Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Để Gió Cuốn Đi – Tự Truyện của tác giả ÁI VÂN mời bạn thưởng thức.

2. Ông bà ngoại

Anh em chúng tôi không ai biết mặt ông ngoại Thái Đình Lan, chỉ biết ông là một nhà buôn chuyến, chạy tàu thủy từ Hải Phòng đi Hương Cảng. Má được ông ngoại họ Thái đưa đi Hồng Kông học các lớp sinh ngữ, tiếng Anh và tiếng Pháp, ở trường dòng Mary Couvent School, từ lúc bà còn rất nhỏ.

Là con gái ông Thái Đình Lan nhưng má không mang họ Thái, má mang họ Lê – Lê Thị Ái Liên. Mới bảy tuổi tôi đã phát hiện ra cái sự “ngược đời” đó. Tôi hỏi má, má tủm tỉm cười xoa đầu tôi: “Lớn lên rồi con sẽ biết thôi mà”. Lần nào nghe má nói vậy tôi đều giãy nảy: “Không không không, má kể ngay bây giờ cơ”. Má lại “giở bài”gãi lưng cho tôi ngủ: “Hỏi ngoại đi, ngoại biết nhiều lắm”.

Hỏi bà ngoại thật khó. Ngoại ít mắng mỏ cháu chắt, bà bày vẽ rất tận tình bất kỳ việc gì nhưng ít khi bà chịu tâm sự chuyện đời bà cho cháu chắt nghe. Khi nào tôi sà đến nũng nịu: “Ngoại ơi… ngoại kể đi!” là bà thủng thẳng tra thuốc lào, thủng thẳng cắm cái xe điếu vào bình bát, thủng thẳng thắp đóm rít một hơi, ngửa cổ phà cho hết khói. Xong, bà rót nước uống, trầm ngâm, mãi rồi mới nói: “Chuyện đời sơ, kể làm cái gì”.

Tôi cố moi được chuyện của bà ngoại. Mới bảy tuổi tôi đã láu lỉnh cố cưa đổ bà. Mỗi khi muốn ngoại kể chuyện, tôi lân la quanh bà, khi thì đấm lưng khi thì nhổ tóc ngứa. Thấy ngoại rít thuốc lào là tôi vội vàng rót bát nước chè xanh dâng lên tận miệng bà. Tôi cứ đứng nâng cái bát đợi đến khi khói bay hết miệng bà. Ngoại xoa đầu tôi khen ngoan rồi bưng bát nước chè uống vài ngụm. Tôi lại lúi húi xoi nõ cho ngoại, bà lại xoa đầu khen ngoan. Khi đó tôi mới nũng nịu vòi bà: “Ngoại ơi…ngoại kể đi!”.

Ngoại cười, cốc nhẹ đầu tôi: “Cái con này đòi gì cũng dai ghê!” Và rỉ rả kể. Ngoại kể rất dài, tôi chỉ còn nhớ được thế này thôi: Ông ngoại họ Thái nghiện thuốc phiện, mê hát ả đào. Nhiều lần ông bỏ nhà lên Hà Nội cả tháng không về. Có lần bà lên Hà Nội tìm, bà vào một nhà phố Khâm Thiên, thấy ông ngoại đang nằm gác đầu lên đùi một cô vừa nghe hát ả đào vừa hút thuốc phiện. Chịu không thấu, bà ly dị rồi kết hôn với ông Lê Văn Thuyết. Từ đó bà ngoại cho má tôi đổi từ họ Thái sang họ Lê.

Tình già

Vậy là tôi có hai ông ngoại, ông ngoại họ Thái và ông ngoại họ Lê. Má kể, ông ngoại Lê Văn Thuyết là nhà báo, tên thường viết trên sách báo là Già Thuyết, khi ở Pháp mang tên Leon Thuyết. Ngoài ra ông ngoại là một nhiếp ảnh gia, một thợ sửa ảnh chuyên nghiệp… Cái thời mà máy ảnh là một cái gì thật cao sang, anh em chúng tôi rất tự hào về nghề báo, nghề “nhiếp ảnh gia” của ông ngoại. Tuổi thơ thường bấu víu vào những niềm tự hào nho nhỏ như thế. Chúng tôi lục tung cả nhà lên để tìm những bài báo, những bức ảnh ông Lê Văn Thuyết để lại nhưng chẳng thấy. Vừa tiếc vừa tức, lũ nhóc chúng tôi trách thầm bà ngoại và ba má không để tâm tới niềm tự hào của con trẻ.

