
Dạo Chơi Tuổi Già – Ghi Chép – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Dạo Chơi Tuổi Già – Ghi Chép của tác giả Sơn Nam mời bạn thưởng thức.
Khi mệt mỏi, không còn hứng thú về nghề nghiệp, lại thích xem những tập tranh của họa sĩ cổ điển Đông-Tây. Xem là thấy hứng thú. Họa sĩ không dùng nhiều trang giấy. Những cảm xúc, những bóng dáng đóng khung trong phạm vi nhỏ hẹp. Bức tranh có thể khơi lên nguồn cảm hứng mênh mang (như bài thơ, như bản nhạc) mà đậm đà, cụ thể, khó hiểu hơn.
Nắm kỹ thuật cơ bản là điều tối cần trong nghệ thuật. Cái “tâm” chưa đủ. Thí dụ như người múa lân, muốn cho con lân cười, đâu phải người múa mỉm cười, nhưng phải nín thở, co tay, giật mạnh cho cái hàm bằng giấy của con lân mở ra, rồi quì xuống thật nhanh cho đôi mắt lân chuyển động. Trường hợp nghệ nhân này nhà nghèo, cần thường xuyên luyện tập, ăn uống tẩm bổ, đổ mồ hôi để múa vì yêu nghề! Danh vọng thuộc về tập thể của Hội Lân, với sự cạnh tranh, quảng cáo, tiếp thị cần thiết.
Buồn bã nhất trong đời làm văn chương là gặp vài người, gọi là “có trình độ chung chung” phán xét một cách sơ sài, khó chấp nhận. Rằng “đời sống của anh đã ổn rồi, cứ sáng tác hăng hái lên.” Các vị này thật thà, xem làm văn học, là “lao động với mây gió”, cần chén rượu, con khô mực, vài mảnh giấy, cái bàn viết rộng chừng một mét vuông. Đó chỉ là kiểu làm văn nghệ “mì ăn liền”, ngắn hạn, nếu không nói là sao chép, pha chế chút gia vị vào những gì thiên hạ đã nói, đã viết rồi, để an thân với chút danh vọng, một dạng cán bộ thông tin mà ai cũng đủ khả năng làm được. Các vị quên rằng người làm văn học rất cần “thiết bị hạ tầng cơ sở” vững chắc, nào dụng cụ văn phòng, ánh sáng và những vật tư đắt giá như vài quyền tự điển, sách vở Đông Tây kim cổ. Làm văn nghệ mà không tủ sách và kệ sách thì là kiểu nghiệp dư, thù tạc vu vơ. Cả nước mà làm vậy, làm sao dân tộc có hy vọng thấy xuất hiện những tác phẩm cỡ trung bình? Ta còn cạnh tranh với vùng khác, với dân tộc khác. Mô tả trái chuối, không là ca ngợi vóc dáng với màu sắc. Cần biết lột vỏ chuối, làm sao cho toát hương vị của chuối! Tình là… biển khổ, nhưng khổ kiểu nào? Nhiều trường hợp khổ não đã được miêu tả từ hơn ngàn năm rồi. Ở đây, chưa nói đến trường hợp người viết loại nghiên cứu, biên khảo, tóm lược những kiến thức khái quát, thuộc khoa học xã hội, sử địa. Tốn kém thì giờ, tiền bạc. Giao lưu với bạn bè trong giới, ngoài giới. Lại còn du lịch để gợi hứng, thư giãn tinh thần, không thể thiếu được. Những đòi hỏi khiêm tốn về “hạ tầng cơ sở” ít ai thấy. Bấy lâu, ta nghe mô tả những nhà văn nổi danh hồi thế kỷ thứ XIX sống nghèo nàn nhưng ta quên rằng nhà của họ ngổn ngang những sách, lắm khi họ la cà ngoài quán; một kiểu đọc sách trực tiếp vào cuộc đời. Nhu cầu tham quan, để không là “ếch ngồi đáy giếng”, thêm tự tin, gạn lọc sự hiểu biết.
