Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Dẫn luận về Tâm Lý Học của tác giả Gillian Butler mời bạn thưởng thức.

Điều gì đi vào não?

Tri giác

Hãy nhìn vào hình vẽ ở hình 3. Đây là khối lập phương Necker, nó hoàn toàn được tạo thành từ những đường kẻ đen trên không gian hai chiều, nhưng điều bạn cảm nhận là một hình khối ba chiều. Nhìn một lúc vào hình khối này, bạn sẽ thấy hình ảnh rõ ràng bị đảo ngược: mặt ở đằng trước trở thành mặt sau của một khối lập phương xoay ngược lại. Những trạng thái xuất hiện này luân phiên nhau dù bạn cố gắng không để chúng làm như vậy. Điều bạn đang thấy là hoạt động của não khi nó cố gắng rút ra ý nghĩa của một hình vẽ mơ hồ, không thể cố định theo diễn giải này hay diễn giải khác. Có vẻ tri giác không chỉ là vấn đề thụ động nhận thông tin từ giác quan, mà là sản phẩm của một quá trình tạo dựng chủ động, đòi hỏi kết hợp đầu vào từ các tín hiệu giác quan với những thông tin khác.

Rắc rối hơn nữa là hình vẽ “chiếc nĩa ma quỷ” (hình 4), đánh lừa chúng ta bằng những gợi ý thông thường về cảm nhận chiều sâu không gian. Chúng ta có thể thấy hoặc không thấy biểu hiện ba chiều của một chiếc nĩa ba răng. Cũng có thể trình bày những hiện tượng tương tự với các giác quan khác. Nếu bạn lặp lại đủ nhanh và đều từ tiếng Anh “say” (/sei/, nói), bạn sẽ nghe thấy lúc thì “say say say…”, lúc thì “ace ace ace…” (/eis/, quân bài át). Ý nghĩa ở đây cũng tương tự: não hoạt động trên thông tin nhận được và đưa ra những giả thuyết về thực tại mà không có định hướng của ý thức, nên những gì cuối cùng chúng ta nhận thức được là sản phẩm của sự kích thích giác quan và hoạt động trong não, dẫn đến kết quả là sự diễn giải. Nếu chúng ta đang lái xe trong sương mù dày đặc hoặc cố gắng đọc trong bóng tối, việc phải suy đoán là đương nhiên: “Đây là chỗ rẽ hay đường vào nhà?”; “Từ này là “head” (đầu) hay “dead” (chết)?” Các tiến trình cảm nhận giác quan quyết định phần nào những gì đi vào não, nhưng chúng ta đã có thể thấy những tiến trình phức tạp và bị ẩn giấu khác cũng đóng góp vào những điều được lĩnh hội.

Chúng ta thường cho rằng thế giới giống như mình thấy và người khác cũng thấy vậy, và giác quan của chúng ta phản ánh một thực tại khách quan được mọi người cùng chia sẻ. Chúng ta cho rằng các giác quan miêu tả thế giới mà chúng ta sống chính xác như một cái gương phản chiếu khuôn mặt nhìn vào nó, hay giống như một máy chụp hình tạo ra hình ảnh của một khoảnh khắc cụ thể, được ngưng đọng trong thời gian. Tất nhiên, nếu những thông tin do giác quan cung cấp nhìn chung là không chính xác, chúng ta sẽ không thể dựa vào chúng như hiện giờ. Tuy vậy, các nhà tâm lý học đã nhận thấy những nhận định này về tri giác là gây lầm lẫn. Quá trình đón nhận thông tin về mọi thứ xung quanh không phải là một quá trình thụ động và đơn giản, mà là một quá trình chủ động và phức tạp, trong đó giác quan và não hoạt động cùng nhau, giúp chúng ta tạo dựng một tri giác (hoặc ảo giác) về thực tại. Chúng ta không chỉ thấy những hình thái sáng tối và màu sắc, mà còn tổ chức những hình thái này sao cho thấy được những đối tượng có ý nghĩa với chúng ta. Chúng ta có thể gọi tên hoặc nhận ra chúng, nhận dạng chúng như những đối tượng hoàn toàn mới hoặc tương tự như các đối tượng khác. Như chúng ta sẽ tìm hiểu trong suốt cuốn sách, nghiên cứu tâm lý đã tiết lộ một số điều lý thú và đáng ngạc nhiên đang diễn ra trong não mà chúng ta có thể không nhận thức. Việc nghiên cứu những tiến trình bị ẩn giấu này đã trở thành một vấn đề liên ngành, với những phát triển trong các ngành khoa học nhận thức, đặc biệt trong khoa học thần kinh sửdụng điện toán – ngành nghiên cứu về chức năng não dựa trên những đặc tính xử lý thông tin của các cấu trúc tạo thành hệ thần kinh. Điều này rọi ánh sáng lên những cơ chế giúp chúng ta tri giác và hiểu mạng lưới thông tin rộng lớn tác động đến các giác quan như thế nào.

Hầu hết những nghiên cứu tâm lý học về tri giác đã tập trung vào thị giác. Điều này là do thị giác là giác quan được phát triển tốt nhất của chúng ta: khoảng một nửa vỏ não (chất xám trong não bộ) liên quan đến thị giác. Các ví dụ thị giác cũng có thể minh hoạ, vì vậy chúng sẽ xuất hiện chủ yếu trong chương này.

Tri giác thế giới thực

Giai đoạn tri giác đầu tiên là phát hiện tín hiệu về một thứ đang hiện hữu. Mắt người có thể phát hiện chỉ một phần nhỏ, ít hơn 1% toàn bộ dải năng lượng điện từ – đây gọi là phổ nhìn thấy. Ong và bướm có thể thấy tia cực tím, một số loài rắn có thể “thấy” bức xạ nhiệt phát ra bởi con mồi đủ để cho nó nhằm vào những bộ phận dễ tổn thương của cơ thể con mồi khi tấn công. Như vậy, những gì chúng ta biết về thực tại bị giới hạn bởi năng lực giác quan. Trong phạm vi những giới hạn ấy, sự nhạy cảm của chúng ta là phi thường: vào một đêm tối quang đãng, về lý thuyết, chúng ta có thể thấy một cây nến cháy ở cách xa 48 km. Khi chúng ta phát hiện một tín hiệu chẳng hạn ánh sáng, cơ quan thụ cảm sẽ chuyển dạng năng lượng này thành dạng năng lượng khác, qua đó thông tin về ánh sáng được truyền đi dưới dạng xung thần kinh. Chất liệu tri giác thô cho mọi giác quan chính là các xung thần kinh đã được chuyển đến những phần chuyên biệt khác nhau của não.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x