Đi Qua Nước Mắt Nụ Cười – Tập 1: Hồi Ức – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Tôi chào đời ngày 18-10-1951, tại một vùng quê nghèo thuộc Chợ Gò Mỹ Thịnh, xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Nghe mẹ kể, đó là một ca sinh khó nhưng tôi lại chào đời… im ru không một tiếng khóc, cũng chưa biết là trai hay gái. Đỡ đẻ là chị Toàn, con cô Bốn chị của thầy tôi [2] – thầy tôi thứ Năm. Tuy ở tỉnh nhưng chị Toàn lúc ấy đã có bằng Sage Femme D’État (Nữ hộ sinh Quốc gia) của chính quyền thuộc địa Pháp. Chị ngạc nhiên kêu lên:
– Trời đất, đứa nhỏ này sao kỳ vậy?
Mẹ tôi hoảng hốt cố nhìn xuống thì thấy đứa con chỉ là một khối tròn đẫm nước ối! Mẹ đang muốn xỉu thì chị Toàn hạ giọng vừa sợ sệt vừa mừng rỡ:
– Hình như nó… đẻ bọc?… Để coi… Làm sao gỡ cái bọc cho nó khóc mới thở được…
Mẹ tôi kể, đó là một cái bọc trắng (phải chi bọc điều chắc đời tôi sướng lắm!) bao hết toàn thân tôi. Chị Toàn phải mằn mò cái bọc, tìm chỗ là cái miệng của tôi để thọc ngón tay vào đâm lủng rồi từ đó xé ra! – đâm trúng con mắt chắc tôi đã thành… thằng chột! Thằng tôi lúc ấy mới tha hồ mà khóc!
Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe
Trần có vui sao chẳng cười khì
Tôi sinh ra đời không khóc không cười, không biết có phải là dị nhân? Không rõ, chỉ biết tôi thuộc loại bịnh tật dặt dẹo từ nhỏ nhưng rất lì, dù thể lực yếu kém nhưng hầu như không việc gì không dám làm.
Chợ Gò Mỹ Thịnh là một làng nghèo ở ngay chân một ngọn núi thuộc dãy Trường Sơn, nghèo tới mức có tiếng “chó ăn đá gà ăn muối”. Tôi lúc ấy là thằng con thứ… bảy của mẹ, một cô giáo vùng kháng chiến Liên khu 5, làm sao có đủ sữa để bú? Chỉ được nước cháo cầm hơi, tôi khóc ngặt nghẹo suốt ngày, được mẹ thương ấn vú vào là lập tức ngậm chặt nút lấy nút để không buông, dù không có miếng sữa nào – có lẽ vì vậy mà sau này miệng móm?
Đến đây thì chắc phải đặt câu hỏi, vì sao năm 1943, thầy mẹ tôi, vừa đang làm báo Sài Thành vừa đang dạy học ở Sài Gòn, đã có ba đứa con đầu cộng thêm ba đứa con riêng của thầy, lại dắt díu nhau trở về quê nghèo để chịu đựng quá nhiều cực khổ? Chắc không gì hơn là xin trích một đoạn ngắn trong hồi ký của mẹ tôi về khoảng thời gian này:
“… Năm 1943, khi máy bay Đồng minh thả bom xuống Sài Gòn, chồng tôi đang làm việc ở Huế, nhắn tin tôi phải dẫn lũ nhỏ về gấp Quảng Ngãi để tránh bom. Mặc dù cha mẹ tôi ngăn cản, anh chị chồng tôi không bằng lòng, nhưng tôi vẫn cứ thu xếp sang nhà, bán đồ đạc, sắp xếp đâu vào đó để đưa mấy đứa con về Quảng.
Có chồng thì phải theo chồng
Chồng đi hang rắn, hang rồng cũng theo.
Tôi đã làm một cuộc hành trình vất vả nhưng rồi cũng đến quê chồng, một thị xã Tư Nghĩa quá nghèo nàn nhỏ bé so với Sài Gòn hoa lệ và náo nhiệt của lũ con tôi, lúc ấy mới có ba đứa.
Vừa thu xếp tạm ổn cuộc sống ở đây thì sau Cách mạng Tháng Tám, quân Nhựt [4] đầu hàng, Quảng Ngãi lại phải tiêu thổ kháng chiến vì hạm đội Mỹ đang đậu ngoài khơi. Chúng tôi lại phải di tản một lần nữa, lần này thì lên Chợ Gò Mỹ Thịnh, vì chồng tôi có ông bạn học cũ rất thân trên đó.
Lại một lần nữa tay bế tay bồng đi lánh nạn, phải mất cả năm mới ổn định được cuộc sống ở đây.
