
Đầu Voi Phất Ngọn Cờ Vàng – Đọc Sách Online Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sau ngày chính thức trở thành chủ nhân trang trại sản xuất tơ tằm ở Hương Vân thuộc huyện Nông Cống, quận Cửu Chân, cuộc sống vợ chồng Triệu Thành biến đổi dồn dập. Trước kia dù luôn làm việc chân tay vất vả nhưng họ còn giữ được những vui thú riêng tư, muốn ăn muốn ngủ lúc nào tùy ý, chẳng có ai đếm xỉa đến. Giờ gia đình đã có tiền của, không phải làm việc nặng nhưng tự công việc nó lại bắt họ lúc nào cũng quay như cái vụ. Họ phải luôn thức khuya dậy sớm và đôi khi không có thì giờ để ngồi ăn được một bữa cơm trọn ngon.
Nhưng mất cái này thì được cái khác. Họ đã tạo được công ăn việc làm cho rất nhiều người chung quanh. Nhờ siêng sắng chăm lo công việc, biết điều hành khéo léo, nhất là cách đối xử với kẻ ăn người làm đầy tình nghĩa của vợ chồng này đã khiến mọi người phải mến phục, yêu chuộng. Dần dần những người làm công đều coi công việc của họ Triệu như công việc nhà. Do vậy mà cơ sở sản xuất kén tằm của họ Triệu cứ mỗi ngày mỗi được nới rộng.
Để tránh những phiền phức có thể xảy ra từ phía quan quyền, Triệu Thành luôn lo đầy đủ việc thuế má. Tuy vậy, những phiền toái từ bên ngoài vẫn dần len lỏi tìm đến với ông và càng ngày càng gia tăng.
Một buổi chiều vào cuối tháng tư, vợ chồng Triệu Thành làm việc vừa nghỉ tay chưa kịp ăn cơm tối thì cụ lý trưởng Hương Vân ghé thăm. Vừa bước vào nhà, cụ lý đã nức nở khen:
-Chú Thành thật là một người hiểu biết phép nước. Làng vừa thông báo việc nộp thuế là chú sốt sắng đóng trước ai hết! Nếu cả làng ai cũng được như chú thì bọn tôi cũng đỡ vất vả nhiều. Tôi thành thật khen chú.
-Dạ đó là bổn phận của con dân, có gì đâu mà cụ lý quá khen.
Triệu Thành vừa khiêm tốn trả lời vừa lấy rượu ra rót mời cụ lý. Cụ lý vừa nhắp rượu vừa nói chuyện bâng quơ một hồi. Lát sau cụ lại đi vào vấn đề khác:
-Mình ăn nên làm ra thật cũng nhờ ơn trên phù hộ. Gần gũi nhất với chúng ta là ngài Thành Hoàng. Ngài giúp dân được mưa thuận gió hòa, ngài ngăn chận côn trùng phá hoại mùa màng. Cào cào châu chấu thứ gì mà nó chừa! Thế mà nó không đụng đến khu ruộng dâu của chú cũng nhờ ngài che chở đó. Vả lại dân chúng có được mùa, đời sống có sung túc người ta mới mua tơ lụa, kén tằm của chú mới được tiêu thụ mau hơn. Có đúng thế không chú Thành? Nay sắp tới ngày húy của ngài rồi, tôi là lý trưởng cũng có nhiệm vụ nhắc nhở để chú biết rồi tùy sức mà đóng góp với làng xóm.
Triệu Thành nhỏ nhẹ đáp:
-Cám ơn cụ lý, thật sự lâu nay chẳng năm nào cháu dám lơ là chuyện đó.
Cụ lý cười:
-Đồng ý là không năm nào chú lơ chuyện đó. Nhưng trước đây chú chỉ là một người dân mạt hạng còn bây giờ chú đã là người có máu mặt ra vào rủng rỉnh thì sự đóng góp phải khác chứ! Lo gì chú, “xởi lởi thì trời gởi cho” mà!
Triệu Thành chưa kịp trả lời ông lý lại tiếp:
-Chút nữa mà tôi quên, có việc này gấp hơn việc đó, tôi nói với chú luôn thể. Mấy ngày nữa là tới tết đoan dương. Mấy ông hào trưởng và lý trưởng làng bên có nhã ý rủ tôi cùng họ đi tết quan huyện. Kẻ dưới đi tết người trên vẫn là truyền thống tốt đẹp xưa nay. Tôi thấy cơ hội này chú cũng nên đi chung với tôi một chuyến cho nở mày nở mặt với thiên hạ và cũng để biết mặt quan huyện luôn thể, chú nghĩ thế nào?
Triệu Thành từ chối:
-Thưa cụ lý, việc gì chứ việc đó xin cụ miễn cho. Cháu vốn quê mùa vô danh mà đòi chúc tết quan huyện cháu biết ăn nói làm sao?
Cụ lý ngắt lời:
-Chú đừng lo, đi từng bước cho quen vậy mà. Sau này có việc gì cần nhờ đến quan mình cũng đỡ ngỡ ngàng. Chỉ cần lễ vật cho khá khá là được chứ ăn nói chỉ là chuyện phụ, người khác sẽ lo cho.
Triệu Thành bất đắc dĩ nói:
-Cháu bận công việc quá sợ không đi được. Vậy cháu xin đóng góp chút đỉnh để phụ với cụ sắm lễ vật đi tết quan huyện được không?
Cụ lý lộ vẻ hớn hở hỏi:
-Chú định đóng góp bao nhiêu đây?
Triệu Thành cười:
-Dạ, cháu xin góp một lượng bạc.
Cụ lý hơi xịu mặt:
-Chú làm ăn khá giả mà chỉ góp một lượng người ta chê là keo kiệt đó. Gắng bỏ ra năm lượng đi!
-Trên huyện vừa chỉ thị làng ta phải lo lập lại sổ sách dân đinh để huyện duyệt chọn một số dân phu. Trong trang trại của chú cũng có nhiều dân đinh, chú định làm thế nào?
Triệu Thành hỏi lại:
-Theo ý cụ lý cháu nên làm như thế nào?
Cụ lý Hương Vân làm ra vẻ vô tư, nói:
-Việc đó cũng tùy chú thôi. Hoặc đưa danh sách cho người ta tuyển chọn, hoặc thử liên lạc với người ta tình nguyện ủng hộ một ít tiền bạc để chi dụng trong việc tuyển mộ đôi khi người ta cũng miễn cho. Nên tính sớm sớm đi, đừng để nước tới chân mới nhảy đôi khi lại không kịp.
Triệu Thành nghĩ trong thời gian công việc ở trang trại đang phát triển đều đặn mà bị giảm bớt một số nhân công thì việc có thể bê trễ nên hỏi lại:
-Xin cụ cho biết cháu có thể liên lạc với ai?
Cụ lý chỉ vào ngực mình:
-Nếu cần tôi có thể làm trung gian giúp chú. Giúp cho chú cũng là cách giúp đỡ một số dân đinh trong làng, tôi không nề hà gì đâu!
Triệu Thành biết ý cụ lý muốn gì rồi nhưng vẫn hỏi:
-Theo cụ mình tốn khoảng bao nhiêu?
Cụ lý thong thả đáp:
-Sơ sơ thôi, nhưng cũng đừng keo lắm làm họ không vừa lòng đôi khi họ làm khó sinh ra kẹt. Để tôi dọ hỏi rồi sẽ cho chú biết…
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.