
Feyman – Chuyện Thật Như Đùa! – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Feyman – Chuyện Thật Như Đùa! của tác giả Richard P. Feynman mời bạn thưởng thức.
Những trái đậu leo
Mùa hè ấy, khi làm thêm ở một khách sạn do bà dì của tôi quản lí, chắc hẳn tôi phải ở tuổi mười bảy hay mười tám. Không biết số tiền kiếm được là bao nhiêu, tôi nghĩ, khoảng hai mươi hai đô la một tháng. Tôi làm xen kẽ mười một tiếng một ngày (khi trực lễ tân) và mười ba tiếng ở ngày tiếp theo, hoặc trực lễ tân hoặc dọn bàn ở nhà hàng. Trong các buổi chiều trực lễ tân, bạn phải mang sữa lên cho bà D. – một người tàn tật, và bà không bao giờ cho chúng tôi tiền boa. Thế giới này là như vậy: bạn làm việc nhiều giờ hàng ngày, nhưng chẳng nhận được gì cả.
Đó là một khách sạn nghỉ dưỡng bên bờ biển ngoại ô thành phố New York. Những ông chồng thường đi làm trong thành phố và để các bà vợ ở nhà đánh bài, vì thế, bạn luôn phải mang bàn chơi bài brit ra. Rồi ban đêm, các ông chồng lại chơi pô-ke và bạn cũng phải chuẩn bị sẵn bàn cho họ, lau dọn gạt tàn thuốc lá, và vân vân. Tôi luôn ở đó cho đến khuya muộn, khoảng hai giờ sáng, nghĩa là thực sự tôi làm việc mười ba hay mười một giờ một ngày.
Có những việc tôi không thích, chẳng hạn như tiền boa. Tôi nghĩ là chúng tôi nên được trả lương cao hơn và không cần phải nhận boa nữa. Nhưng khi tôi đề xuất điều này với bà chủ thì chẳng nhận gì ngoài tiếng cười nhạo. Bà ta nói với mọi người: “Richard không muốn nhận tiền boa, hee, hee, hee; nó không muốn nhận boa, ha, ha, ha.” Thế giới này đầy rẫy kẻ ngạo mạn ngu dốt mà chẳng hiểu biết gì kiểu như vậy.
Có một dạo, một nhóm đàn ông đi làm từ trong thành phố về, muốn có đá ngay lâp tức để cho vào đồ uống của họ. Lần ấy anh chàng làm cùng tôi đang trực ở quầy lễ tân. Anh ta nhiều tuổi hơn tôi và lành nghề hơn nhiều. Đã có lần anh ta bảo tôi: “Nghe này, chúng ta luôn mang đá đến cho tay Ungar ấy, thế mà hắn chẳng bao giờ cho tiền boa – thậm chí một xu cũng không. Lần sau nếu bọn họ gọi đá thì cứ coi như không nghe thấy. Rồi bọn họ sẽ gọi lại, và khi bọn họ gọi thêm lần nữa thì cậu hãy nói, ‘Ồ, xin lỗi. Tôi quên mất. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng bị người ta lãng quên đấy’.”
Tôi làm đúng như vậy và Ungar boa cho tôi mười lăm xu! Nhưng bây giờ, nghĩ lại chuyện đó tôi nhận ra là anh chàng phục vụ lễ tân lành nghề kia thực sự biết những gì cần làm: xui người khác lĩnh trọn nguy cơ của những rắc rối có thể xảy ra. Anh ta đẩy tôi vào công việc dạy tay đàn ông kia phải biết đưa tiền boa. Anh ta chẳng bao giờ nói gì; anh ta đẩy tôi làm việc đó!
Tôi từng thu dọn bàn trong phòng ăn. Bạn phải gom tất cả những thứ còn lại trên bàn vào một cái khay ở bên cạnh, và khi khay đầy thì mang nó vào trong bếp. Rồi bạn phải lấy cái khay khác, đúng không? Bạn cần làm theo hai bước – mang cái khay cũ đi và đặt cái mới vào – nhưng tôi nghĩ: “Mình sẽ làm việc này trong một bước”. Thế là tôi thử lùa cái khay mới vào phía dưới và đồng thời kéo cái khay cũ ra, và nó trượt đi – BANG! Tất cả mọi thứ đổ xuống sàn nhà. Và tất nhiên câu hỏi khi đó là: “Cậu làm cái gì vậy? Tại sao lại bị đổ?” hừ, làm sao tôi có thể giải thích rằng mình đang thử sáng tạo ra cách mới để thay những cái khay?
Trong số các món tráng miệng có loại bánh cà phê dưới có giấy lót và để lên một cái đĩa nhỏ trông rất đẹp mắt. Nhưng nếu bạn đi vào phía sau thì bạn sẽ thấy một người đàn ông được gọi là người quản bếp. Nhiệm vụ của chú ấy là chuẩn bị sẵn các món tráng miệng. Người này trước đây chắc phải là một thợ mỏ hoặc làm một công việc nặng nhọc nào đó vì chú ấy có những ngón tay rất ngắn, tròn và mập. Chú phải gỡ một chồng giấy lót được sản xuất bằng một quá trình dập, tất cả dính chặt vào nhau, và phải dùng những ngón tay mập và ngắn tách từng miếng lót ra rồi đặt lên đĩa. Khi chú ấy làm việc này, tôi luôn nghe thấy tiếng cằn nhằn: “Mấy cái giấy lót chết tiệt này!”. Tôi còn nhớ mình đã nghĩ: “Thật là tương phản – một người ngồi ở bàn ăn nhận được cái bánh xinh xắn để trên đĩa lót giấy này, trong khi quản bếp ở trong kia với các ngón tay cái mập và ngắn thì luôn miệng nói ‘mấy cái giấy lót chết tiệt!’” Đó chính là sự khác biệt giữa thế giới thực và những gì nó được nhìn thấy.
Vào ngày đầu tiên làm việc ở đó, cô quản bếp đã giải thích rằng cô luôn làm bánh kẹp thịt nguội, hoặc là một thứ gì đó, cho những người làm ca khuya. Tôi nói rằng mình thích những món tráng miệng, cho nên nếu còn món nào thừa sau bữa tối thì tôi muốn được ăn. Buổi tối hôm sau, tôi phải làm ca khuya cho đến tận hai giờ sáng với đám đàn ông chơi bài pô-ke. Trong khi ngồi loanh quanh chán ốm cả người vì chẳng có việc gì làm, tôi đột nhiên nhớ ra là có món tráng miệng để ăn. Tôi đến chỗ tủ lạnh, mở ra, và đây rồi, cô ấy để lại những sáu món tráng miệng! Trong số đó có một chiếc pudding sôcôla, một miếng bánh ngọt, mấy lát đào, một ít bánh pudding gạo, một ít thạch – có mọi thứ! Tôi ngồi đó và ăn cả sáu món – thật xúc động!
Hôm sau cô ấy nói với tôi: “Cô để lại cho cháu món tráng miệng….”
“Tuyệt vời,” tôi đáp: “Quá tuyệt vời!”
“Nhưng cô để lại cho cháu sáu món vì không biết cháu thích nhất món nào.”
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.