Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Đời Muối – Lịch Sử Thế Giới của tác giả Mark Kurlansky mời bạn thưởng thức.

CHƯƠNG 2. Cá, Chim, Và Pharaoh

Ở cực Đông của sa mạc khổng lồ tại Bắc Phi, dòng sông Nile trù phú bồi đắp phù sa màu mỡ hai bên bờ trải dài suốt vài dặm. Nền văn minh Ai Cập nằm gọn trong chính dải đất chật hẹp này, bao quanh là sa mạc đầy gió cuốn như biển cả đầy sóng dữ, chỉ chực cuốn phăng mọi thứ đi bất kỳ lúc nào. Ngay cả ở Cairo hiện đại ngày nay với đầy những tòa nhà chọc trời, thì mỗi buổi sáng, những lao công vẫn xuất hiện để quét dọn số cát mà sa mạc đói khát ngoài kia vẫn đang không ngừng xâm lấn.

Các bãi tha ma của người Ai Cập sớm nhất được tìm thấy ở ranh giới nơi sa mạc bắt đầu và rìa ngoài cùng của dải đất xanh ở cả hai bờ sông Nile. Chúng có niên đại khoảng năm 3000 TCN, cùng thời với những ghi chép sớm nhất về nghề làm muối ở Tứ Xuyên, nhưng trước thời đại của nhà nước Ai Cập cổ đại và thậm chí trước cả chữ tượng hình – dấu ấn của nền văn minh Ai Cập cổ đại. Những tử thi ở các bãi tha ma này vẫn còn da và thịt. Dù không phải xác ướp, nhưng những cái xác này vẫn được bảo quản khá tốt qua suốt 5.000 năm. Lớp cát sa mạc vừa khô vừa mặn đã bảo vệ những cái xác, và hiện tượng tự nhiên này đã cho ra đời ý tưởng sơ khai về việc bảo quản xác.

Đối với người Ai Cập, xác chết là thứ kết nối cuộc sống trần gian với thế giới bên kia. Có thể duy trì cuộc sống vĩnh hằng bằng những bức phù điêu của một người hoặc thậm chí bằng cách lặp đi lặp lại cái tên của người đã khuất, nhưng lý tưởng hơn cả là bảo quản vĩnh viễn thi hài người chết. Trong tất cả các giai đoạn của nền văn minh Ai Cập cổ đại, một ngôi mộ luôn bao gồm hai phần: phần thứ nhất, nằm dưới lòng đất, là ngôi nhà của người chết, và phần thứ hai nằm trên mặt đất, là khu vực thờ cúng. Ở một số khu vực chôn cất đơn giản hơn, phần thờ cúng có thể chỉ là một khoảnh đất trống trên mặt đất.

Phần thờ cúng này cho thấy rõ tầm quan trọng của việc chuẩn bị thức ăn và ăn uống đối với người Ai Cập cổ đại. Ở nơi này, người ta tổ chức những bữa cỗ được chế biến công phu cho đám tang, và rất nhiều thức ăn được để lại đây làm đồ cúng tế. Các bữa tiệc, đôi khi là các công đoạn chuẩn bị thức ăn, được mô tả lại trên những bức tường. Mỗi thời kỳ quan trọng trong lịch sử Ai Cập cổ đại đều sản sinh ra những ngôi mộ chứa đựng thông tin chi tiết về thực phẩm. Mặc dù điều này vốn để dành cho người đã khuất, nhưng chính nó đã giúp hậu thế có góc nhìn rõ ràng hơn về một nền ẩm thực sáng tạo và đầy công phu thời cổ đại.

Những người nghèo khổ nhất có thể có ít thức ăn, nhưng vẫn có bánh mì không men, bia và hành tây. Người Ai Cập cho rằng hành tây và tỏi là thứ thuốc tuyệt vời, họ còn tin rằng các lớp hành tây tựa như những lớp vòng tròn đồng tâm của vũ trụ. Hành tây được nhét bên trong xác ướp, đôi khi thay thế cho con mắt. Herodotus, nhà sử học người Hy Lạp sinh vào khoảng năm 490 TCN và được cho là đã khai mở ra lối viết sử mà ngày nay vẫn dùng, từng mô tả lại lăng mộ trong kim tự tháp Giza được xây dựng vào khoảng năm 2900 TCN. Ông viết rằng có dòng chữ trên một bức tường ở đó khẳng định những người chủ đã chu cấp cho thợ xây lăng củ cải, hành tây và tỏi trong suốt hai mươi năm xây dựng với tổng trị giá là 1.600 lạng bạc, tính theo đô la hiện giờ là khoảng 2 triệu đô la.

Tuy nhiên, tầng lớp thượng lưu có chế độ ăn uống đa dạng hơn, có lẽ là nền ẩm thực phát triển nhất trong thời đại lúc đó. Số thức ăn còn sót lại được tìm thấy trong một ngôi mộ từng trước năm 2000 TCN gồm có chim cút, bồ câu hầm, cá, sườn bò, thận, cháo lúa mạch, bánh mì, quả vả hầm, quả mọng, phô mai, rượu vang và bia. Một số đồ cúng tế khác được tìm thấy trong các ngôi mộ còn có cả cá muối và một thùng gỗ đựng muối ăn.

Người Ai Cập trộn nước muối với giấm tạo thành một loại xốt gọi là “oxalme”, thứ nước xốt mà sau này cũng được người La Mã sử dụng. Giống người Trung Quốc ở Tứ Xuyên, người Ai Cập rất thích các loại rau củ được bảo quản trong nước muối hoặc muối hạt. “Không có loại thức ăn nào sánh bằng rau muối” – đó là dòng chữ được viết trên một tờ giấy papyrus cổ đại. Ngoài ra, họ còn tạo ra một loại gia vị từ cá muối hoặc ruột cá muối trong nước muối, có lẽ cũng tương tự với tiền thân của nước tương ở Trung Quốc.

Có lẽ người Ai Cập cổ đại là những người đầu tiên bảo quản thịt cá bằng muối. Ghi chép sớm nhất của Trung Quốc về việc ướp muối để bảo quản cá có từ khoảng năm 2000 TCN. Cá muối và chim muối được tìm thấy trong các ngôi mộ Ai Cập cổ có niên đại từ trước đó khá lâu. Muối ướp sẽ hút hết hơi nước trong thịt, khiến vi khuẩn không có nơi để phát triển. Hơn nữa, bản thân muối đã có thể tiêu diệt vi khuẩn. Một số tạp chất được tìm thấy trong natri clorua cổ đại, ví dụ như kali nitrat (hay còn gọi là diêm tiêu), còn có khả năng sát khuẩn mạnh hơn nữa. Protein phân giải khi tiếp xúc với nhiệt, cũng tương tự khi tiếp xúc với muối. Do đó, ướp muối cũng có công dụng tương tự như nấu nướng.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x