một khi họ liên kết được với nhau thì trở thành một sức mạnh khủng khiếp.
Sức mạnh chủ yếu của họ trong chiến đấu là sự di động. Ngựa miền mạc bắc tuy nhỏ con nhưng dai sức, chạy rất nhanh[2]. Mỗi chiến sĩ thường đem theo hai ba con ngựa và đi bộ để dưỡng sức, chỉ khi nào tới gần quân địch mới nhảy lên xông thẳng vào trận địa. Vũ khí chính yếu của họ là cung tên, họ có thể vừa phi ngựa vừa bắn cung bách phát bách trúng. Theo sách vở, mỗi kỵ binh Mông Cổ thường mang hai loại cung, một loại bắn gần và một loại để bắn xa (có thể tới 300 mét). Túi đựng của họ mang được đến 60 mũi tên, có loại bắn thủng được áo giáp, có loại khi bắn ra có tiếng rít dùng để truyền tín hiệu. Quân sĩ của họ lại rất có kỷ luật và nhạy bén trong chiến trận. Đời Đường người Khiết Đan thành lập nước Liêu, mặc dù chỉ bao gồm độ mươi bộ tộc, dân số chỉ độ non một triệu nhưng cũng đã khiến cho người Trung Hoa điêu đứng. Cũng ở phía bắc, người Nữ Chân (tức Mãn Châu) tuy luôn luôn bất hòa với người Khiết Đan nhưng lại cũng đe dọa nước Tàu. Người Nữ Chân lại có trình độ kỹ thuật quân sự khá cao, biết sử dụng những loại chiến xa và súng bắn đá nên đã tiến đánh những thành thị của Tống triều ở miền bắc một cách dễ dàng.
Tới cuối thế kỷ thứ 12, khí hậu miền quan ngoại trở nên khắc nghiệt. Nhiều vùng bị hạn hán lâu năm khiến cho các thảo nguyên bị khô cháy, thiếu thực phẩm cho những bầy gia súc. Để sinh tồn họ chỉ còn nước nhòm ngó cái kho thực phẩm ở phương nam và người khai thác được cơ hội là Thành Cát Tư Hãn (Chinggis hay Ghengis Khan 1162-1227) một nhân vật nổi danh trong lịch sử thế giới.
Thành Cát Tư Hãn là một con người khát máu, thích chém giết và chinh phục. Ông ta đã từng tuyên bố rằng “Nỗi vui sướng nhất của con người là đánh bại được kẻ thù, săn đuổi họ, cướp tài vật, chứng kiến thân nhân họ khóc than, cưỡi ngựa của họ và đoạt lấy vợ con họ làm tài sản của mình”[3]. Sau khi thống trị được nhiều bộ lạc gồm nhiều sắc dân khác nhau, Thành Cát Tư Hãn xây dựng một đội quân tinh nhuệ và trở thành một lãnh tụ. Năm 1206, các bộ tộc tôn ông ta lên làm Đại Hãn (Universal Ruler) nghĩa là chúa tể của các bộ lạc khác. Thành Cát Tư Hãn liền tổ chức lại lực lượng, thay vì để cho mỗi bộ lạc theo cơ chế riêng, ông tập trung lại thành một quân đội duy nhất theo hệ thống thập phân, cứ mỗi 1000 kỵ sĩ thành một đơn vị, người chỉ huy được cha truyền con nối và chỉ tuân hành quyền lực duy nhất của Đại Hãn mà thôi.
Ngoài việc khai thác được sở trường của mình là sự di động nhanh và kỹ thuật chiến đấu, Thành Cát Tư Hãn còn thiện nghệ trong việc điều quân, áp dụng được binh pháp một cách tài tình, kể cả ba mặt giáp công, trá bại, trá tẩu và biết liên minh đúng lúc với kẻ thù. Ông ta cũng biết sử dụng nội gián (espionage and intelligence) để thu lượm tin tức trước khi tấn công.
Thành Cát Tư Hãn cũng qui định lại pháp chế, chữ viết và tỏ ra là một người có tài tổ chức, lấy kỷ luật sắt và nghiêm hình để cai trị. Ông tự chỉ huy một đoàn thân binh chừng một vạn người là những binh lính có khả năng nhất tuyển chọn trong các bộ lạc.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.