
Dấu Xưa Vui Lành – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Dấu Xưa Vui Lành của tác giả Bạch Lạc Mai mời bạn thưởng thức.
Huyền cầm
Cây đàn đó đặt trên kệ đàn, bị năm tháng xa lánh nhiều năm. Năm tháng không đem đến quá nhiều gió bụi cho nó, khi ở nơi tĩnh lặng, nó có một vẻ đẹp lạnh lẽo và tao nhã còn rơi rớt lại. Cây đàn được khơi thông linh tính, có khí chất, có phẩm chất, hiểu biết đời này kiếp trước vì thế biết được ai là chủ nhân chân chính của nó. Tôi và đàn, chưa từng có tình cảm sâu nặng, nhưng lại có thể nhận định rằng mình và nó đã có một mối duyên.
Tôi cũng đã từng nghĩ, có một tòa nhà như thế, cổ kính thâm trầm, lược bỏ phồn hoa. Phòng sách giản dị sạch sẽ, một lò hương, một cây đàn, một bàn cờ. Bên ngoài cửa sổ, dăm cây mai liễu, một vùng ánh trăng. Ngẫm ra, khiến lòng người rung động, hẳn là có một tri kỷ hiểu tiếng đàn, biết nhã nhạc. Có một ngày tôi sẽ già đi, còn đàn chắc chắn có thể tìm được một người chủ mới, có một câu chuyện mới.
Đàn là âm thanh của trời đất, yên tĩnh nhàn nhã, khoáng đạt sâu xa, bay bổng đa tình. Trong sách Cầm sử thời Tống có viết: “Thời xưa thánh nhân làm ra đàn, tiếng của vạn vật trời đất đều nằm trong nó vậy.” Đàn tương thông với vạn vật, núi cao nước chảy, vạn khe gió tùng, ánh sóng bóng mây, tiếng chim tiếng trùng đều hàm chứa bên trong, ký gửi trên dây đàn.
Người gảy đàn đem muôn vàn tâm sự đưa vào trong đàn, trong tiếng đàn bình hòa ung dung, lại thể nghiệm và lĩnh hội được cái an tĩnh đến cực độ. Người nghe đàn tẩy rửa tâm hồn trong tiếng đàn trong lành tinh khiết, giống như nhạc trời. Nhạc Phi có viết từ rằng: “Muốn đem tâm sự gửi khúc đàn. Tri âm vắng, đàn đứt có ai nghe?”[1.1] Dường như một người gảy đàn, cuộc đời ắt phải có một người tri âm. Nếu không, cho dù là tấu lên khúc nhạc tuyệt diệu như thiên nhiên, vẫn có những thiếu sót và nuối tiếc không thể diễn tả nổi. Vạn vật có tình, đều có thể coi là tri kỷ, chỉ xem bạn có muốn trao đi tấm lòng chân thành hay không.
Vào thời đại Xuân Thu xa xưa, có một câu chuyện “Cao sơn lưu thủy” tìm tri âm, được truyền tụng là giai thoại mỹ đàm. Cầm sư Bá Nha phụng lệnh Tấn vương đi sứ nước Sở, ngày Trung thu, ông ngồi thuyền đến bến sông Hán Dương, thuyền dừng lại nghỉ. Ban đêm sóng lặng gió im, mây vén trăng nhô, Bá Nha gảy đàn độc tấu. Người tiều phu kiếm củi về muộn Chung Tử Kỳ bị tiếng đàn của Bá Nha thu hút, không nỡ ra về. Tử Kỳ nghe hiểu khí thế như núi cao, nhu tình như nước chảy trong tiếng đàn của Bá Nha, hai người kết thành tri kỷ. Lúc trăng tròn, đôi bên nâng chén chuyện trò, hẹn ngày Trung thu năm sau sẽ trùng phùng ở bến sông.
