Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Dẫn Luận Về Phật Giáo của tác giả Damien Keown mời bạn thưởng thức.

Đức Phật

Đức Phật sinh ra ở vùng đất thấp Terai, gần những ngọn núi dưới chân dãy Himalaya, ngay bên trong khu vực ngày nay là biên giới Nepal. Dòng tộc của ngài là Thích-ca (Sakya), vì lý do đó Đức Phật đôi lúc được gọi là Thích-ca-mâu-ni (Sakyamuni), hay “hiền nhân của tộc Thích-ca”. Với đệ tử, ngài được gọi là Bhagavat, “Thế Tôn”. “Phật” không phải tên riêng mà là một danh hiệu cao quý, nghĩa là “bậc tỉnh thức”. Đúng ra, danh hiệu này chỉ được dùng cho người đã thành tựu giác ngộ, nhưng ở đây tôi cũng sử dụng để nói tới Đức Phật trong thời kỳ đầu cuộc sống của ngài. Tên riêng của Đức Phật là Siddhattha Gotama (Sĩ-đạt-đa Cồ-đàm).

Cuộc đời Đức Phật như được đồng thuận là từ 566-486 trước Công nguyên, mặc dù một số nghiên cứu gần đây cho thấy một thời điểm nào đó khoảng năm 410 trước Công nguyên mới có thể là thời điểm Đức Phật sinh ra (niên đại trong thời kỳ này có độ sai chệch khoảng mười năm trở lại). Kinh sách truyền thống cho rằng Đức Phật và dòng tộc ngài thuộc về giai cấp thứ hai của Ấn Độ – tức giai cấp chiến binh quý tộc được gọi là Sát đế ly (khattiyas), dẫu vậy không có bằng chứng nào khác cho thấy có một hệ thống giai cấp trong dòng tộc Thích-ca thời đó.

Vị thế hoàng gia của cha Đức Phật, Suddhodana, và sự phù hoa kiểu cách của kinh thành, đặc biệt như được nhắc tới trong kình sách thời kỳ sau[6], rất có khả năng chỉ là sự thổi phồng. Tuy nhiên, dòng dõi quý tộc và địa vị cao của Đức Phật là chủ đề thường thấy trong nghệ thuật và văn chương, và nền tảng quý tộc của ngài – có lẽ không quá cao sang như những gì kinh văn nói tới – chắc chắn đã giúp ngài tạo ra một ấn tượng thuận lợi với những triều đình ở đông bắc Ấn Độ mà về sau ngài ghé thăm như một vị thầy lang thang.

Kinh tạng Pali chứa đựng một lượng thông tin nhất định về cuộc đời Đức Phật, nhưng trong vòng 500 năm kể từ khi Phật nhập diệt, không có nỗ lực cụ thể nào nhằm xâu chuỗi thông tin thành một câu chuyện liền mạch. Trong vòng một vài thế kỷ từ khi Phật nhập niết bàn, những giải thích thiếu đầy đủ bắt đầu xuất hiện, làm tăng thêm sự tò mò về cuộc đời con người phi thường này. Giải thích nổi tiếng và đẹp đẽ nhất về cuộc đời Đức Phật là một thiên sử thi gọi là Phật sở hành tấn (Buddhacarita, cũng được dịch là Phật bản hạnh tập kinh), nôm na là “Những hành động của Đức Phật”, được sáng tác trong thế kỷ 1 thuộc Công nguyên bởi luận sư Phật giáo nổi tiếng Mã Minh (Asvaghosa).

Đến lúc này, những đoạn tiểu sử ban đầu đã được thêm thắt những chi tiết tưởng tượng, khiến khó mà phân biệt sự thật với truyền thuyết. Những câu chuyện về cuộc đời Đức Phật có lẽ đã truyền cảm hứng tạo ra các hình ảnh về Đức Phật mà đến khoảng thế kỷ 2 thuộc Công nguyên mới thấy xuất hiện. Trước thời điểm đó, ngài được miêu tả trong nghệ thuật chỉ thông qua những biểu tượng như một cái cây, một bánh xe, hoặc một cái lọng che, điều này hoặc do sự tôn kính, hoặc do khó có thể bày tỏ về thẩm mỹ trạng thái vô thượng mà ngài đã chứng đạt. Tuy nhiên, các nghệ sĩ cũng đã bắt đầu tạo ra những miêu tả về Đức Phật bằng đá hay các phương tiện khác, và những thứ ấy trở thành đối tượng cho sự cầu nguyện của công chúng.

Cuộc đời Đức Phật

Thông tin về cuộc đời Đức Phật trong những kinh sách đầu tiên khá rời rạc. Đôi lúc, khi đang thuyết pháp về một chủ đề nào đó, Đức Phật gợi lại một sự kiện từ đời quá khứ rồi kể câu chuyện ấy. Một số trong những đoạn tiểu sử này được nói chi tiết, số khác mơ hồ, và niên đại của các sự kiện không phải luôn rõ ràng. Vì những lý do đó, để tạo ra một tiểu sử về Đức Phật dựa trên những nguồn tham khảo hiện còn lại không hề là một công việc dễ dàng. Hơn nữa, khái niệm tiểu sử là một phát minh tương đối gần đây của phương Tây, và tiểu sử không tồn tại như một thể loại văn chương ở Ấn Độ cổ. Những khó khăn tương tự cũng đã cản trở nỗ lực tạo ra tiểu sử của các nhân vật khai sáng tôn giáo khác, chẳng hạn Jesus, và có lẽ sự truy tìm một “Đức Phật lịch sử” sẽ chẳng dẫn tới thành công mới nào. Một rắc rối khác là Phật giáo tin vào tái sinh, nên một tiểu sử trọn vẹn về Đức Phật sẽ cần bao trọn những kiếp trước của ngài!

Dù không có câu chuyện liền mạch trước đó về cuộc đời Đức Phật, người ta đồng thuận chung về niên đại tương đối của những sự kiện nhất định trong cuộc đời giáo hóa của ngài. Nói một cách ngắn gọn, các sự kiện đó như sau. Ngài kết hôn vào tuổi 16 với Da-du-đà-la (Yasodhara), sinh ra một người con trai tên là La-hầu-la (Rahula, nghĩa đen là “cái cùm”). Chẳng bao lâu sau khi sinh đứa con trai, Đức Phật rời gia đình ở tuổi 29 để tìm kiếm trí tuệ tâm linh, và đạt giác ngộ ở tuổi 35. Bốn mươi lăm năm còn lại của cuộc đời ngài được dành cho thuyết pháp, và ngài qua đời ở tuổi 80. Phật tử thường tập trung vào những sự kiện chủ chốt nhất định trong đời hoạt động của Đức Phật, xem chúng là quan trọng nhất và tưởng nhớ đến chúng theo nhiều cách trong văn chương, thần thoại, nghi lễ, hành hương đến những địa điểm nơi các sự kiện ấy diễn ra. Bốn sự kiện quan trọng nhất là đản sinh, giác ngộ, thuyết pháp lần đầu, và nhập niết bàn.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x