Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Đọc Lại Thất Chân Nhân Quả của tác giả Huệ Khải mời bạn thưởng thức.

Chương 2. NGƯỢC DÒNG THẾ TỤC XUÔI ĐƯỜNG PHẬT TIÊN

1. Thượng đức và hạ đức

Theo Thất Chân Nhân Quả (Hồi Thứ Hai), sau khi xuống núi bị té ngã vì vấp dây cát đằng, ông Vương tỉnh dậy, thấy mình đang nằm trong phòng riêng.

Vợ ông vào thăm, kể rằng người nhà phải đi tìm, thấy ông say rượu nằm bên câu, họ bèn xốc lên xe chở tuốt về nhà. Ông ngủ li bì một ngày một đêm mới tỉnh. Bà căn nhằn ông giao du phóng túng với kẻ xa lạ, không biết giữ gìn thân phận của người danh giá có chức tước triều đình ban thưởng.

Ông Vương cãi, bảo hai vị khách ấy là Thần Tiên nhưng bà khăng khăng đề quyết họ chỉ là phường bất lương, quân lừa đảo. Nghĩ bụng không thể hơn thua lý lẽ với đàn bà được, ông Vương giả vờ khen vợ nói phải, để bà chịu bước ra ngoài, còn ông được yên ổn một mình.

Năm sau, nhớ lời hẹn của hai vị Đại Tiên, ông Vương quay lại chỗ cũ. Được hai Tổ Sư truyền đạo xong, ông trở về nhà, tâm hồn đổi khác, đầu óc như mải nghĩ chuyện đâu đâu. Vợ ông thấy vậy, tỉ tê khuyên nhủ:

“Ông mấy lần xem thường thân thể mà đi ra ngoài, khiến tôi lo lắng, chỉ sợ hư phẩm hạnh, bị làng xóm chê cười. Ông chẳng nghe lời khuyên, như thế nào mới là tốt?”

Lý lẽ vợ ông Vương hoàn toàn đúng, nếu xét về phương diện đời thường với những quy ước luân lý thế tục. Còn cách cư xử của ông Vương nhìn bề ngoài (hiện tượng) thì rõ ràng ông không biết giữ gìn tư cách người có chút địa vị trong thôn xóm.

Tuy nhiên, xét về bản chất sự việc, xét về con đường tâm linh quý báu mà ông Vương vừa được dắt dẫn bước vào, thì ông chẳng hề sái quấy chút nào hết.

Chỗ trái khoáy này từng được nói tới trong Đạo Đức Kinh (Chương 38): “Thượng đức bất đức, thị đĩ hữu đức. Hạ đức bất thất đức, thị đĩ vô đức.” (1)

Đây là một trong những nghịch lý (paradoxes) tiêu biểu của Đức Lão Tử. Chúng ta tạm hiểu thoát ý rằng bậc đạo đức cao tột vì không tuân theo quy ước đạo đức thói tục nên có đạo đức tuyệt đối. Còn người tuân theo quy ước đạo đức tương đối của thói tục nên không có đạo đức thật sự.

Thời Chúa Giêsu, người Do Thái khinh rẻ dân Samari là dân tạp (không thuần chủng). Vậy mà Chúa Giêsu lại trò chuyện cởi mở với người phụ nữ Samari bên giếng nước ban trưa. Việc này có chép trong Phúc Âm theo Thánh Gioan (Chương 4).

Để có nước dùng trong ngày, phụ nữ trong làng thường rủ nhau ra giếng lấy nước vào lúc sáng sớm, trời còn mát mẻ, đỡ nhọc nhằn vác nặng. Trái lại, người phụ nữ Samari Chúa trò chuyện lại ra giếng vào giờ Ngọ chang chang nắng. Chị ấy đi lẻ loi, cố ý lựa cái lúc vắng người, vì muốn tránh mặt lối xóm.

Sở dĩ chị làm vậy vì lý lịch của chị không được sạch, và chị bị phụ nữ trong làng xa lánh. Thánh Gioan chép răng chị từng trải qua năm đời chồng, và khi gặp Chúa thì chị đang chung sống với một ông không phải là chồng! Rõ ra chị ấy sống buông thả, làm gương xấu cho chị em trong vùng.

Vậy mà Chúa không phân biệt đối xử với hạng người tai tiếng như chị. Khi Chúa ngỏ lời xin nước uống, chính chị cũng kinh ngạc, bèn hỏi: “Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?” (Gioan 4:8)

Các môn đồ khi vào thành mua thức ăn trở về, bắt gặp Thầy mình đang trò chuyện với người đàn bà Samari. “Các ông ngạc nhiên (…). Tuy thế, không ai dám hỏi: Thầy cần gì vậy? Hoặc: Thầy nói gì với chị ấy?”

Xét ra các môn đệ của Chúa tế nhị hơn học trò Đức Khổng Tử nhiều lắm. Vua Linh Công nước Vệ có người vợ là nàng Nam Tử rất đẹp, thuộc nòi lãng mạn, khét tiếng đa tình. Ở đây chúng ta dùng uyển ngữ (euphemism) để đỡ tổn thương người đẹp, chứ trong sách sử Trung Hoa như bộ Đông Chu Liệt Quốc dày cộm của Phùng Mộng Long (1574-1646), họ nói huỵch toẹt với lời lẽ nặng nề!

Khi Đức Khổng cùng nhóm học trò đi sang nước Vệ, biết thầy có ý vào cung để chào nàng Nam Tử thể theo lời người đẹp mời, thì môn đệ hoảng hồn mất vía, một mực cản ngăn. Người rất quyết liệt là ông Tử Lộ, không muốn uy tín, danh tiếng của thầy bị sứt mẻ vì mạo hiểm tiếp xúc với bà đệ nhất phu nhân có chồng là ông vua đồng tính. (Cho nên Vệ Linh Công biết tỏng mọi chuyện lăng nhăng của vợ mà vẫn vô tư, có khi còn quan tâm, chủ động tạo cơ hội giúp bà nữa.)

Nhưng Đức Khổng cứ đàng hoàng tới gặp mỹ nhân. Hai người trò chuyện cách nhau một bức màn. Trở về chỗ trọ, ngài cứ bị ông Tử Lộ bám theo điều tra xem thấy vô cung nói gì, làm gì, v.v…

Bực mình không chịu thấu, Đức Khổng đành phải chỉ tay lên trời thề (Luận Ngữ, Chương 6, câu 28):

“Nếu thầy có làm điều gì sái quấy thì Trời bỏ thầy! Trời bỏ thầy!” (2)

Trở lại chuyện Đức Chúa bên bờ giếng. Chúa là đấng thượng đức nếu nói theo ngôn ngữ Đức Lão Tử. Chúa không thèm noi theo lề thói thế tục Do Thái để có dịp giáo hóa cho chị đàn bà Samari. Đó cũng là quan điểm giáo dục của Đức Khổng Tử (Luận Ngữ, Chương 15, câu 39): “Hữu giáo vô loại.” (3) Dạy người thì đừng thèm phân biệt họ là hạng người nào trong xã hội, đừng chăm chăm xét lý lịch ba đời của họ làm gì.

Ông Vương Triết cũng là bậc thượng đức, nên ông chịu giao du cởi mở với hai ông ăn mày, bất chấp bề ngoài nghèo hèn, chỉ biết tới phẩm cách cao quý bên trong con người họ.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x