
Địa Lý các Tỉnh Và Thành Phố Việt Nam Tập 4 – Duyên Hải Nam Trung Bộ Và Tây Nguyên – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Địa Lý các Tỉnh Và Thành Phố Việt Nam Tập 4 – Duyên Hải Nam Trung Bộ Và Tây Nguyên của tác giả Lê Thông mời bạn thưởng thức.
2. Khí hậu, thuỷ văn
a) Khí hậu
Đà Nẵng nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình, nền nhiệt độ cao và ít biến động. Chế độ ánh sáng, mưa ẩm phong phú, nhiệt độ trung bình hàng năm trên 25°C, trung bình cao nhất vào các tháng VI, VII, VIII tới 28 – 29°C, thấp nhất vào các tháng XII, I, II. Ở độ cao gần 1.500m (khu vực núi Bà Nà), nhiệt độ trung bình khoảng 20°C. Tổng số giờ nắng trung bình năm 2.100 – 2.300 giờ/năm. Lượng mưa trung bình năm của Đà Nẵng khoảng 2.700 -2.800 mm. Độ ẩm tương đối trung bình khoảng 83 – 84%.
Khí hậu có 2 mùa rõ rệt. Mùa mưa kéo dài từ tháng 8 đến tháng 12 và tuỳ từng năm thỉnh thoảng có đợt rét mùa đông, nhưng không rét đậm và kéo dài. Mùa khô từ tháng 1 đến tháng VII, mưa ít, nền nhiệt cao gây hạn nặng, một số cửa sông bị nước mặn thâm nhập.
b) Thuỷ văn
Đà Nẵng có hai sông chính chảy qua là sông Hàn và sông Cu Đê. Hai con sông này đều bắt nguồn từ vùng đồi núi phía tây, nơi có độ cao trung bình trên một nghìn mét và có lượng mưa lớn.
Sông Hàn là phần hạ lưu của sông Thu Bồn. Sông này không dài nhưng khá rộng, bắt nguồn từ Lỗ Động, chảy qua Đông Bích, Tuý Loan, Bồ Bản, rồi nhận nước của sông Yên từ Ái Nghĩa chảy xuống và qua Cẩm Lệ (nơi nổi tiếng về thuốc lá ngon), sau đó gặp sông đào Vĩnh Điện, đổ ra vũng Hàn. Sông Hàn có mực nước dao động phụ thuộc vào thuỷ triều và dòng chảy thượng nguồn.
Sông Cu Đê dài 38 km, chảy qua một số phường, xã ở phía bắc thành phố. Sông này có giá trị giao thông nối Nam Ô – Liên Chiểu với vùng bán sơn địa phía tây thành phố.
Tổng lượng nước mặt của sông Hàn và sông Cu Đê hàng năm khoảng 8 tỉ m³. Song do lượng mưa chỉ tập trung trong 3 tháng nên mùa mưa thì thừa nước, gây ngập úng, mùa khô lại thiếu nước và bị ảnh hưởng mặn do thuỷ triều.
Nguồn nước ngầm ở Đà Nẵng phong phú, phân bố ở đồng bằng ven biển, từ Nam Ô đến Sơn Trà, Hoà Hải. Các khu vực có triển vọng khai thác nguồn nước ngầm là ở tệp đá với Hoà Hải – Hoà Quý. Nguồn nước ngầm ở Hoà Hải – Hoà Quý có chiều sâu tầng chứa nước 50 – 60m, có thể đảm bảo cho nhà máy nước với công suất 5 – 10 ngàn m³/ngày đêm. Khu Hoà Khánh có nguồn nước ở độ sâu tầng chứa nước 30 – 90 m, khả năng khai thác được 10.000 m³/ngày đêm, cung cấp cho khu công nghiệp Hoà Khánh, Liên Chiểu.
c) Hải văn
Từ tháng X đến tháng V năm sau, gió trên vùng biển Đà Nẵng có hướng đông bắc. Từ tháng V đến tháng IX, gió có hướng nam, tây nam, đông nam. Dòng chảy do gió quanh năm có hướng từ bắc xuống nam, tốc độ gió từ 1 – 6 m/s (từ tháng III đến tháng IX) và từ 6 – 15 m/s (từ tháng XII đến tháng II). Hiện tượng bùn cát di chuyển dọc bờ do tác động của gió với khối lượng 730 nghìn m³/năm, trong đó lên phía bắc 110 nghìn m³/năm và xuống phía nam 620 nghìn m³/năm. Điều này lí giải hiện tượng bồi lấp vịnh Đà Nẵng và tạo lập bán đảo Sơn Trà, vùi lấp sông Cổ Cò (đoạn từ Đà Nẵng đến Hội An).
