Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Điệp Vụ Thám Báo của tác giả Hồng Thái mời bạn thưởng thức.

Chương 2

Phường Cơ Xá, cậu bé cứu người không quản lũ

Núi Quán Sơn, chàng trai giúp bạn chẳng màng công

Đỗ Thành, chàng trai có khuôn mặt trái xoan, vầng trán rộng, đôi mắt sáng rực, cao tới bảy thước sáu tấc, sinh trưởng trong một gia đình nho học ở đất kinh kỳ. Cha của chàng làm nghề gõ đầu trẻ, tuy không đỗ đạt khoa cử nhưng rất nổi tiếng trong vùng, nguyên do trong khoa thi năm Bính Dần (1266) có hai vị đậu Thái học sinh từng học thầy hồi nhỏ. Có cha dạy học nên từ thuở lên năm Đỗ Thành đã ê a Tam tự kinh “Nhân chi sơ, tính bản thiện”.

Vậy mà cậu chẳng chí thú học chữ theo nếp nhà như tâm nguyện của cha. Vốn bản tính nhanh nhẹn tháo vát, thích bay nhảy nghịch ngợm hơn là gò lưng trên chiếu đồ chữ nho, thời niên thiếu Thành đã không ít lần bị cha phạt roi bởi những trò phá phách tinh quái cùng lũ trẻ trong xóm. Nhà ở phường Cơ Xá ven sông Hồng, vào mùa cạn bãi sông là nơi cậu cùng chúng bạn chia phe đấu đá theo kiểu “cờ lau tập trận” như Đinh Bộ Lĩnh thời xưa. Quần thảo đất cát chán chê rồi cả bọn lại rủ nhau ra chỗ nước nông vẫy vùng thỏa thích, nên từ nhỏ cậu đã giỏi bơi lặn.

Phường Cơ Xá trước kia là làng An Xá vốn trong phạm vi thành Đại La, tương truyền khi nhà Lý dời đô về Thăng Long đã cho di chuyển cả làng đến chân đê sông Hồng để lấy đất xây kinh thành. Do thiếu đất làm ruộng, cư dân Cơ Xá chủ yếu sống bằng việc trồng dâu nuôi tằm và làm các nghề thủ công, lại có nhiều thế hệ hấp thụ lối sống nền nã của người phố thị nên cái sự ăn ở và sinh hoạt cũng tươm tất, sáng sủa hơn hẳn những thôn làng khác trong vùng. Vì không làm nông nghiệp nên chẳng biết từ đời nào người ta đã quen gọi Cơ Xá là phường, giống như các phường thợ, phường buôn ở kinh thành.

Nhưng do ở gần sông thành ra cư dân Cơ Xá hay phải chạy lụt, trong mười năm có đến hai trận vỡ đê và một trận nước dâng cao vượt qua mặt để đổ vào phường như thác lũ. Cái cơ cực vì lụt lội thì cả phường cùng chịu, nước ngập không phân biệt giàu nghèo, nỗi khổ đồng hạng tự nhiên thành đỡ khổ, cho nên bao năm nay người ta vẫn vui sống mà chẳng ai muốn dời nhà đi chỗ khác.

Bởi vì sự kiếm ăn dễ, thôi thì được thứ này mất thứ kia, người Cơ Xá chấp nhận ở cái chỗ thỉnh thoảng thừa nước còn hơn đến chỗ khô ráo mà thiếu ăn quanh năm. Kinh tế dư dật một tí thời người ta nghĩ tới chuyện kiếm cho con em cái chữ. Đương nhiên nhà ông đồ họ Đỗ là đích ngắm đầu tiên của các bậc cha mẹ nằm mơ thấy con ngâm nga đọc sách dưới bậu cửa thánh hiền.

