Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Từ chấn thương đến huyễn tưởng

Thời gian Freud lưu lại ngắn ngủi ở Paris trong mùa đông 1885-1886 đã có một tác động sâu xa tới tư duy của ông. Trong một vài năm, Charcot đã nghiên cứu về thôi miên với mục đích khám phá một kỹ thuật chẩn đoán, giúp phân biệt giữa những tê liệt do bệnh thực thể của hệ thần kinh trung ương và những tê liệt của chứng rối loạn phân ly, nghĩa là những gì có nguồn gốc “loạn thần kinh chức năng”. Charcot cho Freud thấy rằng tư tưởng dù vô hình nhưng lại có thể là những tác nhân gây bệnh trong chứng nhiễu tâm. Khi một bệnh nhân hình thành sự tê liệt của chứng rối loạn phân ly, biểu hiện của sự tê liệt không phải được quyết định bởi những sự thật về cơ thể học, mà bởi tư tưởng sai lầm của bệnh nhân về cơ thể học. Thay vì hình thành một loại liệt có thể được giải thích bởi một thương tổn ở dây thần kinh ngoại vi cụ thể nào đó, người ấy lại biểu lộ một loại liệt chi, tương ứng với ý tưởng của người ấy về việc chân hoặc tay mình bắt đầu và kết thúc ở đâu. Charcot đã chứng minh rằng những loại liệt ấy có thể chữa được, và có thể nhất thời phục hồi tình trạng liệt thông qua thôi miên.

Freud học được từ Charcot rằng để hiểu chứng rối loạn phân ly, phải hướng đến tâm lý học thay vì thần kinh học. Những bệnh nhân sau khi ra khỏi các trạng thái thôi miên đều không thể nhớ lại những điều đã được gợi ra trong tâm trí họ khi họ bị thôi miên, bởi vậy các thí nghiệm thôi miên cũng dạy cho Freud rằng những diễn biến vô thức trong tâm trí có thể có một tác động lớn lên hành vi.

Do vậy, Freud đã sử dụng thôi miên trong điều trị chứng nhiễu tâm, và tiếp tục làm vậy cho mãi đến năm 1896. Nhưng ông không sử dụng thôi miên chỉ như một phương tiện để khắc sâu vào tâm trí bệnh nhân những gợi ý về sức khỏe tích cực. Một khía cạnh thứ hai và quan trọng hơn bắt nguồn từ những quan sát của người bạn và là đồng nghiệp của Freud, Josef Breuer. Khi dùng thôi miên để điều trị bệnh nhân nổi tiếng của mình, Anna O. (tức Bertha Pappenheim), Breuer phát hiện thấy nếu cô có thể nhớ được khoảnh khắc đầu tiên khi một triệu chứng rối loạn phân ly cụ thể xuất hiện, triệu chứng sẽ biến mất. Breuer gọi phương pháp điều trị này là “sự thanh tẩy” (catharsis). Vì vậy, thôi miên đã được sử dụng như một phương pháp giúp bệnh nhân nhớ được những nguồn gốc bị quên mất của các triệu chứng cụ thể. Thay vì được sử dụng như một tấn công trực tiếp vào triệu chứng thông qua công cụ ám thị, nó trở thành một phương pháp khám phá.

Freud và Breuer đã hy vọng những triệu chứng nhiễu tâm có thể được triệt tiêu bằng phương thức khó nhọc nhưng về cơ bản lại đơn giản này. Trong công trình đầu tiên của hai người đăng trên Những nghiên cứu về chứng rối loạn phân ly, họ viết:

Thoạt đầu, chúng tôi đã hết sức ngạc nhiên khi phát hiện ra, nếu có thể làm sáng tỏ sự kiện đã kích động một triệu chứng rối loạn phân ly cụ thể, nếu có thể khuấy động xúc cảm đi liền với nó, và nếu bệnh nhân đã mô tả sự kiện ấy càng chi tiết càng tốt cũng như đã diễn đạt xúc cảm thành lời, triệu chứng rối loạn phân ly đó biến mất ngay lập tức và mãi mãi.

Trong một câu nói nổi tiếng, Breuer và Freud tuyên bố:

Những người mắc chứng rối loạn phân ly chủ yếu khổ sở vì sự hồi tưởng.

Những hồi tưởng này có một số tính chất đặc biệt. Thứ nhất, không dễ gì tiếp cận chúng bằng cách dùng ý thức để nhớ lại. Bệnh nhân chỉ có thể khám phá chúng nếu bị thôi miên, hoặc như Freud sau này phát hiện, nếu bệnh nhân được nói cho biết một cách chắc chắn rằng những ký ức ấy có ở đó, chắc chắn có thể được khôi phục, và chúng sẽ trở lại vào khoảnh khắc bác sĩ nhấn ngón tay vào trán bệnh nhân. Thứ hai, những hồi tưởng luôn luôn là đau thương, hổ thẹn hoặc gây hoảng sợ. Kết quả, phải có một cơ chế tâm trí nào đó có khuynh hướng trục xuất những ký ức không dễ chịu khỏi ý thức, làm chúng trở nên tương đối khó tiếp cận. Cơ chế này được Freud gọi là dồn nén. Sự dồn nén, trên hết là một “cơ chế tự vệ”, đã trở thành cơ sở cho lý thuyết phân tâm học về chứng nhiễu tâm. Như vậy, ông đã mặc nhiên công nhận sự tồn tại của mâu thuẫn trong tâm trí, giữa một bên là một xúc cảm nào đó đang tìm cách nổi lên ý thức và bộc phát ra ngoài, và một bên là một phần khác của tâm trí, từ chối thừa nhận hoặc đối mặt với sự tồn tại của một cảm xúc mà nó thấy là đáng ghê tởm.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x