Chợ Gò Mỹ Thịnh ở Nghĩa Thắng, một xã nghèo nhất quận Tư Nghĩa, nằm giữa bốn xã dân giàu đất rộng là An Mỹ, An Hội, Phước Lộc và Xóm Bùn; những nơi vừa giàu lúa, vừa có những công nghệ như dệt lụa, làm đường, sản xuất nước mắm… Còn Mỹ Thịnh thì đất cằn cỗi, quanh năm chỉ trồng khoai mì, khoai lang. Người dân ở đây chỉ biết làm thuê, làm mướn; đàn ông đi đốt than trên núi, đàn bà đi đốn củi trong rừng.
Tản cư lên một vùng như vậy, riêng phần tôi, tôi cũng tự hỏi không biết lấy gì để sống đây?…”
Không biết lấy gì để sống đây, vậy mà có vẻ như thầy mẹ tôi vẫn… hạnh phúc.
Bởi sau ba đứa con đầu bồng ra từ Sài Gòn (Nguyễn Thị Thanh Hương, Nguyễn Thị Nghi Xương, Nguyễn Đức Trạch), cứ ba năm một mẹ tôi tiếp tục sòn sòn cho ra đời thêm ba thằng con trai: Nguyễn Đức Lập (1945), Nguyễn Đức Thạch (1948) và tôi (1951). Mẹ còn lãnh nuôi luôn một gánh ba người con đời vợ trước của thầy tôi là chị Trần Bạch Liên (tên ở nhà là “Hai Xíu”, vì người chị nhỏ xíu), anh Trần Đức Thạnh, chị Trần Quang Thế. (Sở dĩ các anh chị lấy họ Trần của mẹ ruột vì cuộc hôn nhân với thầy tôi không chính thức, không có hôn thú).
Trong thời gian đó thầy mẹ tôi làm gì?
Chị Thanh Hương kể: “Công việc của các chị lúc đó, cực khổ lắm… Chị và chị Thế bán gánh hàng xén [5] ở Chợ Gò Mỹ Thịnh. Ở đây có thể nhìn thấy rặng Trường Sơn không xa, dân làng thường lên núi đốn củi sáng đi chiều về. Mỗi chiều ở nhà mình ngắm Thạch Bích Tà Dương [6] rất là đẹp. Gánh hàng xén của hai chị gồm một đôi gióng bằng mây, một cây đòn gánh, hai cái thúng với nhiều chiếc sàng để chồng lên. Rồi hai cái ghế đòn mắc vào chiếc gióng để đến nơi lấy ngồi bán. Khi dọn hàng bán thì bày ra trên các chiếc sàng. Hàng bán gồm nhiều thứ, như dầu dừa (vừa thắp đèn vừa dùng để nấu ăn), muối hột, tiêu, mắm, mực tím học trò từng viên nhỏ… Chị Thế gánh hàng chạy trước, chị lúp xúp theo sau… Chị còn nhớ có những hôm bán muối hột rất đắt hàng.
Muối đong bằng cái chung, người đi chợ xúm mua, vài bữa là hết muối bán. Sau đó dân chúng phải đi… gánh nước biển về dùng. Từ núi đi đến biển phải mất mấy ngày, họ đi từng đoàn, mỗi người gánh được hai chiếc vại nhỏ. Để tránh nước bị sánh ra ngoài khi gánh chạy, người ta phải bỏ vào vại vài nhánh lá. May phước là nhà mình còn muối… Tan chợ trên đường về thì hai chị em đi lượm gốc khoai mì về róc vỏ phơi khô làm củi. Chị đi chợ nấu ăn, ra giếng múc nước lên giặt đồ, có khi xay lúa giã gạo. Chị Thế gánh nước tưới cây. Em Xương với em Trạch cùng khiêng cái lu nhỏ phụ với chị Thế… Nhà mình quen nếp Sài Gòn không ăn cơm ghế (nấu độn) với khoai được, nên nấu hai lon gạo và một nồi khoai, mỗi người ăn một chén cơm không rồi ăn vài củ khoai lang hoặc vài khúc khoai mì… Bây giờ nghĩ lại chị cũng không biết hồi ở Quảng Ngãi gia đình mình sống bằng cách gì, vì việc đi dạy của thầy mẹ hầu như không có lương…”.
Sách liên quan
Người Yêu Hoàn Mỹ – Đọc sách online ebook pdf
Triêu Tiểu Thành
Thùng cơm sát vách – Đọc sách online ebook pdf
Tửu Tiểu Thất
Tiểu Béo – Đọc sách online ebook pdf
Tửu Tiểu Thất