Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Địa Lý các Tỉnh Và Thành Phố Việt Nam Tập 3 – Vùng Tây Bắc và Vùng Bắc Trung Bộ của tác giả Lê Thông mời bạn thưởng thức.

II – ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN

1. Địa hình

Lai Châu có địa hình phức tạp, phần lớn diện tích là đồi và núi thấp, tuy nhiên núi trung bình và núi cao cũng không hiếm, với những đỉnh cao trên dưới 2000m, thậm chí vượt quá 3000m. Các dãy núi đều chạy theo hướng tây bắc – đông nam, nổi bật là dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ nằm ở phía đông của tỉnh, chạy dài gần 80 km, với đỉnh Phan Si Păng cao nhất nước ta (3143m). Từ mỗi dãy núi lớn lại có nhiều nhánh núi nhỏ phân ra theo nhiều hướng khác nhau. Phía bắc có đỉnh Phu Xi Lung (3.076m), phía tây có đỉnh Pu Đen Đinh (1.886m) và dãy Phu San Cap kéo dài 50-60 km.

Vùng núi, cao nguyên đá vôi có quá trình xâm thực xảy ra rất mạnh, tạo thành các dạng địa hình cacxtơ độc đáo.

Xen giữa núi và cao nguyên là các thung lũng hoặc lòng chảo có bề mặt tương đối bằng phẳng, nhưng dạng địa hình này chiếm diện tích không lớn. Đáng chú ý nhất là cánh đồng Mường Thanh.

Nét nổi bật của địa hình Lai Châu là cao, độ dốc lớn, mức độ chia cắt sâu và chia cắt ngang đều lớn, quá trình bào mòn và xâm thực xảy ra rất mạnh. Do vậy, việc mở mang để xây dựng và giao lưu với bên ngoài gặp nhiều khó khăn.

Cũng cần lưu ý thêm là, do đặc điểm địa chất nên trên đất Lai Châu cũng hay xảy ra hiện tượng động đất làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân nơi đây.

2. Khí hậu

Lai Châu có khí hậu nhiệt đới núi cao. Đặc điểm khí hậu tương tự như của các tỉnh khác trong miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của địa hình nên nền nhiệt cao hơn so với các nơi khác có cùng độ cao ở trong vùng. Một số chỉ tiêu chính của khí hậu : số giờ nắng trong năm 2200 – 2400 giờ, nhiệt độ trung bình cả năm 20 – 21°C, lượng mưa trung bình 1600 1700 mm/năm (nơi mưa nhiều nhất là Mường Tè, có thể lên tới 3200 mm/năm. Ở các thung lũng thường mưa ít hơn, do bị khuất gió), độ ẩm trung bình 80-85%.

Khí hậu có hai mùa rõ rệt. Mùa khô lạnh thường từ tháng XI đến tháng III năm sau; mùa này thời tiết rất khô hanh, có thể có mưa phùn nhưng lượng mưa không đáng kể, thường xuất hiện sương muối gây nhiều tác hại cho sản xuất nông nghiệp. Mùa mưa, nóng ẩm từ tháng IV đến tháng X, lượng mưa khá tập trung, gây lũ lụt, xói mòn đất, ảnh hưởng lớn tới sản xuất và đời sống.

Tuy có nhiều khó khăn nhưng khí hậu Lai Châu đã tạo điều kiện để phát triển nhiều loại cây trồng nhiệt đới và cận nhiệt đới.

3. Thủy văn

Nguồn nước của Lai Châu tương đối dồi dào. Toàn tỉnh có 3051 km sông suối lớn nhỏ. Dòng sông chính chảy qua tỉnh là sông Đà. Sông Đà bắt nguồn từ huyện Cảnh Dương – Vân Nam – Trung Quốc, dài tổng cộng 1010 km, phần ở Việt Nam là 570 km. qua Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình rồi hội lưu với sông Hồng ở Việt Trì – Phú Thọ. Ngoài ra còn một số sông khác như Nậm Na, Nậm Mức, Nậm Mu… Các dòng sông nhìn chung đều chảy theo hướng tây bắc – đông nam. Lòng sông dốc, lắm thác nhiều ghếnh; lượng dòng chảy lớn, chia làm hai mùa rõ rệt, mùa lũ trùng với mùa mưa, khi có mưa lớn nước dồn vào sông suối rất nhanh, gây lũ đột ngột.

Lai Châu là tỉnh đầu nguồn của nhiều sông suối, có nguồn thủy năng dồi dào, là điều kiện để phát triển thủy lợi, thủy điện phục vụ sản xuất và đời sống.

4. Đất đai

Đất đai ở Lai Châu có thể chia làm hai nhóm chính :

+ Nhóm đất đồi núi (đất feralit đồi núi) có khoảng 1,4 triệu ha, chiếm 82 % diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Nhóm đất này phần lớn nằm ở độ cao 1000m, độ dốc trên 25°, bị rửa trôi mạnh, độ chua cao.

+ Nhóm đất ruộng có khoảng 170 nghìn ha. Nhóm này gồm chủ yếu là đất feralit và đất bồi tụ có nguồn gốc phù sa cổ, tầng đất mỏng, thành phần cơ giới từ đất thịt trung bình đến đất thịt nặng; có ý nghĩa trong việc phát triển lâm nghiệp, trồng cây công nghiệp lâu năm và chăn nuôi gia súc lớn.

Diện tích đất tự nhiên của Lai Châu là 1691,92 nghìn ha, được chia ra theo mục đích sử dụng như sau :

+ Đất nông nghiệp: khoảng 150,5 nghìn ha (8,9%)

+ Đất có rừng : khoảng 464,7 nghìn ha (27,4%)

+ Đất chuyên dùng: khoảng 8,8 nghìn ha (0,5%)

+ Đất ở: khoảng 3,9 nghìn ha (0,2%)

+ Đất chưa sử dụng: khoảng 1064,0 nghìn ha (63,0%)

5. Sinh vật

Rừng và đất rừng có 1,3 triệu ha, chiếm 76,9% diện tích tự nhiên của tỉnh. Do kĩ thuật canh tác nông nghiệp lạc hậu, phá rừng, đốt nương làm rẫy, nên rừng đã bị tàn phá nặng nề, diện tích rừng chỉ còn 464,7 nghìn ha (452,6 nghìn ha rừng tự nhiên và 12,1 nghìn ha rừng trống), chiếm 27,4% diện tích tự nhiên toàn tỉnh.

Rừng Lai Châu có nhiều gỗ quý, có giá trị kinh tế cao như lát, chò chỉ, nghiến, táu, pơ mu… Tuy nhiên, diện tích đất có rừng chiếm tỉ lệ rất thấp. Cùng với việc mất rừng là sự suy giảm tới mức báo động của lâm sản và động vật quý hiếm, sự mất cân bằng sinh thái, xói mòn đất, lũ quét… gây thiệt hại lớn về người và của, sông ngòi cạn kiệt nước vào mùa khô và lũ lớn vào mùa mưa, nguồn nước sinh hoạt của cư dân một số vùng cao bị thiếu hụt nghiêm trọng.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x