* * *
Đọc bài thơ, thay cho đọc kinh kệ lúc cầu Tiên (mượn cơ bút để nhờ chỉ dạy) là việc có từ lâu. Theo tư liệu về buổi Lê-mạt do Hoàng Xuân Hãn sưu tầm, thấy lúc Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Hoa, tuyệt vọng, các di thần còn ở lại vẫn tìm sự an ủi vào lời Tiên dạy. Thuở nhỏ, từng được nghe bài kinh cầu Tiên, tưởng chẳng còn ghi chép được, tình cờ gặp lại. Vào khoảng 1928-1930, trình độ của người công chức thời Pháp, của giới điền chủ đã được phản ánh cụ thể qua bài kinh chân thành, thô sơ, kém bay bướm. Điều quan trọng vẫn là thế giới riêng tư, kín đáo của người tham dự, với ban hòa tấu nhạc cổ truyền và lời tụng nghiêm túc, rõ từng tiếng.
Có tư liệu cho rằng bài nầy xuất hiện từ năm 1917, ở đàn Tiên Cái Khế (ngoại ô Cần Thơ), do chư Tiên ban cho:
– Trời còn, sông biển đều còn,
Khắp xem cõi dưới núi non đượm nhuần.
Thanh Minh trong tiết vườn Xuân,
Phụng chầu, hạc múa, gà rừng gáy reo.
Đường đi trên núi dưới đèo,
Lặng tìm cao thấp ải trèo chông gai.
Phận làm con thảo há nài,
Biết phương Tiên, Phật, Bồng Lai mà tìm.
Xem qua xét lại cổ kim,
Một bầu trời đất thanh liêm chín mười.
Vàng trau ngọc chuốt càng tươi,
Bền lòng theo Phật cho người xét suy.
Thần, Tiên vốn chẳng xa chi,
Có lòng chiêm ngưỡng nhứt thì giáng linh!
Chú thích: Bốn câu sau do tín đồ đặt thêm bổ sung vào. Lặng, phải chăng là im lặng, hoặc là lặn (lặn lội)?
Việc tu tiên một thời phổ biến mạnh, chiếm ưu thế gần như tuyệt đối trong ý thức người miền Nam, cuối thế kỷ XIX qua đầu XX. Bà Sương Nguyệt Anh lên Điện Bà (Tây Ninh). Trước đó, ông Cử Đa (Nguyễn Thành Đa) ở Vĩnh Kim (Mỹ Tho) có lẽ là người đầu tiên đến núi Tà Lơn, tu Tiên đắc đạo, nhưng thành tích kháng Pháp của ông còn mơ hồ, bấy giờ là phong trào Cần Vương, thời Hàm Nghi xuất bôn. Sau đó, phía Cần Thơ, ta nghe ông thầy Trung ở Cái Da, lại còn huyền thoại Thủ Khoa Huân cũng hóa Tiên. Đáng chú ý là các người khai sáng tôn giáo (như Ngô Minh Chiêu) đều đi núi Tà Lơn, để cảm thông với chư Tiên, kiểu thụ phong bí mật. Núi này gần ranh Hà Tiên, thuộc Cam Bốt, tỉnh Cần Giọt (Kampot); bản đồ ghi Núi Voi, dịch tên theo Pháp, người địa phương gọi Popot-Vil (núi có những áng mây xoáy tròn quanh đỉnh) sát chân núi là bãi tắm, đỉnh cao 900 mét gọi Boc Kor, nơi nghỉ mát lý tưởng của người Âu, như Đà Lạt, từ đỉnh trông xuống biển là dốc đứng thẳng. Năm 1885, cao điểm của phong trào Cần Vương vẫn rơi rớt ở gần Tà Lơn, xảy ra cuộc khởi nghĩa của Quản Hiếm (Khiếm), thuộc hội kín từng tham gia cuộc khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.