Freud Đã Thực Sự Nói Gì – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
LUẬN THUYẾT PHÂN TÂM HỌC
Với cái vốn học vấn đồ sộ của bản thân, Freud không thể bằng lòng với kinh nghiệm chữa bệnh thuần túy. Từ những kinh nghiệm cụ thể, Freud đã kiến tạo ra một hệ thống những khái niệm cơ bản để lý giải những phức tạp của tâm lý học. Hệ thống ấy gọi là métapsychologie, có người dịch là siêu tâm lý học.
Thực chất đây không có gì là siêu nhiên cả, đây là một luận thuyết trong nhiều luận thuyết khác của tâm lý học. Bài tựa này không đi sâu vào những khái niệm sẽ được trình bày trong sách, chỉ nêu lên ý nghĩa của một vài từ. Luận thuyết Freud mang tính thứ nhất là topique. Topos là vị trí, khu trú, có ý xem cái tâm của con người được chia ra thành những khu riêng biệt với nhân cách con người có những ngôi riêng biệt với những vị trí riêng biệt.
Luận điểm cơ bản thứ hai mang tên là dynamique, có ý nói là mọi hành vi hiện tượng tâm lý đều phải có một nguồn năng lượng mới thể hiện ra được và cái tâm thường xuyên ở vào tình trạng động với một xu thế chuyển động nhất định. Luận điểm thứ ba ông gọi là économique tức kinh tế, ở đây phải hiểu theo nghĩa là nguồn năng lượng nói trên được phân phối như thế nào, đầu tư vào đâu.
Cái lực thúc đẩy tâm lý học thường gọi là bản năng (instinct) và nhận ra hai bản năng cơ bản: bản năng bảo vệ sự tồn tại của cá thể và bản năng bảo đảm sự tái sinh sản nòi giống.
Lúc đầu Freud cũng chấp nhận hai bản năng này, nhưng sau nhiều năm tiếp xúc với thực tiễn và nghiền ngẫm, ông đã đi đến kết luận là có hai bản năng (ông gọi là xung năng – tiếng Pháp: pulsion – tiếng Anh: drive – tiếng Đức: Triebe): một là Eros vừa là tính dục vừa là xung năng sống, hai là Thanatos tức là xung năng chết.
Ông cho rằng sinh ra là ngay từ đầu con người đã mang trong mình bản chất cái chết, chứ không phải trong con người chỉ có bản năng tự bảo tồn để sống mãi. Luận thuyết này đã gây ra những tranh cãi hết sức sôi nổi, đến nay vẫn chưa ngã ngũ.
Một điều đáng chú ý là Freud từ những hiện tượng bệnh lý của người lớn đã vạch ra cả một quá trình phát triển tâm lý suốt thời bé và nhấn mạnh những gì đã xảy ra vào thời tấm bé có ảnh hưởng quyết định đến cả cuộc đời của một con người.
Freud chỉ quan sát con của ông một vài lần và chỉ nghiên cứu một ca bệnh trẻ em, thế mà những khái niệm và luận điểm ông nêu lên về sự phát triển tâm lý ở tuổi bé phần lớn sau này được những học giả chuyên về trẻ em công nhận là đúng.
Ngày nay, giở bất kỳ một quyển sách khoa tâm lý nào, của bất kỳ nước nào (quyển Tâm lý học Trung Quốc chúng tôi mới nhận được năm 1996) cũng thấy trình bày những khái niệm Freud đã đưa ra. Học tập nghiên cứu tâm lý, nhất là tâm lý trẻ em không thể không biết đến phân tâm học.
NỖI KHỔ CỦA ÔNG FREUD
Trên kia có nhắc đến việc ông Freud thời trẻ đã buộc phải chuyển làm nghề chữa bệnh để bảo đảm cuộc sống. Thực ra ngày nay theo hồi ký của ông và nhiều tình tiết trong cuộc đời riêng mà những đồ đệ đã sưu tầm ra thì câu chuyện lại khác.
Vả lại cũng là quy luật chung, những nhà tâm lý học sâu sắc bao giờ cũng là những người đã trải qua nhiều nỗi gian truân vướng mắc về tâm tư, rồi vì sự thôi thúc tìm hiểu cho được nỗi khổ của mình tiến tới hiểu thấu nỗi khổ của người, từ suy bụng ta ra bụng người rồi trông người lại ngẫm đến ta, hai quá trình cảm nghĩ ấy tác động lẫn nhau suốt đời.
Sau khi nghiên cứu nhiều ca bệnh nhân và đề xuất được phương pháp phân tâm, ông đã vận dụng phương pháp cho bản thân tiến hành một quá trình tự phân tâm.
Freud sinh ra trong một gia đình Do Thái khá phức tạp. Bố lấy ba đời vợ. Vợ thứ ba sinh ra Sigmund, thua chồng 20 tuổi, Sigmund lớn lên gần những người anh chị ngang tuổi với mẹ. Học rất thông minh, năm nào cũng đứng đầu lớp, đẹp trai nhưng thường xuyên bị ám ảnh là đau tim, vẫn tin rằng mình sẽ chết sớm và trải qua nhiều cơn suy nhược thần kinh. Lại thêm rất sợ đi tàu, mặt dù tàu hỏa châu Âu thời ấy đã đi nhanh và đầy đủ tiện nghi.
Ông cũng mắc một triệu chứng rất lạ: hai lần muốn đến thăm Rô ma – một thành phố cổ kính vào bậc nhất của châu Âu với không biết bao nhiêu di tích lịch sử và công trình kiến trúc nổi tiếng, một nơi mà bất kỳ một học giả Âu châu nào cũng phải đến thăm ít nhất một lần, nhưng cứ đi đến cửa thành phố là Sigmund lại quay lại, không hiểu có một lực nào giữ chân ông lại. Ông rất muốn đến Rô-ma để nghiên cứu về lịch sử và nghệ thuật, nhưng không thể nào vào được. Sau khi tự phân tâm , ông nhớ lại một ký ức thời bé.
Thời ấy giáo hội Công giáo ngự trị ở nước Áo thúc đẩy phong trào bải đạo Do Thái. Ông bố của cậu bé Sigmund một lần kể cho con nghe: hôm bố đang đi trên vỉa hè gặp một ông lớn người Công giáo bảo: “Thằng Do Thái kia tránh ra cho tao đi. Bố chần chừ, thì nó chụp lấy mũ của bố ném ra lòng đường”.
Cậu bé hỏi: “Rồi bố làm gì?” – “Bố cúi đầu lượm mũ rồi lẳng lặng chuồn đi”. Từ đó trong lòng cậu bé Sigmund đầy căm thù với đạo Công giáo, sau khi lớn quên đi. Cũng thời bé học lịch sử, Freud có một lần rất say mê chuyện tướng Annibal người Carthage, một thành phố bên kia Địa Trung Hải đã nhiều lần bị quân Roma đốt trụi thành phố để trả thù cho quê hương.
Cứ mỗi lần sắp vào cửa thành Roma, trong thâm tâm Freud lại nổi lên ý đồ đốt trụi cả thành phố. Từ sau khi nhận thức được như vậy, ông mới thanh thản vào thăm Roma và ông cũng cho biết từ đó hết sợ đau tim và những cơn suy nhược thần kinh.
Sách liên quan
Hồ Sơ Số 113 – Đọc sách online ebook pdf
Émile Gaboriau
Hang Dã Thú – Đọc sách online ebook pdf
Jeffery Deaver
Sài Gòn Năm Xưa – Đọc sách online ebook pdf
Vương Hồng Sển