Bà ngoại Trần Thị Sinh cùng gánh cải lương Liên Hiệp đi lưu diễn vùng mỏ, 1935

Bà ngoại kể, lấy ông Lê Văn Thuyết cũng khổ lắm. Khi mới quen bà ngoại chỉ biết ông ngoại là thợ ảnh “cũng kiếm được tiền”, ngoài ra không biết gì hết. Không ngờ ông bí mật hoạt động cách mạng. Năm 1931 bị mật thám từ Sài Gòn ra Bắc truy lùng, ông bèn mang cả nhà chạy sang Hồng Kông. Ở Hồng Kông vài tháng, mật thám Pháp lại phát hiện và truy đuổi. Ông phải trốn khỏi Hồng Kông chạy sang Thượng Hải. Gia đình ngoại ly tán từ đấy.

Bà ngoại và má ở Hồng Kông chờ ông ngoại từ Thượng Hải quay về. Chờ ba, bốn năm không được. Hỏi ai cũng không biết. Đến cuối năm 1935 đọc báo mới hay tin ông ngoại bị mật thám Pháp bắt. Sau lại nghe đồn ông “bị thủ tiêu rồi”. Bà ngoại mang má về nước. Hai má con dắt díu nhau lưu diễn khắp nơi, có biết đâu ông ngoại không bị thủ tiêu mà bị tra tấn đến mù mắt. Đầu năm 1940 ông ngoại trở về Hải Phòng, không thấy má đâu, mắt mù sức yếu, tiền bạc không có vô cùng khổ sở. May cụ Trần Thị Thanh, tức dì ruột bà ngoại, hay tin mới đem ông về nuôi.

Cụ Thanh sai con trai cả là ông Sách đi tìm thầy, tìm thuốc để chữa mắt cho ông ngoại. Chữa mãi không khỏi. Cụ Thanh lại sai ông Sách liên lạc cho kỳ được bà ngoại và má, báo tin ông ngoại đã về. Lúc này ba má đã cưới nhau, ba đem má và bà ngoại theo Gánh hát Đại Phước Cương đi diễn khắp Đông Dương. Ông Sách không cách nào tìm được. Cái thời Hải Phòng – Sài Gòn cách xa nhau như Việt Nam với nước Mỹ, tìm kiếm thông tin người thân khác nào đáy bể mò kim.

Mãi đến năm 1945 ba hay tin ông bác Hà Quang Bính mất vội kéo cả nhà ra Hà Nội chịu tang. Vừa xuống ga Hàng Cỏ cả nhà ngạc nhiên thấy ông Sách đứng đón. Thì ra ông Sách đọc báo thấy tin tang lễ ông Hà Quang Bính, đoán thế nào ba cũng đưa bà ngoại ra mới đi tàu từ Hải Phòng lên đón sẵn. Thấy bà ngoại ông Sách nói ngay: “Anh Thuyết còn sống chị Sinh ơi!”. Ông Sách kể lể sự tình. Bà ngoại khóc nấc lên, vội vã về thắp hương cho ông Bính rồi theo ông Sách lên tàu về Hải Phòng, không kịp ăn uống gì.

*

Ở nhà cụ Thanh, ông ngoại suốt ngày ra cổng đứng chờ mấy ngày trời, không ăn, không ngủ. Chiều tối bà ngoại về tới nhà, mọi người bí mật không nói gì xem ông ngoại có biết không. Bà ngoại đứng im cách ông chừng chục bước. Con chó tự dưng sủa khan mấy tiếng. Ông ngoại hất mặt lên bước thẳng ra, ông đi như người mắt sáng vậy. Tới gần bà ngoại, ông kịp nói một tiếng “em!”. Và rơi sụp xuống dưới chân bà ngoại. Hai người ôm nhau khóc lặng lẽ, cứ ôm nhau lặng lẽ khóc vậy thôi, không nói một tiếng nào.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x