Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Chương 2: Những thứ bất di bất dịch

Addia Ababa có nghĩa là “bông hoa tươi thắm”. Nếu Addia Ababa quả thực là một bông hoa, thì có thể bông hoa này đã lụi tàn từ rất lâu trước khi tôi kịp trông thấy nó. Ý tôi là, tôi không dám chắc nó có tươi thắm hay không, nhưng tôi nghĩ nó không xinh đẹp. Addis (tên gọi tắt của Addia Ababa) có những con đường rộng rãi, quảng trường mênh mông và xe cộ như mắc cửi. Lúc tôi đến, Addis đang là mùa mưa, mưa sầm sập, xối xả mỗi ngày. Và cứ mưa là đường sá sình lầy. Trước cửa khách sạn tôi ở, nước ngập thành sông. Nhưng bạn có biết, nhà nghỉ này được mệnh danh là “Thiên đường Ginza” của Addis không, vâng, chính là “Thiên đường Ginza” mà chúng ta thường ghé thăm khi tới Tokyo. Nhưng tôi có thể khẳng định chắc như đinh đóng cột với bạn rằng, nơi này còn cách Thiên đường Ginza ở Tokyo chừng mười nghìn năm ánh sáng.

Quảng trường tuy rộng lớn nhưng trống trải. Những hình ảnh quen thuộc thường xuất hiện trên quảng trường thủ đô như tượng điêu khắc mang biểu tượng thành phố, đài phun nước, bồn hoa, cây cối hay những chiếc ghế đá dành cho du khách dừng chân nghỉ ngơi… đều không có. Bù lại quảng trường này rất rộng rãi, những ngọn đèn đường hình mặt trời chiếu sáng, rất hợp để làm sân bóng. Thế nên khoảng mười mấy đội bóng, chuyên hoặc không chuyên xuất hiện tại đây. Vài trái bóng bay rợp không gian. Nhưng tôi tìm hoài, tìm mãi mà không thấy cầu môn ở đâu.

Taxi rất đắt đỏ, thực ra, chi phí du lịch ở Ethiopia không hề rẻ, không phù hợp để “du lịch ba lô một mình”. Hệ thống giao thông công cộng lạc hậu, nghèo nàn đã gây nên tất thảy. “Tháp nhu cầu của Maslow” được thể hiện rất rõ ràng trên mảnh đất này. Đừng yêu cầu những thứ xa xỉ kiểu lễ độ, lịch sự, liêm sỉ ở đây, điều đó chỉ được đáp ứng khi người ta đã được thỏa mãn nhu cầu cơ bản là ăn no mặc ấm.

Kể từ lúc đặt chân đến Ethiopia, Yuan liên tục nhắc nhở tôi: nơi đây là châu Phi! Ý cậu ấy là, nếu không thể tránh né thì hãy học cách chấp nhận. Được thôi, tôi sẽ nỗ lực để đón nhận nó. Nhưng nói bao giờ cũng dễ hơn làm.

Khoang hành khách của hàng không Yemen không có bất cứ tiếp viên nào làm nhiệm vụ đưa đón và hướng dẫn khách tìm chỗ. Mạnh ai nấy chen, rối như canh hẹ. Đứa bé da đen mặc váy hoa nhỏ xíu, chạy lăng xăng trong khoang hành khách, kêu gào suốt đêm, nước mũi chảy ròng ròng. Máy bay trung chuyển ở thủ đô Yemen dừng sáu tiếng đồng hồ. Lúc đầu họ thông báo sẽ miễn phí chỗ ở cho hành khách, nhưng sau đó vì không bị chậm giờ bay nên họ tự động hủy đãi ngộ mà không có bất cứ lời giải thích nào. Tối hôm ấy, tôi co ro trên chiếc ghế cứng ngắc trong phòng chờ máy bay, suốt đêm không ngủ vì thứ mùi hôi của phân bò phân dê, trộn với mùi bùn đất cứ quẩn quanh bên cánh mũi.

Món ăn truyền thống của người Ethiopia là bánh Injera, một loại bánh mì mỏng với những lỗ châm kim lỗ chỗ trên mặt bánh. Người ta đặt lên đó đủ loại thức ăn mà tôi không biết tên gọi là gì, ngay cả sau khi đã nhai và nuốt chúng vào bụng. Màu bánh càng ngả vàng thì càng chua, vị chua này dường như là kết quả của thực phẩm lên men, không thanh dịu, thơm ngon như món dấm nhà họ Trần nức tiếng ở Trấn Giang, Giang Tô, Trung Quốc. Điều này đã quyết định thực đơn suốt hơn hai mươi ngày lang thang ở Ethiopia. Tôi chỉ toàn gặm bánh mì, hoặc đến các quán ăn địa phương gọi một suất na ná mì ống, rưới một lớp tương cà lên. Nhưng tôi không dám vào bếp ngó xem họ làm món đó thế nào. Nếu cần bổ sung dinh dưỡng, tôi sẽ mua trứng gà về luộc, chấm với muối trắng.

 

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x