
Đông Âu Anh Hùng Truyện 2 – Trên Từng Cây Số – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Đông Âu Anh Hùng Truyện 2 – Trên Từng Cây Số của tác giả Nam Nguyễn mời bạn thưởng thức.
3C – ÁP LỰC CỦA ĐẠI THÀNH CÔNG
Nam ăm 1987 anh Bùi Huy Hùng (BHH) từ Văn phòng Chính phủ về làm PGĐ của Intimex chỗ Trần Hưng Đạo. Anh phụ trách một trung tâm nhỏ (gồm Trung “gầy” – con trai vị cựu TGĐ, đi Tiệp về; Trung “phỉ” – con một vị thứ trưởng; Trung “béo” – con nhà quân đội, đi Liên Xô về). BHH vốn từng trợ lý cho ông Đoàn Trọng Truyến ở Ủy ban Vật giá, anh rất thạo các cơ quan ban ngành về cơ quan mới anh đẩy mạnh việc xuất nhập khẩu xe ô tô (hồi đó xe ô tô tay lái thuận hay nghịch gì nhập vào Việt Nam rồi bán sang Trung Quốc qua đường bộ đều lãi to!). Trung tâm phình lên đến gần sáu chục nhân viên, công việc rất chạy làm cho chị TGĐ tên Ngân khá “ngứa mắt” – chị ra lệnh thu gọn lại hoạt động của trung tâm này, lại trở về chỉ còn năm, sáu người như cũ! (Chị sau này ốm, đầu những năm 90 đã mất). Khó mà phát triển tiếp được ở đây, BHH nhìn quanh xem có những cơ hội nào khác không…
Những năm cuối 8X ấy doanh nhân nổi tiếng nhất miền bắc có lẽ là Nguyễn Quang A. Một số nét cơ bản về anh Quang A: anh sinh 1946 là con liệt sỹ tại Bắc Ninh, được cử sang Hungary học ngành vô tuyến điện, ngay từ lúc đi đã làm các cán bộ tuyển dụng nhà ta rất ngạc nhiên vì đôi chân có cỡ quá khổ (rất khó tìm được đôi giày để anh chàng con nhà nông dân này xuất ngoại) và học rất giỏi. Anh chuyển tiếp luôn thành phó tiến sỹ, rồi 1975 về trường Đại học Kỹ thuật quân sự. 1982 lại sang làm tiến sỹ ở Hung rồi 1987 xin chuyển ngành, ra làm giám đốc Tổng cục Điện tử và Kỹ thuật Tin học Việt Nam. Anh A qui tập dưới trướng của mình được các bạn bè đàn em đều loại học giỏi bên Hung: anh Minh Song, Đô, Phan Tô Giang, Trần Việt Trung…
Vào thời “trứng nước” của ngành điện tử – tin học của Việt Nam ấy anh A liên kết với công ty của Alain Monglo – một doanh nhân Pháp sang đây khá sớm và rất khôn khéo! Bên phía anh Quang A mua vài chục máy tính (PC 286) của phía Pháp để bán lại cho các cơ quan ban ngành trong nước, khá là có lãi, vì lúc đó nhà mình đâu có lựa chọn nào khác. Rồi Quang A trở thành giám đốc của một liên doanh với phía Pháp (Công ty Liên doanh Máy tính Việt Nam Genpacific) báo chítoàn quốc tranh nhau viết về mức lương “cực khủng” của anh khi đó, là hơn 5000 USD/tháng bằng khoảng 100 lần thu nhập trung bình của kỹ sư ra trường, còn cao hơn lương của đại diện phía Pháp trong liên doanh. Liên doanh này vay được khoảng 1 triệu USD để nhập một dây chuyền lắp ráp máy tính khá thô sơ từ nước ngoài về – chủ yếu lắp ráp CKD thôi, ở Viettronics miền Nam, vay của Vietcombank Bà Rịa – Vũng Tàu. Năng suất cao đấy, mà các cơ quan chính phủ làm gì có tiền để mua, thế nên phải tìm đầu ra cho liên doanh này. Quang A được giới thiệu có Bùi Huy Hùng là người rất thạo việc xuất nhập khẩu, mới tìm anh Hùng để bàn việc bán máy tính sang Liên Xô (lúc đó là những năm cuối của “perestroika”, trước khi đất nước Xô Viết hoàn toàn sụp đổ). Lúc đầu 3C (hay đúng hơn Genpacific) cũng có của ăn của để rồi, mua được một căn nhà ở Hà Nội làm chỗ làm việc cho ban tin học và kinh doanh ở Trần Hưng Đạo, và một miếng đất to, giá rất hời trong HCM.
BHH đưa ra sơ đồ ngoạn mục để tiêu thụ máy tính “made in Vietnam”: bán sang Nga (giá khoảng 30 nghìn rúp/cái – rất cao, đã lời nhiều rồi) – mua đô la, vàng hay rúp chuyển nhượng đưa về nước. Lãi nhất là rúp chuyển nhượng: khi đó 1,8 rúp thường là mua được 1 rúp chuyển nhượng, nhưng trong các thanh toán giữa các quốc gia của khối SEV thời đó (là các nước XHCN trước kia đấy) nó được tính bằng 1,4 USD (hay 1 USD = 0,7 rúp chuyển đổi). Trong khi đó giá rúp thường trên thị trường rớt liên tục, mà bán vẫn lãi thì bán rồi đổi thành rúp chuyển nhượng là siêu lợi nhuận!
Quang A bàn với Bùi Huy Hùng: những vụ việc lãi ít kiểu bán hàng trong nước thì để liên doanh bán cho có doanh số, còn những vụ lãi khẳm như xuất khẩu thế kia phải đẩy sang cho một doanh nghiệp “của mình” xuất đi, (nói đi cũng phải nói lại, thuế lợi tức doanh nghiệp hồi ấy cực cao, gần như là có lãi thì một nửa để đem đi nộp thuế, nên tìm cách giảm thuế phải nộp cũng có “cái lý của nó” đấy!). Và thế là ra đời một doanh nghiệp có cái tên rất thời thượng: Công ty Máy tính – Truyền thông – Điều khiển 3C hay gọi tắt là “3C” – cũng ít ai nghĩ rằng nó sẽ thành công nhanh rực rỡ chóng vánh đến vậy, mặc dù có những công ty đã ra đời trước đó rồi như C&N (các anh tài Dũng “tăm” và Thắng “Đạo” sáng lập), FPT (xem trong phần 1 của bộ ĐÂ AHT). Tất cả đều dựa vào quyết định 288 của Hội đồng bộ trưởng cho phép thành lập công ty từ các Hiệp hội (do TTg Võ Văn Kiệt ký).
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.