Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Dẫn Luận Về Phật Giáo Tây Tạng của tác giả Matthew T. Kapstein mời bạn thưởng thức.

Nguồn gốc của các truyền thống Phật giáo Tây Tạng

Phật giáo vào Tây Tạng

Không rõ người Tây Tạng lần đầu tiếp xúc với Phật giáo là khi nào. Theo truyền thống, đó là vào thời của Lha Totori (khoảng thế kỷ 4 thuộc Công nguyên), người cai trị vùng Yarlung phía đông nam Tây Tạng: người ta kể rằng kinh sách và ảnh tượng Phật giáo đã rơi xuống cung điện của ông một cách kỳ diệu, trong khi những người khác nói chúng được một tu sĩ Phật giáo Trung Á lang thang trao tặng. Đây chỉ là truyền thuyết, nhưng rất có khả năng những yếu tố Phật giáo đã đến đây trong thời kỳ này, khi Tây Tạng còn chưa chép sử. Tây Tạng thời ấy được bao quanh bởi những vùng đất đã có truyền thống tôn giáo và văn hoá lâu đời, gồm Nepal và Ấn Độ về phía nam, Trung Quốc về phía đông, các quốc gia của Con đường tơ lụa về phía bắc, và thế giới Ba Tư thời kỳ trước Hồi giáo về phía tây.

Lịch sử Tây Tạng bắt đầu với hoàng đế Songtsen Gampo (Tùng Tán Cương Bố, khoảng năm 617-49), người đã thống nhất cao nguyên Tây Tạng về quân sự và chính trị và bắt đầu chinh phục những vùng xung quanh. Hệ thống chữ viết của Tây Tạng dựa trên mô hình Ấn Độ cùng được hình thành trong thời kỳ này. Người ta tin rằng khi hoàng đế kết hôn với công chúa Văn Thành (Wencheng, ?-680), một bức tượng Phật Thích-ca-mâu-ni quý đã được đặt ở Lhasa, thủ đô của Tây Tạng như của hồi môn dành cho công chúa, và tương truyền bức tượng được đúc tại Ấn Độ dựa theo chân dung của chính Đức Phật. Bức tượng được gọi là Jowo (“Chúa tể”) và vẫn là một trong những đối tượng chiêm bái linh thiêng nhất Tây Tạng ngày nay. Những giai thoại sau này kể rằng đức vua còn cưới một công chúa Nepal theo Phật giáo là Bhrkuti, và do được truyền cảm hứng bởi hai vị hoàng hậu nước ngoài, ông và triều đình đã đón nhận tôn giáo của Ấn Độ. Trên thực tế, Songtsen Gampo cuối cùng đã được xem là hiện thân người Tây Tạng của vị Bồ tát đại từ bi, Avalokitesvara hay Chenrezi trong tiếng Tây Tạng. Ngài được dân chúng tin rằng đã được Phật Thích-ca-mâu-ni (Sakyamuni) uỷ thác nhiệm vụ phổ độ cho Tây Tạng.

Tuy Songtsen Gampo đã chấp thuận Phật giáo đến một mức độ nhất định, ít nhất nhằm chiều lòng những bà vợ nước ngoài của mình, nhưng khó có khả năng tín ngưỡng ngoại lai đã tiến triển nhiều ở Tây Tạng trong vòng nửa thế kỷ hoặc hơn sau đó. Dưới triều vua Tri Düsong (?-704), một ngôi chùa được lập nên ở Ling, vùng viễn đông của Tây Tạng, có lẽ có liên quan đến những chiến dịch quân sự ở vùng đông nam của đế quốc Tây Tạng nhằm chống lại nhà nước Phật giáo Nanzhao (Nam Chiếu, tỉnh Vân Nam của Trung Quốc ngày nay). Trong thời gian trị vì của người kế nghiệp Tri Düsong là Tri Detsuktsen (704-755), có bằng chứng rõ ràng cho thấy Phật giáo đã có những bước tiến mới ở vùng trung Tây Tạng. Một lần nữa, người đóng vai trò hỗ trợ tín ngưỡng này cũng là một công chúa Trung Quốc.

Công chúa Kim Thành (Jincheng) đến Tây Tạng năm 710, hai năm trước khi người chồng tương lai 6 tuổi của cô lên ngôi hoàng đế. Tương truyền cô đã rất buồn phiền khi không thấy có nghi thức tang lễ Phật giáo cho giới quý tộc lúc qua đời, bởi vậy đã đưa vào Tây Tạng tập quán cúng người chết bảy tuần sau tang lễ của Phật giáo Trung Quốc. Hoạt động này đã thúc đẩy một niềm tin về sau trở nên nổi tiếng trong những tác phẩm như Tử thư Tây Tạng, xem bốn mươi chín ngày là thời kỳ giữa chết và tái sinh. Công chúa cũng mời các tu sĩ từ Khotan (miền đông Iran, giờ đây đã bị tiêu diệt) đến miền trung Tây Tạng để hình thành tăng đoàn đầu tiên ở vùng đất này.

Tuy nhiên, sau khi công chúa Kim Thành qua đời năm 739, có lẽ do bệnh dịch, một phản ứng chống Phật giáo dữ dội đã xảy ra, các tu sĩ nước ngoài bị trục xuất. Những năm cuối cùng trong thời trị vì của Tri Detsuktsen được đánh dấu bởi mâu thuẫn bè phái nghiêm trọng trong giới quý tộc, đỉnh điểm là việc ám sát đức vua. Khi người con trai 13 tuổi của ông được trao ngai vàng năm 755, những bè phái thù địch với Phật giáo đang chi phối triều đình. Tuy nhiên, vị hoàng đế trẻ Tri Songdetsen (Ngật-lật-sang-đề-tán, 742-802) lại trở thành người cai trị vĩ đại nhất và là nhà bảo trợ Phật giáo vô tiền khoáng hậu của đế quốc Tây Tạng. Trong những chỉ dụ còn lưu lại của ông, chúng ta được biết rằng từ thời kỳ đầu của cuộc cai trị, Tây Tạng đã đối mặt với nhiều đại dịch gây tai hoạ cho cả con người và gia súc. Khi không có giải pháp khả thi nào xuất hiện, ông đã huỷ bỏ sắc lệnh cấm thực hành các nghi thức Phật giáo từng được ban bố từ thời cha ông bị truất ngôi, và các vấn đề nhanh chóng được cải thiện. Kết quả, ông đã chấp nhận Phật giáo và cam kết tìm hiểu sâu về giáo pháp của nó. Ông quy y năm 762, khi ấy ông 20 tuổi.

Một hoàng đế theo Phật giáo

Bằng chứng từ những chỉ dụ và tài liệu khác được cho là của Tri Songdetsen cho thấy ông đã quan tâm sâu sắc tới giáo lý Phật giáo, và tổng kết những yếu tố chính của nó trong mấy lời sau: ”Những người sinh ra và luân hồi qua bốn hình thức tái sinh, từ khởi đâu vô thuỷ đến kết thúc bất tận, đã trở nên như vậy là do những nghiệp hay hành động [Tib. le, Skt. karma] của họ…[2] Quả báo từ những nghiệp của bản thân sẽ chín muồi nơi chính mình. Người ta có thể sinh ra thành một vị thiên giữa các tầng trời, thành một con người trên trái đất, thành một bán thần, một ngạ quỷ, một súc sinh hoặc một sinh vật của địa ngục – tất cả những chúng sinh được sinh ra trong sáu [cảnh giới] đã trở nên như vậy là do nghiệp của chính họ.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x