
Cuộc Thập Tự Chinh Thứ Nhất – Tiếng Gọi Từ Phương Đông – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Cuộc Thập Tự Chinh Thứ Nhất – Tiếng Gọi Từ Phương Đông của tác giả Peter Frankopan mời bạn thưởng thức.
CHƯƠNG 2. SỰ HỒI PHỤC CỦA CONSTANTINOPLE
Constantinople được thiết kế để gợi cảm hứng choáng ngợp. Giống như Cựu La Mã, nó là một thành đô kỳ vĩ. Một vị khách thăm từ phía đất liền đầu tiên sẽ nhìn thấy những bức tường thành khổng lồ và hệ thống cầu máng phục vụ thủy lợi cực lớn mang nước vào trong thành phố. Được bao bọc bởi hệ thống công sự cao tới mười hai mét, những bức tường thành trên bộ này chạy từ tận mũi Sừng Vàng tới biển Marmara(*). Được Hoàng đế Theodosios(*) xây lại vào thế kỷ năm, chúng được thiết kế để cản bước ngay cả những kẻ thù quyết tâm nhất. Dày tới năm mét, các bức tường được bảo vệ bởi chín mươi sáu tòa tháp, từ đó có thể theo dõi được những ai tới gần thành phố từ hướng tây và hướng bắc. Việc ra vào được kiểm soát ở chín cánh cổng canh gác cẩn mật, nhưng những cánh cổng đó mới là đi qua vòng tường bên ngoài. Vị du khách sau đó còn phải băng qua một hào nước sâu và đi qua một vòng tường nữa trước khi tới được những con đường chính dẫn vào trung tâm thành phố.
Lối vào bằng đường biển còn ngoạn mục hơn thế. Constantinople nằm ở bờ bắc biển Marmara ở điểm hẹp nhất chia tách châu Âu và vùng Tiểu Á. Những tượng đài, nhà thờ và cung điện của thành phố, nhìn từ boong tàu, tạo ấn tượng đầu tiên choáng ngợp. Kinh đô trải dài hút tầm mắt, rộng 30.000 héc-ta. Dân số ở đó, lên tới hàng trăm nghìn người, lớn hơn khoảng gấp mười lần so với các đô thị lớn nhất ở châu Âu cùng thời.
Những tòa nhà chính của Constantinople cũng thật kỳ vĩ. Hoành tráng nhất là nhà thờ lộng lẫy Hagia Sophia, do Hoàng đế Justinian(*) xây dựng vào thế kỷ sáu. Mái vòm treo khổng lồ của nhà thờ, rộng hơn ba mươi mét và cao năm mươi lăm mét, có vẻ lơ lửng trên không trung như ‘một căn lều của thiên đường’. Nó là một kỳ công của nghề xây dựng và vẻ đẹp của nhà thờ thực sự lộng lẫy. Những tranh khảm tường dát vàng lấp lánh, phản chiếu ánh sáng đi xuyên qua những cửa sổ1. Nhưng khắp Constantinople còn rất nhiều công trình ấn tượng xuất sắc khác: hàng trăm nhà thờ và tu viện, một hí trường khổng lồ để đua ngựa và xe ngựa, những nhà tắm công cộng, Cung Điện Lớn và thậm chí cả một sở thú. Một bài thơ tụng ca viết rằng một thời từng có Bảy Kỳ Quan trên thế giới, còn ngày nay có Bảy Kỳ Quan ở Constantinople2.
