Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Hồi 2 – Bao-quýnh Chuộc Tội, Dâng Gái Đẹp.

Từ khi săn bắn ở Ðông-giao về, Tuyên-vương lâm bệnh nặng, đêm nào chợp mắt cũng thấy Ðỗ-bá và Tả-nho đến đòi mạng

Biết mình không thể sống được lâu, bèn cho đòi Doãn-kiết-phủ và Thiệu-hổ đến để thác cô.

Hai người nầy vào quỳ dưới long-sàng hỏi thăm căn bịnh..

Vua khiến nội-thị đỡ dậy và nói:

– Trẫm nhờ sức của hai khanh mới ở ngôi đặng bốn mươi sáu năm, chẳng ngờ hôm nay lâm bịnh nặng, không thể sống được nữa, Thái-tử là Cung-niếc tuổi tuy đã lớn mà tánh-tình ngu-muội, xin chư khanh hãy hết lòng phò tá kẻo hư cơ-nghiệp.

Hai người cúi đầu lãnh mạng, bái tạ lui ra.

Vừa đến cửa cung xảy gặp quan Thái-sử Bá-dương-phụ bước vào.

Thiệu-hổ hỏi:

– Có phải ngài đến để thăm Bệ-hạ không? Bịnh tình Bệ-hạ rất nguy kịch, khó mà sống đặng.

Doãn-kiết-phù nói:

– Trước kia là tiếng hát rao, nay lại đến hồi quỷ hiện, vận nước thật khó an toàn.

Bá-dương-phụ nói:

– Ðêm qua tôi có xem thiên-văn, thấy yêu-tinh phục nơi sao Tử-vi. Quốc gia còn gặp nhiều tai biến nữa.

Thiệu-hổ nói:

– Tuy trời định hơn người, song người cũng có thể thắng mạng trời. Các ông cứ nói theo thiên-đạo mà bỏ nhân-lực sao! Cả triều thần không đủ sức chống lại mọi tai biến ư?
Ba người nhìn nhau, mỗi người riêng một ý nghĩ, rồi ai về nhà nấy.

Ðêm hôm ấy Tuyên-vương băng-hà.

Khương Thái-hậu bèn ra ý chỉ triệu các vị lão-thần Doãn-kiết-phủ và Thiệu-hổ xuất lãnh bá quan, phò Thái-tử Cung-niếc vào làm lễ cử ai, rồi tức vị trước linh-cữu, xưng hiệu là U-vương, lập con gái Thân-bá lên làm Hoàng-hậu, lập con trai là Nghi-cựu lên làm Thái-tử, phong Thân-Bá làm Thân-hầu.

Sau khi Tuyên-vương chết, bà Khương-hậu buồn rầu vô cùng, chẳng bao lâu cũng tạ thế.

Còn U-vương lại là một ông vua bạo ngược, háo sắc. Mặc dù trong tang chế, ngày nào cũng ăn uống rượu chè, đắm say vật-dục đến nỗi bỏ bê cả việc triều-chánh.

Thân-hầu ngày ngày can gián không được, buồn giận lui về nước Thân tá túc.

Bấy giờ khí số nhà Châu cũng đã sắp tàn, nên khiến các vị lão thần như Doãn-kiết-phủ, Thiệu-hổ, đều lần lượt quy-thiên.

U Vương lại dùng Quách-công, Tế-công, và con của Doãn-kiết-phủ là Doãn-cầu lên làm bực Tam-công.

Ba người nầy đều là những kẻ dua nịnh tham quyền, cố-vị còn Trịnh-hữu-bá là người trung-trực vua lại không tin dùng.

Một hôm, thiết-triều tại Kỳ-sơn, có quan thủ-thần vào tâu:- Tâu Bệ-hạ, chẳng biết cớ gì sông Kinh, sông Hà, sông Lạc cùng động đất một lúc.

Không một chút lo lắng, U-vương mỉm cười nói:

– Núi lở đất động là việc thường, nhà ngươi tâu với trẫm làm gì?

Nói xong, liền di-giá về cung

Quan Thái-sử Bá-dương-phụ cầm tay quan Ðại-phu Triệu-thúc-Ðái than rằng:

– Thuở trước sông Ỷ, sông Lạc cạn, nhà Hạ mất ; sông Hà cạn, nhà Thương hư ; nay cùng một lúc ba sông đều động một lượt ấy là trời muốn lấp nguồn, nhà Châu khó tránh khỏi tai biến.
Triệu-thúc-đái hỏi:

– Theo dự đoán của ngài thì bao giờ mới xảy ra tai biến ấy?

Bá-dương-phụ đánh tay xem lại, rồi đáp:

– Nếu vua biết răn mình, chuộng hiền lánh dữ thì trong khoảng mười năm, bằng ngược lại họa sẽ tới gấp không chừng.

Thúc-đái nghe nói thở dài, cầm tay Dương-phụ, nói:

– Nay Thánh-thượng chẳng kể việc quốc-chính, xa những tôi trung gần gũi nịnh thần, chẳng lẽ chúng ta khoanh tay ngồi ngó trong lúc nước nhà bại vong. Vậy chúng ta phải can gián, dù được hay không cũng tròn bổn phận.

Bá-dương-phụ cũng thở dài rồi lắc đầu nói:

– Dù chúng ta có làm gì cũng vô ích.

Trong lúc hai người nói chuyện có kẻ rình mò nghe được, thuật lại với Quách-công.Quách-công sợ nếu để Thúc-đái can gián ắt lòi chuyện gian-nịnh của mình, bèn thẳng vào hậu cung tìm lời sàm tâu rằng:

– Bá-dương-phụ và Triệu-thúc-đái chê bai triều-đình, làm cho dân chúng hoang-mang.

U Vương nói:

– Chúng là những đứa ngu dốt biết chi mà bàn luận. Thói thường, những kẻ ngu dốt thường học đòi hay xét-nét đến công việc của thiên-hạ, khanh để ý làm gì cho bận tâm.

Quách-công nghe nói thì cúi đầu lui ra, mặt mày hớn hở.

Cách vài ngày sau, quan trấn thủ núi Kỳ-sơn lại dâng biểu về tâu rằng:

– Ba sông đều cạn, núi Kỳ-sơn lại lở, đè chết dân chúng rất nhiều.

U Vương không thèm để ý đến, sai bọn nội giám đi tìm gái đẹp sung bổ vào cung.

Triệu-thúc-đái nóng lòng, dâng biểu can rằng:

– Sơn băng, thủy kiệt là biểu-hiệu của thiên tai. Vả lại Kỳ-sơn là nơi dựng nghiệp đế vương nay lại bị lở đi thì không phải việc nhỏ. Lẽ ra phải chọn hiền tài, để chung lo cứu nước thì Bệ-hạ lại chọn mỹ-nữ để vui riêng, hạ thần lấy làm hổ thẹn.

Nhà vua chưa kịp nói, thì Quách-công đã quỳ tâu:

– Tâu Bệ-hạ, đất Phong, đất Kiều là chỗ đóng đô còn Kỳ-sơn cũng như chiếc giày rách lâu đời đã bỏ đi, thì việc núi long đất lở có can hệ gì. Ấy là Thúc-đái có ý khi-quân, mượn cớ để phỉ-báng triều đình, xin Bệ-hạ rộng xét.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x