
Dẫn Luận Về Foucault – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Dẫn Luận Về Foucault của tác giả Gary Gutting mời bạn thưởng thức.
Văn chương
Tôi đã mơ là Blanchot.
Chúng ta đã thấy Foucault muốn viết sách Chan để thoát khỏi bất kỳ nhân dạng cố định nào, để liên tục trở thành một người khác, qua đó không bao giờ thật sự là ai cả. Cuối cùng, chúng ta sẽ phải hỏi tại sao ông tìm kiếm một điều như thế, nhưng bây giờ, hãy cố gắng hiểu rõ hơn công cuộc ấy.
Một độc giả hoài nghi có thể cho rằng nỗ lực của Foucault dùng viết lách để trốn tránh nhân dạng là một công cuộc bất khả thi, bởi chính bằng cách chọn sự nghiệp viết, ông đã có một nhân dạng khá dứt khoát và riêng biệt: nhân dạng của một tác giả. Quả thật, chẳng phải Michel Foucault đã và vẫn là một tác giả nổi tiếng và quan trọng? Chẳng phải đây là nhân dạng của ông?
Phản ứng của Foucault với sự phản bác này sẽ là tiêu đề cho một trong những tiểu luận được biết tới nhiều nhất của ông: “Thế nào là một tác giả?” (What Is an Author?). Là một tác giả có phải là vấn đề có một nhân dạng (một bản chất, tính tình, nhân cách nhất định), thí dụ như một người hùng, một kẻ dối trá, hoặc một người tình? Việc viết có khiến tôi thành một kiểu người nhất định không?
Hãy khởi đầu với định nghĩa theo lẽ thường về một tác giả: một người viết sách. Hoặc, chính xác hơn một chút, vì tác giả có thể chỉ viết thơ hoặc tiểu luận và chúng có thể không bao giờ được tập hợp vào một cuốn sách, nên hãy nói rằng tác giả là người viết một bản văn. Nhưng chúng ta lập tức thấy rằng điều này cũng không đúng hoàn toàn. Một bản văn là bất cứ thứ gì được viết ra, gồm cả danh sách mua hàng, những ghi chép được truyền tay trong lớp, những email gửi tới công ty điện thoại liên quan đến các hóa đơn. Chúng ta đều đã viết những thứ như vậy, nhưng chúng không làm chúng ta thành tác giả. Theo gợi ý của Foucault, ngay cả nếu nhắm đến việc thu thập “mọi thứ” của một tác giả lớn như Nietzsche, chúng ta cũng không bao gồm các bản văn này. Chỉ những loại bản văn nhất định mới được tính là “tác phẩm” của một tác giả.
Định nghĩa của chúng ta còn một chỗ yếu khác. Một người có thể thật sự viết ra một bản văn, thậm chí một bản văn “đúng loại”, vẫn không phải là tác giả của nó. Điều này là hiển nhiên khi bản văn được đọc cho một thư ký viết, nhưng nó cũng đúng đối với những trường hợp khác ở mức độ phức tạp hơn: ví dụ, khi một ngôi sao điện ảnh viết một tự truyện “với sự trợ giúp của” hoặc “kể cho” ai đó; hoặc khi một chính trị gia “viết” một bài báo hoặc thực hiện một diễn văn do một đội trợ lý soạn thảo; hoặc khi một nhà khoa học là “tác giả thứ nhất” của một báo cáo đến từ phòng thí nghiệm của ông ta, nhưng thực tế bản thân ông ta không viết lấy một từ. Những trường hợp ấy cho thấy rõ rằng tác giả không chỉ là vấn đề “căn nguyên” (người tạo ra) theo nghĩa đen của một kiểu bản văn nhất định, theo định nghĩa đơn giản của chúng ta. Đúng hơn, tác giả được xem là người chịu trách nhiệm của bản văn. Như Foucault lưu ý, những văn hóa khác nhau có những chuẩn mực khác nhau để gán một trách nhiệm như vậy. Chẳng hạn, ở thế giới cổ đại, mọi bản văn y khoa được chấp nhận là có một mức độ đáng tin cậy nhất định đều được định danh là công trình của một tác giả kinh điển như Hippocrates. Mặt khác, đã có những thời kỳ mà tư liệu văn học (như thơ và truyện) được lưu truyền nặc danh, không được xem là những tác phẩm mà chúng ta gán cho một tác giả (tương tự như chuyện đùa trong văn hóa của chúng ta).
Từ cả hai loại suy xét này về những loại bản văn có thể có một tác giả và về loại trách nhiệm cho một bản văn khiến ai đó thành tác giả của nó – Foucault kết luận rằng xét chặt chẽ, chúng ta không nên nói về “tác giả” mà về “chức năng tác giả”. Là một tác giả không đơn thuần là có mối liên hệ thực tiễn nhất định với một bản văn (ví dụ, đã tình cờ tạo ra nó); đúng hơn, đó là việc đáp ứng một vai trò được định nghĩa về mặt xã hội và văn hóa liên quan đến bản văn. Nghề viết là một tạo lập xã hội, không phải một tạo lập tự nhiên, và nó sẽ thay đổi qua các nền văn hóa và qua thời gian.
Foucault khẳng định thêm rằng chức năng tác giả trong một bản văn nhất định không tương ứng với cái tôi (con người) đơn lẻ là tác giả của bản văn ấy. Đối với bất kỳ tác phẩm “có tác giả” nào cũng có nhiều cái tôi đáp ứng chức năng tác giả. Chẳng hạn, trong một tiểu thuyết kể ở ngôi thứ nhất, cái “tôi” kể chuyện khác với người viết ra các từ mà cái “tôi” trình bày, nhưng cả hai đều có quyền như nhau trong việc là “tác giả”. Ví dụ cổ điển là À la recherche du temps perdu (Đi tìm thời gian đã mất) của Proust, với sự ảnh hưởng qua lại phức tạp giữa Marcel, “giọng kể chuyện”, và “bản thân” Proust. Foucault thấy tính đa dạng tương tự ở một khảo luận toán học, trong đó chúng ta phải phân biệt cái “tôi” của lời nói đầu, người cám ơn chồng vì sự hỗ trợ của ông ấy, và cái “tôi” chứng minh định lý của nội dung chính, người viết “tôi cho rằng” hoặc “tôi kết luận”. Dĩ nhiên, có một tác giả đơn nhất theo ý nghĩa hiển nhiên là người đã viết ra những ngôn từ của tác phẩm. Nhưng, như một tác giả, con người này nhận lấy nhiều vai trò khác nhau, tương ứng với một sự đa dạng cái tôi: “chức năng tác giả vận hành nhằm gây ra sự phân tán của những… cái tôi đồng thời” (“Thế nào là một tác giả?”, EW I, 216).
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.