Một thành phố nhộn nhịp như vậy cần được cung ứng đầy đủ. Các khu chợ được cai quản và giám sát qua văn phòng của vị tổng trấn Constantinople, những quan chức của văn phòng này đảm bảo rằng cân nặng được tiêu chuẩn hóa và duy trì sự kiểm soát để đảm bảo các sản phẩm bán ra đồng nhất về chất lượng. Chất lượng còn được đảm bảo qua một hệ thống phường hội: những người bán tạp hóa và bán cá, thịt và thiết bị cho tàu thuyền, thợ làm thừng và yên ngựa, tất cả đều có quy tắc và tiêu chuẩn hành nghề liên quan tới việc họ được phép bán những gì, và bán ở đâu. Thậm chí còn có cả hướng dẫn về việc định giá, ít ra là với nhu yếu phẩm cơ bản như trái cây và rau củ, sản phẩm từ sữa, thịt và cá, cùng các hàng hóa lạ lùng hơn như gia vị, sáp ong, đồ bạc và lụa – thứ hàng hóa nổi tiếng nhất của Byzantium3.
Một du khách thế kỷ mười một trầm trồ trước dân chúng quốc tế hóa của thành phố và sự huy hoàng của kiến trúc ở đó, đồng thời ghi lại những đám rước tôn giáo kỳ diệu diễn ra khắp kinh đô. Ông đã may mắn được chứng kiến phép lạ từ tượng Đức Mẹ Đồng Trinh trong nhà thờ Theotokos ở Blakhernai, nơi mạng che mặt Đức Mẹ được kéo lên từ từ để lộ khuôn mặt bà, rồi được kéo xuống trở lại4. Một du khách khác vào cuối thế kỷ mười một cũng không kềm được sự ngưỡng mộ: ‘Ôi, Constantinople mới cao quý và đẹp đẽ làm sao! Không biết bao nhiêu là tu viện và cung điện trong đó, xây nên bằng kỹ thuật tuyệt diệu! Không biết bao nhiêu là thứ tuyệt vời mà ta có thể nhìn ngắm từ những đại lộ chính và thậm chí là cả từ những con đường nhỏ hơn! Sẽ nhọc nhằn tới đâu nếu ta ngồi đếm sự giàu có vô biên ở đó, những thứ bằng vàng, bằng bạc, bằng lụa là đủ kiểu, và biết bao nhiêu thánh tích. Những thương nhân liên tục mang tới thành phố qua những chuyến hành trình thường xuyên của họ đủ thứ cần thiết cho con người. Tôi ước tính có khoảng 20.000 thái giám sống thường trực ở đây’5.
Thành phố từ lâu đã là một thỏi nam châm với giới thương nhân và những kẻ phiêu lưu muốn tìm kiếm danh vọng và của cải. Có rất nhiều người như Bolli Bollason, người đã tới Constantinople từ tận Iceland vào những năm 1020, để tự mình nhìn thấy và trải nghiệm kinh đô. ‘Tôi đã luôn muốn một ngày được đi về những vùng đất phương Nam’, ông nói với những người đồng bạn, ‘bởi một người sẽ bị cho là vô tri nếu anh ta không bao giờ rời đất nước nơi anh ta sinh ra’6. Và ông đã tới tận Constantinople, cách nơi ông sinh ra nhiều nghìn dặm đường. Khi tới Byzantium, Bolli gia nhập đội ngự lâm Varangian, một đội quân lính đánh thuê gồm người Scandinavia, Nga, và tới thế kỷ mười một, người quần đảo Anh, những người hình thành nên đội cấm vệ quân của Hoàng đế. ‘Họ chiến đấu như những kẻ điên, trong cơn cuồng nộ như lửa cháy’, một tác giả thế kỷ mười một viết, họ không tiếc gì mạng sống và không để tâm tới những vết thương’7. Khi Bolli rốt cuộc trở về Iceland, ông tái ngộ quê nhà thật ấn tượng: ‘Ông mang trên người bộ quần áo lông thú mà vua Garth [Hoàng đế Byzantium] đã ban tặng cho ông, và phủ bên ngoài tấm áo choàng màu huyết dụ; và ông có bên mình [một thanh gươm tuyệt diệu], cán gươm bằng vàng lấp lánh, và tay nắm cũng dát vàng; ông đội một chiếc mũ mạ vàng, và mang bên mình chiếc khiên màu đỏ, với hình một hiệp sĩ mạ vàng trên đó.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.