Một buổi chiều cuối năm, tôi lên thành phố Bắc Ninh thăm anh Thụ. Lâu rồi anh em không gặp nhau, tay bắt mặt mừng, chuyện nổ như ngô rang, mà chỉ chuyện xửa xưa, cái ngày “ăn bom, uống đạn” ở chiến trường.

Cũng lạ, ở cái tuổi bảy mươi vừa thương tật, vừa di chứng sốt rét ác tính vậy mà anh vẫn nhanh như cái thuở lính trinh sát. Nghe nói có lúc anh còn xỏ giày đá bóng với đám thanh niên trong phường.

Vẫn cái chất giọng hào sảng, Thụ nói: “Tớ đọc Chuyện về những ngôi nhà hòa hợp của cậu đăng trên Sự kiện và Nhân chứng số Tết năm Bính Thân rồi. Trong “ngôi nhà” ấy có nhiều chuyện lắm. Mỗi cuộc gặp gỡ giữa hai bên là mỗi cuộc đấu lý, đấu trí, đấu khẩu… với nhau. Có những lúc căng muốn vỡ đầu, nhưng có những lúc vui như buổi tập văn nghệ tiểu đoàn bộ vậy. Nhất là các buổi đọc thơ, bình thơ… có lẽ cậu nên viết thêm…”.

Nhớ lời anh, hôm nay tôi kể lại câu chuyện đọc thơ trong “Ngôi nhà hòa hợp”. Để bạn đọc tiện theo dõi, tôi xin nhắc lại lần nữa về “Ngôi nhà hòa hợp”. Đó là một sáng kiến của Trung đoàn Phú Xuân chúng tôi vào những năm cuối của cuộc chiến tranh giải phóng trên chiến trường Thừa Thiên-Huế. “Ngôi nhà hòa hợp” làm bằng tre, nứa thường được đặt dưới chân đồi hoặc giữa yên ngựa giới tuyến của hai điểm chốt. Là nơi thứ sáu hằng tuần, những người lính Quân Giải phóng và người lính Việt Nam Cộng hòa (VNCH) gặp gỡ trò chuyện, đối thoại hòa bình với nhau, không bên nào được sử dụng vũ khí đe dọa nhau. Ngày đó còn được gọi là “Ngày thứ sáu đình chiến”. Mỗi buổi gặp gỡ đều được thống nhất chủ đề trước. Tuy nhiên các cuộc gặp, tiếp xúc thông thường bị văn nghệ hóa. Giữa chiến trường, sau những cuộc đụng đầu quyết liệt, dường như những người lính hai bên gặp nhau chỉ muốn nói chuyện với nhau về quê hương và tuổi thơ, ước mơ và hoài bão khi đất nước không còn chiến tranh, không còn chia cắt. Có lẽ ý tưởng đọc thơ, bình thơ nảy ra trong “Ngôi nhà hòa hợp” từ khi ngày gặp nhau được gọi là “Ngày thứ sáu đình chiến”.