Năm sau, Bá Nha gảy đàn ở bến sông chờ tri âm, nhưng nào thấy Tử Kỳ đến hẹn. Sau mới biết Tử Kỳ không may mắc bệnh qua đời rồi và có để lại di ngôn, phải xây mộ ở bên sông, chỉ để tiếp tục được nghe tiếng đàn của Bá Nha. Bá Nha vô cùng đau buồn, đến trước mộ Từ Kỳ, gảy một khúc đàn. Rồi sau đó cắt đứt dây đàn, đập vỡ cây đàn. Tri âm đã khuất, đàn chẳng còn ai nghe. Thế giới của ông an tĩnh từ đây.
Cổ cầm với lịch sử lâu đời của nó, chứng kiến đủ mọi thịnh suy vinh nhục, yêu hận sầu bi của thế gian. Trong Thi kinh có viết rằng: “Thục nữ yểu điệu, cầm sắt vui vầy”. Một khúc Phượng cầu hoàng của Tư Mã Tương Như khiến Trác Văn Quân bỏ nhà trong đêm, viết nên câu thơ tình “Nguyện có người trong lòng, bạc đầu chẳng rời xa”. Thời Tấn, Kê Khang viết Cầm phú: “Trong mọi nhạc cụ, đàn có phẩm đức tốt nhất.” Trước khi bị hành hình, Kê Khang ung dung thong thả gảy một khúc Quảng Lăng tán, đến nay vẫn là tuyệt xướng thiên cổ.
Gia Cát Lượng bày kế thành không, dùng tiếng đàn trầm lắng an nhàn, đẩy lùi mười vạn hùng binh của Tư Mã Ý. Đào Uyên Minh thời Tấn có thơ rằng: “Đãn thức cầm trung thú, hà lao huyền thượng thanh” (Chỉ cần lĩnh hội lạc thú trong cây đàn, đâu cần thiết phải tấu lên khúc nhạc tuyệt diệu trên dây đàn?) Đào Tiềm quy ẩn ở núi Nam, hái cúc giậu Đông, hằng ngày uống rượu làm thơ phú. Vị ẩn sĩ trong núi này là cao nhân đứng ngoài cõi đời, hiểu được nhã thú của đàn, lại gảy cây đàn không dây đến một cảnh giới vô ngã, thậm chí cỏ cây phải thuận theo, vạn vật phải cúi đầu trước đàn.
“Cầm, tức là cấm[1.2] vậy. Do Thần Nông làm ra. Đục lỗ rỗng ở phần cuối đàn. Ban đầu căng năm dây, sau thêm hai dây nữa. Thế là thành hình.[1.3]” Đàn có phẩm cách thanh (thanh cao), hòa (hài hòa), đạm (đạm bạc), nhã (trang nhã), xưa nay đều là nhạc cụ không thể thiếu để các tao nhân mặc khách tu dưỡng tính tình. Cùng một khúc nhạc, vì tu dưỡng, tính tình của người gảy đàn khác nhau, nên sẽ đàn ra ý cảnh và chỗ tuyệt diệu khác nhau. Lúc thì phiêu dật như trăng thanh gió mát, lúc thì trong trẻo như suối ngọc róc rách, lúc thì mạnh mẽ như muôn ngựa tung vó, lúc thì tinh khiết như nước thu in bóng trời.
Bất luận là đàn ở nơi huyên náo hay vắng vẻ, đàn trong vui vẻ hay sầu bi, đàn lưu chuyển hay tĩnh tại, thì cuối cùng đều thăng hoa đến ý cảnh trời và người thấu hiểu lẫn nhau. Những ân oán của quá khứ, sự nóng lạnh của cõi đời đều ký gửi trên dây đàn. Còn người gảy đàn có tố dưỡng cao siêu sẽ có thể vượt ra ngoài âm thanh của dây đàn, đạt đến cảnh giới không buồn không vui, vật và người cùng quên lãng nhau.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.