Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Đi Trốn của tác giả Bình Ca mời bạn thưởng thức.

2. SƠ TÁN

Năm 1954, Hiệp định đình chiến Geneva được ký kết. Đất nước chia cắt thành hai miền qua vĩ tuyến 17. Quân Pháp rời khỏi miền Bắc, Việt Minh rút khỏi miền Nam. Hai bên thỏa thuận sẽ tiến hành tổng tuyển cử một cách tự do và dân chủ để thống nhất đất nước trước tháng 7 năm 1956.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định cuộc tổng tuyển cử sẽ không thể tiến hành theo đúng Hiệp định Geneva. Vì vậy, ông chủ trương cho một số con em cán bộ, bộ đội miền Nam ra Bắc, với dụng ý chuẩn bị lực lượng kế cận cho cuộc chiến đấu trường kỳ. Các Trường Học sinh Miền Nam được thành lập ở Thanh Hóa, Thái Bình, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Quảng Ninh…

Để tiếp nhận các cháu bé từ miền Nam ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giao cho cô Tụy Phương, giám đốc Trại Nhi đồng Khe Khao, về Hà Nội thành lập Trại Nhi đồng Miền Nam. Cô được lãnh đạo Thành phố giới thiệu cho một khu đất ở Thái Hà Ấp, phía sau Gò Đống Đa. Nơi đây thoáng mát, xung quanh là hồ. Có hai dãy nhà, tổng cộng mười hai căn, mỗi căn cách nhau năm, sáu mét và một xưởng lớn.

Sau khi xây dựng xong Trại Nhi đồng Miền Nam, cô Tụy Phương được giao tiếp nhiệm vụ thành lập Trại Nhi đồng Miền Bắc để đón các cháu từ Khe Khao về.

Trại Nhi đồng Miền Bắc ở 20 phố Thụy Khuê, sát Hồ Tây. Trước kia, nơi đây là khu nhà nghỉ cuối tuần của sĩ quan Pháp. Từ ngày Cách Mạng tiếp quản, khu này tạm thời bị bỏ hoang.

Tháng 2 năm 1955, Tự Thắng cùng các bạn trở về Thủ đô. Cùng với số học sinh ở Hà Nội bổ sung, trại có 100 cháu, từ 3 đến 6 tuổi, sinh hoạt theo chế độ nội trú. Bố mẹ nào có điều kiện, cuối tuần có thể đón con về. Không ít cháu từ lúc nhập trại đến lúc ra không được bố mẹ đón lần nào.

Theo quy định, những cháu người miền Nam sẽ được gửi sang Trại Nhi đồng Miền Nam. Việc phân chia này là để các cháu hằng ngày được nghe giọng nói của quê hương, và giúp các cháu không quên mình là một phần của mảnh đất mà một ngày nào đó các cháu sẽ quay trở về. Ban đầu má Việt Bắc định cho nó sang Trại Nhi đồng Miền Nam vì chế độ ở trại bên đó cao hơn trại miền Bắc, do chính sách ưu tiên miền Nam. Nhưng Việt Bắc đã quen với cô, với bạn nên không chịu đi. Nó vẫn tiếp tục ở lại Trại Nhi đồng Miền Bắc cho đến khi tốt nghiệp “đại học chữ to”.

Đầu tháng Tám năm 1964 xảy ra cái gọi là “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”. Theo những nguồn thông tin khác nhau, đây chỉ là cớ người Mỹ viện dẫn để mở màn chiến dịch dùng không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam. Ngày 7/2/1965, Mỹ ném bom thị xã Đồng Hới, Quảng Bình, chính thức mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất. Mục đích của việc ném bom nhằm phá hủy hệ thống giao thông, các cơ sở công nghiệp, lực lượng phòng không của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và ngăn chặn sự tiếp viện cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam.

Trừ những cơ quan, đơn vị bắt buộc phải ở lại, người Hà Nội hối hả sơ tán và tổ chức sơ tán cho học sinh, sinh viên. Khi chiến tranh phá hoại trở nên ác liệt, số học sinh miền Nam được sơ tán sang tận Quế Lâm, Trung Quốc. Cùng sang Trung Quốc còn có Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Vần Trỗi, đa phần là con em cán bộ trung, cao cấp của trung ương và quân đội. Đó là lứa học sinh được nhà nước đặc biệt quan tâm về việc đảm bảo an toàn.

Tự Thắng và các bạn ở Trại Nhi đồng Khe Khao giờ đã là những học sinh cấp II, cấp III. Trừ một số ít về quê với ông bà, phần lớn sơ tán theo trại của cơ quan bố hoặc mẹ. Một lần nữa, Tự Thắng, Việt Bắc, Thảo… lại đi trại cùng nhau, nhưng lần này không theo trại của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, mà theo cơ quan của bố. Những đứa bé (học sinh cấp I trở xuống) được ở tập trung, có người chăm sóc và học lớp riêng do trại tổ chức. Số còn lại ở nhờ nhà dân và học trường làng. Hầm trú ẩn xuất hiện ngày càng nhiều ở các miền quê thanh bình. Giao thông hào chạy từ cửa lớp ra các hầm chữ A. Mỗi học sinh đến trường đều mang theo một chiếc mũ rơm. Theo hướng dẫn, mũ rơm có tác dụng dảm bảo an toàn cho những vùng quan trọng nhất của cơ thể khi mảnh đạn hoặc các viên bom bi bắn vào. Cùng với thời gian, những chiếc mũ rơm được cải tiến và phát huy thêm tác dụng. Loại rộng vành, được kết bằng những sợi rơm vàng óng, vừa bảo vệ đầu, che nắng, vừa để bọn con gái làm đẹp. Loại tròn đeo lưng bảo vệ cột sống, có thể làm đệm ngồi học hoặc gối ngủ. Tuy vậy, những chiếc mũ này có khả năng vô hiệu hóa bom đạn của Không lực Hoa Kỳ tới đâu thì chưa bao giờ được tổng kết.

Tự ThắngLinh được phân ở nhà ông Hải Rắn. Trong cải cách ruộng đất, ông bị quy là Quốc dân Đảng phản động. Nếu không được minh oan vào phút cuối, ông đã bị xử bắn. Từ đó, ông bỏ nghề làm thuốc của cha ông, chuyển sang bắt rắn kiếm sống. Sơn, con trai ông Hải, cũng trạc tuổi hai đứa nhưng đã bỏ học, ở nhà giúp bố. Trong nhà ông Hải lúc nào cũng có những bình rượu thuốc tam xà, ngũ xà. Một lần Tự Thắng, Việt Bắc và Linh đứng xem ông mổ rắn. Ông lấy ba quả tim bỏ vào một cái đĩa. Dù đã bị lấy ra ngoài, mấy quả tim rắn vẫn co bóp không ngừng. Ông Hải nhặt một quả cho vào miệng nuốt chửng, bảo “ăn gì bổ nấy”. Sau khi tợp thêm ngụm rượu, ông chìa đĩa mời bọn trẻ con. Tự Thắng ngần ngừ rồi nhón một quả, nhắm mắt nuốt, còn Linh mặt tái nhợt, chạy ra phía sau nôn thốc nôn tháo. Sau lần đó, không bao giờ Linh xem ông Hải mổ rắn nữa.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x