3. Đất đai
a) Các loại đất
Với diện tích 124,8 nghìn ha (chủ yếu là đất đồi núi và đảo, trong đó huyện đảo Hoàng Sa 30,5 nghìn ha), thành phố có các loại đất khác nhau như cồn cát và đất cát ven biển, đất mặn, đất phèn, đất phù sa, đất xám bạc màu và đất xám, đất đen, đất đỏ vàng, đất mùn đỏ vàng, đất thung lũng, đất xói mòn trơ sỏi đá. Trong các nhóm đất trên, nhóm đất phù sa với hơn 10 nghìn ha thích hợp với thâm canh lúa, trồng rau và hoa quả ven đô và nhóm đất đỏ vàng với 662,4 nghìn ha ở vùng đồi núi thích hợp với cây công nghiệp dài ngày, cây đặc sản, được liệu, chăn nuôi đại gia súc và thuận lợi cho việc bố trí các cơ sở công trình hạ tầng kĩ thuật.
b) Hiện trạng sử dụng đất
Đến năm 2000, đất sử dụng vào nông nghiệp là 12,8 nghìn ha (10,3%), vào lâm nghiệp 61,7 nghìn ha (49,4% diện tích tự nhiên), trong đó đất có rừng tự nhiên 53,7 nghìn ha. Đất sử dụng vào các mục đích công nghiệp, xây dựng, thuỷ lợi, kho bãi… là 37,8 nghìn ha (30,3% diện tích tự nhiên) và đất thổ cư 2,1 nghìn ha, trong đó đất đô thị 1,55 nghìn ha, chiếm 1,7% diện tích tự nhiên và bằng 73,5% diện tích đất thổ cư toàn tỉnh. Đất chưa sử dụng là 10,4 nghìn ha, chiếm 8,3% diện tích tự nhiên.
Trong 10,4 nghìn ha đất chưa sử dụng thì đất có khả năng phát triển nông nghiệp là 1,81 nghìn ha, đất đồi chưa sử dụng gần 4,9 nghìn ha. Đây là địa bàn phát triển sản xuất lâm nghiệp, trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc và bố trí các công trình hạ tầng kĩ thuật đầu mới trong tương lai. Đất chưa sử dụng khác khoảng 3,63 nghìn ha. Đất chưa sử dụng phân bố chủ yếu ở huyện Hoà Vang.
04. Tài nguyên sinh vật
Rừng ở phía tây thành phố thuộc kiểu rừng kín lá rộng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới với thành phần loài phong phú, đa dạng, nhiều tầng. Cây rừng ưu thế là cây họ dẻ, dầu, gụ. Diện tích đất lâm nghiệp có rừng năm 2000 của thành phố là 61,7 nghìn ha ; trong đó đất có rừng 52,1 nghìn ha, đất chưa có rừng 9,6 nghìn ha. Rừng tự nhiên có khoảng 37 nghìn ha, rừng trồng 15,1 nghìn ha, tập trung chủ yếu ở phía tây huyện Hoà Vang, một số ít ở quận Liên Chiểu và quận Sơn Trà. Trữ lượng gỗ khoảng 3 triệu m³ 3 ing
Rừng của thành phố, ngoài ý nghĩa kinh tế, còn có ý nghĩa phục vụ nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển du lịch. Bán đảo Sơn Trà, đèo Hải Vân và núi Bà Nà là nơi hội tụ thảm thực vật Bắc – Nam với những khu rừng quốc gia cần phải bảo vệ.
Đà Nẵng có khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa, Sơn Trà và khu nam Hải Vân.
Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa phân bố ở xã Hoà Ninh, Hoà Phú của huyện Hoà Vang, có diện tích 8.838 ha.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.