
Đại Tướng Võ Nguyên Giáp Chiến Thắng Bằng Mọi Giá – Thiên Tài Quân Sự Việt Nam – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Đại Tướng Võ Nguyên Giáp Chiến Thắng Bằng Mọi Giá – Thiên Tài Quân Sự Việt Nam của tác giả Cecil B. Currey mời bạn thưởng thức.
“Chúng tôi không biết phải đấu tranh như thế nào?”
Trong khi chàng trai trẻ Võ Nguyên Giáp đang băn khoăn tự hỏi có nên gia nhập Tân Việt hay không, thì những thay đổi lớn lao đang diễn ra trên khắp thế giới, làm đảo lộn cuộc đời ông trong nhiều thập kỷ tiếp theo. Kỷ nguyên của chủ nghĩa thực dân đã gần đến ngày tận số.
Các quốc gia châu Âu đã kiểm soát từng vùng rộng lớn của châu Á và châu Phi. Đến thập kỷ thứ hai của thế kỷ 20, cơ cấu hệ thống thuộc địa đó đã có những dấu hiệu suy yếu. Hàng triệu người Nhật quyết tâm xây dựng một xã hội hiện đại đã tận dụng thắng lợi trong cuộc chiến tranh Nga – Nhật (1904 – 1905) và đế quốc Nga đang bắt đầu lùi bước. Chẳng bao lâu cuộc cách mạng Nga lật đổ chế độ Sa hoàng và thành lập chính phủ mới do Vladimir Ulanov, được biết đến dưới tên Nikolai Lenin, đứng đầu. Phong trào cách mạng lan sang cả đất nước Trung Hoa rộng lớn. Năm 1911, Tôn Dật Tiên rời khỏi cuộc sống lưu vong ở Hawaii trở về nước, đem theo ý tưởng cách mạng.
Cuộc đại chiến thế giới (1914 – 1918) khiến các nước châu Âu suy yếu dần về mặt kinh tế và xã hội, đã vẽ lại bản đồ chính trị của châu lục. Ba Lan, Tiệp Khắc, Nam Tư và các nước Bắc Âu trên bờ biển Baltic cùng Phần Lan đã giành lại độc lập sau hàng thế kỷ bị nước ngoài đô hộ. Rất nhiều người dân các nước thuộc địa ở Á Đông và châu Phi tự hỏi: Tại sao chúng ta không thể giành được độc lập như nhiều nước châu Âu bị lệ thuộc? Có lẽ đây là lần đầu tiên họ bắt đầu ý thức rằng những người chủ của họ không phải là không thể đánh bại và họ bắt đầu ước mơ về tương lai đất nước không còn ách nô lệ nước ngoài.
Mối đe dọa tiềm tàng đối với hệ thống thuộc địa trở nên trầm trọng hơn vào năm 1919 khi Lenin thành lập Quốc tế Cộng sản thứ III (Comintern). Không dừng lại trước tình trạng hỗn loạn của xã hội nước Nga sau khi lật đổ chế độ Sa hoàng cũng như trước thắng lợi của cách mạng vô sản chưa thật bảo đảm chắc chắn, Lenin đã chuyên tâm vào việc lật đổ chủ nghĩa tư bản trên phạm vi toàn thế giới cũng như tại các quốc gia ủng hộ chủ nghĩa tư bản. Vào cuối những năm 1920, những phái viên của Quốc tế Cộng sản (trong số đó có một chàng trai An Nam sau này rất nổi tiếng là Hồ Chí Minh, lúc ấy có tên là Nguyễn Ái Quốc) hoạt động lặng lẽ trong vòng bí mật, tuyên truyền giác ngộ nhân dân các nước thuộc địa cũng như các nước khác trên thế giới, cổ vũ họ nổi dậy chống lại chính quyền. Khi các dân tộc này chỉ mới đòi hỏi cải thiện chút ít điều kiện sống của họ thì người Hà Lan, người Pháp và người Anh đã phản ứng mạnh mẽ, ra sức tăng cường bộ máy đàn áp của họ ở các nước thuộc địa, những sợi dây đơn giản trói buộc dân bản xứ trở thành những đai thép để duy trì sự thống trị thuộc địa.
Ở An Nam, vua Khải Định mất ở tuổi 43 vào tháng 11/1925, chính là năm Võ Nguyên Giáp vào học Trường Quốc học. Rất nhiều người Việt Nam lên tiếng nhưng không phải đòi giành độc lập mà chỉ là yêu cầu cải thiện điều kiện kinh tế và thực hiện các điều khoản về chính trị đã được thừa nhận trong hiệp ước Harmand năm 1883. Người Pháp chọn thời điểm này để xiết chặt sự kiểm soát của mình với triều đình Huế. Họ muốn người thay thế Khải Định phải là Hoàng tử Bảo Đại, khi đó mới 12 tuổi và đang học ở Paris. Trong khi chờ đợi vị vua trẻ đủ tuổi trưởng thành để trị vì thì người Pháp sẽ cai trị đất nước dưới danh nghĩa nhà vua. Trong thời kỳ đó, viên Khâm sứ Pháp tại Huế ngạo mạn nắm trong tay những quyền lực cuối cùng còn sót lại của triều Huế, và phủ Khâm sứ đã sắp xếp để Bảo Đại tiếp tục học ở Paris 7 năm nữa.
Những hành động đó làm gia tăng mạnh mẽ tinh thần bài Pháp của người Việt Nam. Cuộc đại khủng hoảng kinh tế năm 1929 làm giá gạo – một nguồn lợi kinh tế quan trọng ở Nam Kỳ – sụt ghê gớm. Khó khăn và nghèo đói gia tăng. Những người Việt Nam, kể cả người theo chủ nghĩa quốc gia và người theo chủ nghĩa cộng sản, đã từng biết đến những hoạt động cách mạng của Tôn Dật Tiên và Mao Trạch Đông tại Trung Quốc và cũng phải đối mặt với những vấn đề của đại khủng hoảng kinh tế thế giới, bắt đầu tự tổ chức nhau lại.
Những người theo chủ nghĩa dân tộc lập ra các nhóm nhỏ tập hợp những trí thức đã hoàn toàn mất niềm tin, chỉ biết bàn tán mãi không ngừng về thời thế. Những người theo chủ nghĩa cộng sản hoạt động có nguyên tắc và xây dựng được nền tảng vững chắc hơn, họ tìm đến lực lượng to lớn hơn đó là những người nông dân không có ruộng đất và những phu đồn điền cao su, hầm mỏ.
Điều kiện làm việc trong các đồn điền cao su chính là minh họa cho sự bóc lột dã man mà hàng triệu người Việt Nam phải chịu đựng dưới sự cai trị của các chủ đồn điền người Pháp. Phu đồn điền làm việc đến kiệt sức từ trước khi mặt trời mọc cho đến khi tối mịt trong các khu rừng mà không khí như đặc quánh lại cùng với hơi nóng. Bữa trưa của họ là chiếc cặp lồng dính cơm. Nước uống và nước họ dùng để nấu ăn lấy từ những con suối nước lợ, nhiễm khuẩn, đầy muỗi bọ. Bất kể lúc nào, ngày hay đêm họ cũng có thể bị đánh bởi tính khí thất thường của những cai phu – thường là người Việt Nam phục dịch cho Pháp.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.