Sở dĩ tiếng tăm của ông thầy họ Đỗ nổi như cồn vì một lần cả phường chứng kiến quan Ngự sử trung tán Trịnh Quý Đường ngồi kiệu đến thăm thầy cũ. Nhìn vị trọng thần mũ áo xênh xang quỳ lạy thầy trên bậc thềm khiến ai cũng cảm động về nghĩa thầy trò. Họ càng khâm phục hơn nữa trước cử chỉ của thầy khi một mực không nhận cái lễ của trò, mà còn khiêm nhường nói:

– Xin đại nhân chớ có vậy, kẻo tôi hổ thẹn lắm. Chữ của tôi dạy chỉ ở bậc sơ đẳng, có thấm tháp gì so với công rèn đúc mấy mươi năm đạo lý thánh hiền của ngài.

Quan Ngự sử đáp:

– Bẩm thầy, con nhận dù chỉ một chữ cũng đội ơn thầy một đời. Huống hồ ở dưới mái nhà này con đã được thầy dạy dỗ hơn ba năm.

Hồi đấy Đỗ Thành mới lên năm, nấp sau cây cột nghe cha và ông quan lớn nói chuyện mà chẳng hiểu cho lắm, nhưng cậu vẫn cảm nhận được cái việc học chữ để thành tài sao mà tốn nhiều thời gian đến thế.

Hằng ngày, bất kể mưa hay nắng, lúc ít thì năm đứa, lúc đông thì tới mười đứa trẻ gò lưng trên hai chiếc chiếu được trải ở giữa nhà, rồi theo hiệu lệnh của thầy mà đồng thanh đọc chữ bằng cái lối ngâm nga như thầy chùa tụng kệ. Ông đồ ngồi ghế cao, tay lăm lăm thanh tre, phải đứa nào ngủ gật hoặc đọc sai thì thể nào cũng bị cái que của thầy khỏ cho mấy cái vào đầu. Chẳng biết có phải từ lối dạy học bằng roi của ông thầy ở Cơ Xá hay vì một nguyên cớ nào khác mà từ đó người ta gọi công việc của thầy đồ dạy con nít là nghề “gõ đầu trẻ”. Cũng may nhờ cách dạy nghiêm khắc của Đỗ sư phụ nên lắm học trò khi trưởng thành tuy chẳng đỗ trạng, đỗ nghè nhưng chí ít cũng bỏ được tật nói ngọng cố hữu. Trong số đám trẻ mài đũng quần trên chiếu, tất nhiên có Đỗ Thành, cậu con cả của thầy, vốn được ông rất kỳ vọng về con đường hoạn lộ mai sau.

Lâu nay dân gian vẫn cho rằng làm thầy đồ dạy học cho đám trẻ ranh hỉ mũi chưa sạch thời chẳng thể giàu, nhưng ở Cơ Xá thì khác. Cái nhà ngói năm gian của ông thầy họ Đỗ cũng bề thế không kém nhà phú hào trong phường. Nhà ngói vững chãi hơn nhà gianh, vì thế cái mái ngói của ngôi nhà trở thành nơi bấu víu sinh mạng của cả gia đình mỗi khi Nhị Hà trở chứng dâng nước thúc vỡ đê. Và dụng cụ cứu hộ thường trực trong nhà không gì khác ngoài cái thang tre cao tới mái. Mỗi năm vào mùa lũ, chẳng cần biết nước sông đầy hay vơi, ông đồ đem thang ra dựa vào mái rồi chằng dây cột cho khỏi nghiêng đổ. Nếu cơ sự ập đến bất ngờ, dù ông có nhà hay vắng nhà, thì lớn bé trong nhà ai cũng có thể tự leo lên mái mà thoát nạn. Cũng từ chuyện lụt lội mà cậu bé Đỗ Thành đã một lần thể hiện tính cách dũng cảm khi xả thân cứu người trong cơn hồng thủy của hà bá. Để rồi nhiều năm sau cái duyên nợ sinh tử ấy đã cột chặt vào tâm hồn tinh khiết của chàng trai tuấn kiệt vốn thề nguyền một đời tận trung báo quốc.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x